Máy bay C919 và ARJ21 là 2 loại máy bay thương mại đang được Comac Air phát triển mạnh. Trong đó, máy bay chở khách cỡ lớn C919 có 158 - 192 chỗ ngồi, cấu hình ghế tương tự các mẫu Boeing 737 Max và Airbus A320/321. Nhà sản xuất kỳ vọng C919 sẽ cạnh tranh với Boeing 737 và Airbus 320.

Trưng bày 2 chiếc máy bay do Trung Quốc sản xuất tại sân bay Vân Đồn tỉnh Quảng Ninh
Hai chiếc máy bay Trung Quốc C919 và ARJ21 đỗ tại Sân bay Vân Đồn. Ảnh: Tiến Dũng.

Ngày 28/5/2023, máy bay này đã thực hiện thành công chuyến bay thương mại đầu tiên, tính đến nay tổng cộng đã có 4 chiếc máy bay loại này được đưa vào vận hành, vận chuyển an toàn hơn 110.000 lượt hành khách.

Còn máy bay chở khách ARJ21 là máy bay phản lực hai động cơ có 78 -97 chỗ ngồi, được đưa vào khai thác từ năm 2016, đến nay đã có tổng số 127 chiếc được đưa vào sử dụng, vận chuyển an toàn hơn 11 triệu lượt hành khách.

Trước đó, hai mẫu máy bay C919 và ARJ21 được Comac Air trưng bày, giới thiệu tại Singapore Airshow 2024 diễn ra từ ngày 20/2. Đây cũng là lần đầu tiên C919 được giới thiệu rộng rãi trong sự kiện triển lãm quốc tế và tại Việt Nam. Máy bay C919 đã đưa Trung Quốc vào danh sách các nước ít ỏi có thể tự thiết kế và sản xuất máy bay gồm: Mỹ, Nga, Brazil, Canada, Anh, Pháp và Đức.

Các máy bay sẽ được trưng bày tĩnh tại sân bay Vân Đồn, sau đó, máy bay dự kiến di chuyển tới Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Viêng Chăn (Lào).

Theo ông Hoàng Văn Dũng - Phó Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn chia sẻ, chương trình triển lãm lần này sẽ thúc đẩy du lịch chung của tỉnh Quảng Ninh với thị trường trọng điểm Trung Quốc, kết nối các hãng hàng không, công ty du lịch xây dựng tour tuyến, mở đường bay đến sân bay quốc tế Vân Đồn, tạo điều kiện cho khách du lịch khám phá vẻ đẹp của Quảng Ninh nói riêng, Việt Nam nói chung.

Ngoài ra, sự kiện Comac Airshow được tổ chức tại Vân Đồn đã khẳng định vị thế sân bay tư nhân đầu tiên và hàng đầu của Việt Nam, nơi có đầy đủ hạ tầng tổ chức các sự kiện lớn của ngành hàng không trên toàn thế giới. Sự kiện sẽ tạo tiền đề cho việc khai thác các chuyến bay thương mại từ các tỉnh, thành phố của Trung Quốc đến Vân Đồn.

Trưng bày 2 chiếc máy bay do Trung Quốc sản xuất tại sân bay Vân Đồn tỉnh Quảng Ninh
Các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm trưng bày 2 chiếc máy bay do Trung Quốc sản xuất tại sân bay Vân Đồn. Ảnh: Tiến Dũng.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Ô Quốc Quyền - Tham tán Công sứ Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam khẳng định, Trung Quốc và Việt Nam đều là đối tác kinh tế và thương mại quan trọng của nhau. Từ năm 2004, Trung Quốc luôn giữ vị trí đứng đầu về đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Trong khi đó Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ năm của Trung Quốc trên toàn cầu. Dịch vụ vận chuyển hàng không tiện lợi và an toàn là phương tiện quan trọng cho các hoạt động thương mại giữa Trung Quốc và Việt Nam, trong khi sự hợp tác kinh tế và thương mại ngày càng phát triển giữa hai bên cũng mở ra nhiều cơ hội hợp tác trong lĩnh vực hàng không.

Việc củng cố hợp tác thực tế giữa Trung Quốc và Việt Nam là một phần quan trọng trong việc thúc đẩy và nâng cao quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước. Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam sẽ tiếp tục ủng hộ hợp tác song phương, bao gồm cả lĩnh vực hàng không, đồng thời góp phần xây dựng một cộng đồng Trung Quốc - Việt Nam có ý nghĩa chiến lược với tương lai chung.

Trưng bày 2 chiếc máy bay do Trung Quốc sản xuất tại sân bay Vân Đồn tỉnh Quảng Ninh
Ông Cao Tường Huy - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh và ông Đàm Vạn Canh - Chủ tịch COMAC ngồi trải nghiệm ghế hạng thương gia. Ảnh: Thế An.

Trước đó, tháng 1/2024, ông Cao Tường Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, đã có cuộc làm việc với đại diện Cục hàng không dân dụng Trung Quốc, đại diện Comac Air để trao đổi, thống nhất kế hoạch mở đường bay thương mại mới kết nối một số tỉnh của Trung Quốc với Vân Đồn (Quảng Ninh).