an

Ngân sách khó khăn nhưng vẫn phải đảm bảo nhu cầu chi cho an sinh xã hội.

Do đó, Bộ Tài chính tăng cường quản lý theo hướng tiết kiệm, hiệu quả, tái cơ cấu ngân sách; đồng thời, các địa phương phải thực hiện sắp xếp các khoản chi đảm bảo kinh phí thực hiện các nhiệm vụ quan trọng và nhiệm vụ mới tăng thêm năm 2017, đẩy mạnh các biện pháp tăng thu, tiết kiệm chi.

Đề cao sự chủ động của các địa phương

Theo đánh giá của Bộ Tài chính cũng như văn bản Chính phủ đã trình Quốc hội về các giải pháp điều hành dự toán NSNN năm 2017 và các năm tiếp theo, NSTW tiếp tục khó khăn.

Do đó, các địa phương phải thực hiện sắp xếp các khoản chi đảm bảo kinh phí thực hiện các nhiệm vụ quan trọng và các nhiệm vụ mới tăng thêm năm 2017, đẩy mạnh các biện pháp tăng thu, tiết kiệm chi. Chủ động phấn đấu tăng thu để nâng mức ngân sách địa phương (NSĐP) đảm bảo thực hiện các chính sách an sinh xã hội (ASXH). Sau khi dành nguồn cải cách tiền lương theo quy định, các địa phương có tăng thu với quy mô lớn sẽ dành một phần thực hiện chính sách, giảm bớt một phần NSTW hỗ trợ...

Đến nay, Bộ Tài chính đã nhận được ý kiến tham gia của 7/8 bộ, cơ quan trung ương và 63/63 địa phương. Các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương đều cơ bản nhất trí với các nội dung đánh giá tình hình thực hiện cơ chế hỗ trợ từ NSTW cho NSĐP thực hiện các chính sách ASXH giai đoạn 2011 - 2016 và dự thảo tờ trình và dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ từ NSTW cho NSĐP thực hiện các chính sách ASXH giai đoạn 2017 - 2020 do Bộ Tài chính soạn thảo.

Trong bối cảnh đó, theo Bộ Tài chính, mục tiêu quan trọng của thời kỳ ổn định ngân sách 2017 - 2020 là tăng cường quản lý ngân sách theo hướng tiết kiệm, hiệu quả, tái cơ cấu ngân sách. Trong đó, tăng tỷ trọng chi đầu tư, giảm tỷ trọng chi thường xuyên trong tổng chi NSNN; đảm bảo các nguyên tắc cân đối, quản lý và phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và quan hệ giữa các cấp ngân sách...

Đặc biệt, quan điểm của Bộ Tài chính là giữ vai trò chủ đạo của NSTW và tăng cường trách nhiệm của các địa phương trong việc thực hiện các chính sách ASXH, cần có sự chia sẻ thêm của NSĐP trong việc thực hiện chính sách ASXH”.

Chi ASXH năm 2017 sẽ tăng

Bộ Tài chính cho biết, năm 2017- năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách giai đoạn 2017 - 2020, dự toán chi thường xuyên NSĐP đã được tính theo định mức phân bổ quy định tại Quyết định số 46/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đã bao gồm nhu cầu kinh phí thực hiện tiền lương cơ sở mức 1,21 triệu đồng/tháng và các chính sách ASXH được ban hành đến ngày 31/5/2016.

Tuy nhiên, vẫn còn 4 chính sách ASXH ban hành trước ngày 31/5/2016, nhưng chưa được kết cấu trong định mức phân bổ ngân sách. Bao gồm: kinh phí miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập; hỗ trợ tiền điện hộ nghèo, hộ chính sách xã hội; bảo hiểm y tế cho hộ cận nghèo, người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình và nhóm các chính sách ASXH theo tiêu chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều (do việc xác định mức hỗ trợ từ NSNN cho các chính sách này phụ thuộc vào đối tượng tham gia).

“Tổng kinh phí thực hiện các chính sách ASXH đã bố trí trong cân đối NSĐP năm 2017 (theo mức lương cơ sở 1,21 triệu đồng và chuẩn nghèo cũ) là 51.101 tỷ đồng. Đồng thời, theo tính toán sơ bộ của Bộ Tài chính, dự kiến kinh phí chi ASXH do NSNN đảm bảo năm 2017 tăng thêm, chưa tính trong định mức phân bổ chi thường xuyên năm 2017 của NSĐP khoảng 18.500 tỷ đồng (4 chính sách ASXH nêu trên, phần chênh lệch tăng thêm do điều chỉnh tiền lương cơ sở từ 1,21 triệu đồng lên 1,3 triệu đồng và tính theo tiêu chí chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều). Trong đó, số đã bố trí dự toán chi trong các lĩnh vực chi thường xuyên của NSTW năm 2017 khoảng 8.300 tỷ đồng, số thiếu còn lại khoảng 10.200 tỷ đồng, sẽ được sắp xếp từ nguồn 2016 chuyển sang và tiếp tục sắp xếp trong quá trình điều hành NSNN năm 2017”, Bộ Tài chính cho biết.

Ngoài ra, trong giai đoạn 2017 - 2020 dự kiến sẽ tiếp tục lộ trình thực hiện điều chỉnh mức tiền lương cơ sở kết hợp điều chỉnh, sắp xếp lại các chính sách ASXH nên vẫn phát sinh thêm kinh phí đòi hỏi NSTW phải có hỗ trợ thêm cho NSĐP ngoài phần kinh phí đã tính và ổn định trong định mức phân bổ ngân sách năm 2017.

Huyền Trang - Tố Uyên