Tỷ lệ nội địa hóa tác động tích cực đến doanh nghiệp ngoại
Tốc độ tăng trưởng tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam trong 10 năm qua là rất tốt. Ảnh: TL

Tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam đạt gần 42%

Theo báo cáo Kết quả khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài năm tài chính 2023 được Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Việt Nam công bố cuối tháng 1/2024, hiện tỷ lệ thu mua tại chỗ của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đã tăng so với năm 2022. Báo cáo cho thấy, tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam đang tăng dần khi tỷ lệ thu mua nguyên vật liệu, linh phụ kiện tại chỗ của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đạt 41,9% (tăng gần 10% trong 10 năm). Trong đó, thu mua từ các doanh nghiệp địa phương là 17,2%, tăng 2,2% so với năm trước và cao hơn mức trung bình 10,4% từ ASEAN.

Với con số xấp xỉ 42%, tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam đã tăng gần 10% trong 10 năm. Theo ông Takeo Nakajima - Trưởng đại diện JETRO tại Việt Nam, dù vẫn ở mức thấp so với Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia nhưng tốc độ tăng trưởng tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam trong 10 năm qua là rất tốt, đứng thứ 2 trong các thị trường mà doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động, sau Ấn Độ. “Theo tôi, đây là kết quả khá tích cực nhờ những nỗ lực của Việt Nam cũng như việc tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp Nhật Bản” - ông Takeo Nakajima nhấn mạnh.

Theo các doanh nghiệp FDI, tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam có vai trò khá quan trọng tác động tích cực đến việc quyết định đầu tư hay mở rộng kinh doanh tại Việt Nam. Trưởng đại diện JETRO tại Việt Nam khẳng định, vấn đề tỷ lệ nội địa hóa cho đến nay vẫn là yếu tố ảnh hưởng ít nhiều đến mong muốn mở rộng kinh doanh của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam.

Tương tự, kết quả khảo sát AHK World Business Outlook - Mùa Thu 2023 được Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức (AHK) tại Việt Nam công bố cuối năm 2023 cũng cho thấy, tỷ lệ nội địa hóa là một trong những yếu tố quan trọng tới quyết định đầu tư của các doanh nghiệp Đức tại thị trường Việt Nam. Trong các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định đầu tư, 50% doanh nghiệp Đức tham gia khảo sát cho rằng, tiềm năng tăng trưởng của thị trường Việt Nam là yếu tố then chốt. Theo sát là việc thu hẹp khoảng cách với khách hàng và tốc độ nội địa hóa với tỷ lệ 43%.

Việc tăng tỷ lệ nội địa hóa một mặt giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, mặt khác đây cũng là yếu tố quan trọng nhằm giảm rủi ro về địa chính trị. Do đó, xu hướng của các doanh nghiệp FDI hiện nay là muốn tăng cường thu mua tại thị trường Việt Nam để tránh các rủi ro.

Cần quy hoạch phát triển ngành mang tính đồng bộ

Gần 50% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.

Dù có những cải thiện về tỷ lệ nội địa hóa, nhưng hiện những linh phụ kiện quan trọng của nhiều sản phẩm vẫn chưa được sản xuất tại Việt Nam mà phải nhập từ Malaysia, Indonesia. Vì vậy, cải thiện hơn nữa tỷ lệ nội địa hóa là yêu cầu đặt ra để thu hút nhiều hơn nữa nguồn FDI.

Tỷ lệ nội địa hóa tác động tích cực đến doanh nghiệp ngoại

Nhiều cơ hội hợp tác cho doanh nghiệp Việt - Nhật

"Hiện mong muốn của doanh nghiệp Nhật Bản về thu mua tại Việt Nam cũng như mong muốn của Việt Nam là tăng tỷ lệ nội địa hóa. Do đó, hai bên đang có mục tiêu giống nhau nên đây sẽ là cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản thúc đẩy hợp tác, cùng phát triển, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa. Qua đó thu hút nhiều đầu tư FDI hơn nữa tới thị trường Việt Nam". Ông Takeo Nakajima - Trưởng đại diện JETRO tại Việt Nam.

Theo chia sẻ của không ít doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, nếu họ có dự định mở rộng nhà máy sản xuất nhưng linh phụ kiện đáp ứng cho quy mô mở rộng chỉ dựa vào thị trường Việt Nam sẽ không đủ, còn nếu dựa vào nhập khẩu sẽ đẩy chi phí sản xuất của doanh nghiệp cao lên. Điều này khiến các doanh nghiệp phải cân nhắc, tính toán thận trọng về chi phí sản xuất. Bên cạnh đó, có nhiều doanh nghiệp khi có ý định mở rộng sản xuất trong bối cảnh doanh nghiệp Việt Nam chưa đủ khả năng đáp ứng các linh kiện cho nhu cầu mở rộng chuỗi sản xuất của mình thì họ sẽ kêu gọi doanh nghiệp đối tác đầu tư vào Việt Nam.

Trả lời phóng viên TBTCVN về các giải pháp nâng cao tỷ lệ nội địa hóa tại Việt Nam, ông Takeo Nakajima cho rằng, việc cải thiện tỷ lệ nội địa hoá, trước hết là xuất phát từ chính sách, quy hoạch ngành của mỗi một quốc gia.

“Ở một số quốc gia thường có quy hoạch rất cụ thể. Ví dụ địa phương này tập trung sản xuất linh phụ kiện cho ô tô, địa phương khác chuyên sản xuất linh phụ kiện cho máy bay, thiết bị y tế. Tức là lập quy hoạch tập trung vào một lĩnh vực, một ngành nghề, một sản phẩm từ khâu đầu và khâu cuối vào một khu vực, tạo thành một cụm công nghiệp, ngành nghề. Điều này sẽ rất hữu ích cho doanh nghiệp FDI khi họ có thể biết và xem xét đầu tư vào cái gì đang cần, đang thiếu” - ông Takeo Nakajima chia sẻ.

Đối với Việt Nam, theo ông Takeo Nakajima, quy hoạch phát triển một số lĩnh vực công nghiệp vẫn còn phân tán, chưa có tính tổng thể để doanh nghiệp có định hướng đầu tư rõ ràng, cụ thể. Vì vậy, cần có chính sách, quy hoạch phát triển ngành mang tính đồng bộ, có hệ thống hơn, trong đó chú trọng tới chính sách thúc đẩy phát triển các cụm công nghiệp.

Việt Nam cần đưa ra các biện pháp, cách thức phù hợp để giúp cho việc cải thiện tỷ lệ nội địa hóa tốt hơn, như vừa thu hút đầu tư từ bên ngoài, vừa thúc đẩy phát triển doanh nghiệp trong nước. Đồng thời, có chính sách phát triển doanh nghiệp nội địa nhằm tạo ra sự cạnh tranh giữa doanh nghiệp nội địa với doanh nghiệp nước ngoài, qua đó nâng cao chất lượng công nghệ, sản phẩm sản xuất.

Việt Nam vẫn là một trong những thị trường hấp dẫn với các công ty mẹ của Nhật Bản

Môi trường kinh doanh của Việt Nam có nhiều kỳ vọng hứa hẹn về tiềm năng tăng trưởng. Việt Nam vẫn là một trong những thị trường hấp dẫn, có nhiều tiềm năng với các công ty mẹ của Nhật Bản, xếp ở vị trí thứ 2 sau Hoa Kỳ. Hiện có khoảng hơn 2.000 doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, lớn nhất trong khối ASEAN.

Kết quả khảo sát gần đây của JETRO cho thấy, các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đánh giá, môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam có nhiều lợi thế so sánh. Đó là có tình hình chính trị xã hội ổn định, nhân lực phong phú và có trình độ, quy mô thị trường và khả năng tăng tưởng của thị trường tốt… Triển vọng lợi nhuận kinh doanh trong năm 2024 tại Việt Nam được các doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá cao. Có tới 50,4% doanh nghiệp được hỏi trả lời triển vọng lợi nhuận kinh doanh trong năm nay sẽ cải thiện hơn năm 2023, trong khi tỷ lệ bình quân của khu vực ASEAN chỉ là 43,8%. Bên cạnh đó, 41,3% doanh nghiệp Nhật Bản cho rằng lợi nhuận kinh doanh sẽ đi ngang 2023, chỉ có 8,3% dự đoán tình hình lợi nhuận sẽ xấu đi.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn những rủi ro về môi trường đầu tư kinh doanh. Đó là thủ tục hành chính còn chưa minh bạch, thời gian thực hiện thủ tục dù đã có nhiều cải thiện nhưng vẫn còn dài, gây mất chi phí cho doanh nghiệp. Tiếp đó là hạn chế về cơ sở hạ tầng, hệ thống pháp luật còn chưa hoàn thiện… Nếu Việt Nam cải thiện được những rủi ro này thì sẽ thu hút được nhiều hơn nguồn đầu tư chất lượng cao của các doanh nghiệp Nhật Bản trong tương lai.