Việt Nam áp dụng quy định thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024
Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Văn Chung

Ước số thuế tăng thêm khoảng 14.600 tỷ đồng

Nghị quyết bao gồm 8 điều và 1 phụ lục. Trong đó, người nộp thuế quy định tại Nghị quyết là: đơn vị hợp thành của tập đoàn đa quốc gia có doanh thu trong báo cáo tài chính hợp nhất của công ty mẹ tối cao ít nhất 2 năm trong 4 năm liền kề trước năm tài chính tương đương 750 triệu Euro trở lên trừ một số trường hợp theo quy định.

Hai nội dung chính về việc áp dụng thuế TNDN bổ sung quy định tại Nghị quyết gồm: quy định bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn (QDMTT) áp dụng cho đơn vị hợp thành, hoặc tập hợp các đơn vị hợp thành của Tập đoàn đa quốc gia nêu trên, có hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam trong năm tài chính; quy định tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu (IIR) áp dụng cho công ty mẹ tối cao, công ty mẹ bị sở hữu một phần, công ty mẹ trung gian tại Việt Nam là đơn vị hợp thành của tập đoàn đa quốc gia nêu trên, nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp quyền sở hữu đơn vị hợp thành chịu thuế suất thấp tại nước ngoài theo quy định về thuế tối thiểu toàn cầu tại bất kỳ thời điểm nào trong năm tài chính.

Chuẩn bị kỹ chính sách hỗ trợ đầu tư phù hợp

Theo UBTVQH, các chính sách ưu đãi đầu tư phù hợp hơn để bổ sung/thay thế các chính sách ưu đãi, hỗ trợ hiện hành là rất cần thiết, nhằm duy trì môi trường đầu tư của Việt Nam. Tuy nhiên, đây là những vấn đề rất mới và phức tạp, các biện pháp hỗ trợ đầu tư phải bảo đảm không vi phạm quy định của OECD, đồng thời phải khả thi và phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam, tránh các hệ luỵ cho ngân sách nhà nước. Điều này đòi hỏi các cơ quan liên quan phải cân nhắc và chuẩn bị rất kỹ để bảo đảm các yêu cầu đặt ra.

Thuế suất tối thiểu được quy định tại Nghị quyết là 15%. Số thuế TNDN bổ sung theo quy định về thuế tối thiểu toàn cầu sẽ được nộp vào ngân sách trung ương.

Theo số liệu quyết toán thuế TNDN năm 2022, Tổng cục Thuế tính toán sơ bộ có khoảng 122 tập đoàn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam chịu ảnh hưởng của quy định QDMTT và số thuế bổ sung ước tính thu được khoảng 14.600 tỷ đồng.

Cũng theo tính toán sơ bộ, nếu Việt Nam áp dụng quy định tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu (IIR) thì sẽ có 6 tập đoàn của Việt Nam thuộc đối tượng áp dụng và số thuế TNDN bổ sung Việt Nam có thể thu được dự kiến khoảng gần 73 tỷ đồng (trong trường hợp các nước nhận đầu tư không áp dụng QDMTT).

Hiện nay, Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) đang khẩn trương triển khai xây dựng Nghị định quy định chi tiết các nội dung được giao trong Nghị quyết để bảo đảm bảo đầy đủ các căn cứ pháp lý, đồng bộ, thống nhất với quy định tại Nghị quyết để triển khai thực hiện.

Sẽ có cơ chế hỗ trợ đầu tư

Trong báo cáo giải trình tại Quốc hội trước khi Nghị quyết được thông qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho biết, đồng thời với việc thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu, cần thiết phải có những chính sách hỗ trợ đầu tư mới, thay thế cho các ưu đãi thuế sẽ không còn hiệu quả trên thực tế để các nhà đầu tư có thể yên tâm về môi trường đầu tư tại Việt Nam và thu hút được các nhà đầu tư lớn, chiến lược, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước. Điều này cũng phù hợp với tinh thần của Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 và Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới của Ban Chấp hành Trung ương.

Do vậy, để có thể xử lý một cách phù hợp đối với vấn đề duy trì môi trường đầu tư khi thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu, trong thời gian giữa hai đợt họp vừa qua, UBTVQH đã khẩn trương phối hợp với Chính phủ và các cơ quan liên quan để tìm kiếm và xác định phương án xử lý phù hợp. Ngày 15/11/2023, Chính phủ đã có Báo cáo số 45/BC-CP báo cáo về tình hình xây dựng dự thảo Nghị quyết thí điểm về chính sách hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, trong đó có kiến nghị việc thành lập một quỹ để thực hiện các biện pháp hỗ trợ đầu tư.

Căn cứ ý kiến của các đại biểu Quốc hội, sau khi trao đổi, thống nhất với Chính phủ, UBTVQH xin Quốc hội cho phép không ban hành một nghị quyết riêng về chính sách hỗ trợ đầu tư mà đưa vào Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 6 nội dung “đồng ý chủ trương, giao Chính phủ trong năm 2024 xây dựng dự thảo Nghị định về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư từ nguồn thu thuế tối thiểu toàn cầu và các nguồn hợp pháp khác".

Điều này nhằm để ổn định môi trường đầu tư, khuyến khích thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước đối với một số lĩnh vực cần khuyến khích đầu tư. Chính phủ sẽ báo cáo UBTVQH cho ý kiến về nội dung này trước khi ban hành. Đồng thời, rà soát tổng thể để hoàn thiện đồng bộ hệ thống chính sách, pháp luật về khuyến khích đầu tư đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới.

CHỦ NHIỆM ỦY BAN TÀI CHÍNH, NGÂN SÁCH CỦA QUỐC HỘI LÊ QUANG MẠNH:

Tạo niềm tin cho nhà đầu tư về môi trường pháp lý của Việt Nam

Việt Nam áp dụng quy định thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024
Ông Lê Quang Mạnh

Từ góc độ của các nhà đầu tư bị điều chỉnh bởi thuế tối thiểu toàn cầu, việc Việt Nam chưa nội luật hoá quy định về thuế tối thiểu toàn cầu trước thời điểm 1/1/2024 sẽ làm các nước xuất khẩu đầu tư không rõ về khả năng áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam. Điều này có thể làm cho các nhà đầu tư phải lập kế hoạch cho năm 2024 theo hướng chuyển số thuế tối thiểu toàn cầu bổ sung tại Việt Nam về kê khai và nộp tại nước mẹ.

Từ thực tế này, ngày 1/11/2023, UBTVQH đã ban hành Nghị quyết để bổ sung Nghị quyết về việc áp dụng thuế TNDN bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 để trình Quốc hội tại kỳ họp này theo quy trình tại 1 kỳ họp.

Luật Thuế TNDN hiện chưa được sửa đổi nên sau khi Nghị quyết này có hiệu lực thi hành, các tập đoàn đa quốc gia có đầu tư mới vào Việt Nam sẽ bị điều chỉnh bởi Luật Thuế TNDN và cả Nghị quyết này. Theo đó nhà đầu tư trước tiên sẽ vẫn được hưởng ưu đãi miễn giảm theo quy định của Luật Thuế TNDN hiện hành, sau đó sẽ phải nộp lại khoản ưu đãi miễn giảm thuế này theo quy định của Nghị quyết về thuế tối thiểu toàn cầu và đồng thời có thể sẽ lại được xử lý hỗ trợ bổ sung ngoài thuế.

ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI, GS.TS HOÀNG VĂN CƯỜNG:

Chính sách hỗ trợ cần theo hướng tạo thuận lợi, giảm chi phí cho doanh nghiệp

Việt Nam áp dụng quy định thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024
Ông Hoàng Văn Cường

Trong bối cảnh và xu thế mới hiện nay, việc tiếp tục duy trì hệ thống ưu đãi thuế TNDN hiện hành là không phù hợp và không còn có tác dụng trên thực tế, trong khi chi phí về miễn, giảm thuế làm giảm thu ngân sách hàng năm hàng chục nghìn tỷ đồng. Do đó, việc thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu mở ra cơ hội để Việt Nam tiến hành rà soát, đánh giá lại hiệu quả của hệ thống ưu đãi thuế hiện hành.

Như vậy, việc Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua nghị quyết để áp dụng ngay từ năm 2024 là hành động phù hợp, đảm bảo chúng ta thích ứng kịp thời với lộ trình chung của các nước. Đồng thời trên cơ sở đó cũng cần tính đến các chính sách hỗ trợ những nhà đầu tư nước ngoài đang đầu tư tại Việt Nam.

Chính sách hỗ trợ này cần đa dạng, không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ bằng tiền cho các nhà đầu tư bị ảnh hưởng. Điều này sẽ gặp khó khăn trong quá trình xây dựng chính sách và không phù hợp với công ước quốc tế. Điều quan trọng nhất là phải hỗ trợ các nhà đầu tư lớn được đón nhận những điều kiện sản xuất, kinh doanh thuận lợi, chi phí đầu tư thấp nhất… giúp nhà đầu tư tiết kiệm đầu tư đầu vào, tiết kiệm chi phí cơ hội mà doanh nghiệp phải bỏ ra.

ÔNG ĐẶNG NGỌC MINH - PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC THUẾ:

Việc tuân thủ của doanh nghiệp sẽ không phải là vấn đề lớn

Việt Nam áp dụng quy định thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024
Ông Đặng Ngọc Minh

Trong Nghị quyết của Quốc hội về áp dụng thuế TTTC đã quy định trong thời gian chuyển tiếp, ít nhất là trong giai đoạn 3 năm đầu (từ 2024 đến 2026), việc thực hiện cơ bản dựa theo kê khai của DN. Bên cạnh đó, trong thời gian chuyển tiếp này sẽ miễn việc xử phạt nếu doanh nghiệp (DN) vô ý mắc phải lỗi trong kê khai, không bị xử phạt theo quy định của Luật Quản lý thuế.

Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng, các tập đoàn khi báo cáo hợp nhất về công ty mẹ thì cơ bản số liệu là chuẩn mực, cộng theo những quy định cụ thể như vấn đề cho phép giảm trừ tài sản cố định hay bảng lương người lao động sẽ theo chính sách của Việt Nam và thời gian chuyển tiếp theo lộ trình nên việc tuân thủ của DN sẽ không phải là vấn đề lớn.

Trong thời gian tới, ngoài việc xây dựng Nghị định hướng dẫn rất chi tiết và cơ bản, Tổng cục Thuế cũng đã chuẩn bị xuất bản tài liệu gốc khoảng 60 trang về luật quy định về thuế TTTC của OECD, để cộng đồng DN cùng chia sẻ, cùng có hiểu biết chung về loại thuế này./.