Chiều 16/4, Ủy ban Thường vụ quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.

Chưa nên chuyển quản lý quảng cáo thuốc sang cơ chế “hậu kiểm”

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, dự thảo Luật Dược mới sửa đổi, bổ sung các quy định về chính sách phát triển công nghiệp dược, trong đó có các quy định nhằm khuyến khích, ưu đãi cho các cơ sở sản xuất trong nước, khuyến khích gia công, chuyển giao công nghệ sản xuất tại Việt Nam nguyên liệu làm thuốc, thuốc generic hoặc thuốc mới, thuốc biệt dược gốc, thuốc chuyên khoa đặc trị, vắc xin, sinh phẩm, thuốc ứng dụng công nghệ cao, thuốc sản xuất từ nguồn dược liệu Việt Nam và rút ngắn trình tự thủ tục cấp phép lưu hành đối với các thuốc này, rút ngắn trình tự thủ tục cấp phép lưu hành đối với nhiều loại thuốc. Đồng thời, mở rộng quyền của cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc có vốn đầu tư nước ngoài.

Việt Nam có quá nhiều loại thuốc đang lưu hành
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan

Dự thảo luật cũng sửa đổi theo hướng đẩy mạnh việc cải cách thủ tục hành chính trong cấp, gia hạn, thay đổi, bổ sung giấy đăng ký lưu hành thuốc.

Đáng chú ý, dự thảo luật bỏ quy định phải có xác nhận của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền khi thực hiện thông tin thuốc, quảng cáo thuốc; phân cấp một phần cho Sở Y tế ra quyết định thu hồi thuốc; giảm bớt một số thủ tục trong trường hợp đáp ứng nhu cầu cấp bách cho quốc phòng, an ninh, phòng chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa. Trong một số trường hợp, dự kiến thực hiện “hậu kiểm”, thay vì “tiền kiểm” để cấp phép như quy định hiện hành.

Một điểm mới nữa là dự thảo luật bổ sung quy định kinh doanh chuỗi nhà thuốc và kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử.

Về quy định cho kinh doanh chuỗi nhà thuốc, Ủy ban Xã hội đánh giá là cần thiết song đề nghị làm rõ nội hàm “kinh doanh chuỗi nhà thuốc”, cụ thể hơn các quy định điều kiện thành lập, cách thức hoạt động, cơ chế quản lý để có căn cứ xem xét, bảo đảm tính khả thi và tính đồng thuận.

Thẩm tra các nội dung này, Ủy ban Xã hội tán thành với chủ trương cải cách thủ tục hành chính của dự thảo luật, song cũng lưu ý, việc này cần gắn với cơ chế, điều kiện bảo đảm thực hiện “hậu kiểm” và khi phân cấp, tính kịp thời, tính khả thi và hiệu quả, kiểm soát chất lượng thuốc được lưu hành. “Trong mọi trường hợp, cần đặt lợi ích, sức khỏe của nhân dân lên trên hết và trước hết, nhất là việc cắt giảm thủ tục liên quan đến quảng cáo thuốc” - Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ.

Theo báo cáo thẩm tra, thực tế việc quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng không đúng giá trị, công dụng đã và đang ảnh hưởng trực tiếp cả trước mắt và lâu dài tới sức khỏe, thậm chí cả tâm lý, thái độ, hành vi của người dân đối với việc sử dụng các sản phẩm này. Do đó, Ủy ban Xã hội đề nghị không chuyển hoàn toàn việc quản lý thông tin thuốc, quảng cáo thuốc sang cơ chế “hậu kiểm”.

Trường hợp vẫn giữ quan điểm bỏ việc xác nhận nội dung thông tin thuốc, quảng cáo thuốc, cơ quan thẩm tra đề nghị quy định ngay tại dự thảo luật nguyên tắc làm căn cứ cho việc hướng dẫn về cách ghi, yêu cầu đối với nội dung thông tin, quảng cáo thuốc.

Đồng thời, nghiên cứu quy định rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước của các cơ quan hữu quan trong quản lý hoạt động quảng cáo, kinh doanh thuốc và các sản phẩm liên quan trong dự thảo nghị định kèm theo.

Làm rõ quy định về kinh doanh chuỗi nhà thuốc

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá dự thảo luật sửa tương đối nhiều, có bước tiến lớn về tư duy, thể hiện đầy đủ các chính sách Quốc hội đề ra.

Về ngành công nghiệp dược, Chủ tịch Quốc hội nhận xét đa số thuốc thông thường Việt Nam đã tự sản xuất được, giá cả phải chăng, tuy nhiên 90% nguyên liệu là nhập khẩu, đặc biệt là với các loại thuốc đặc trị, thiết yếu. Do đó, việc phát triển ngành dược có ý nghĩa cả về kinh tế và chăm sóc sức khỏe người dân, nên cần hết sức quan tâm phát triển.

Việt Nam có quá nhiều loại thuốc đang lưu hành
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp

Theo Chủ tịch Quốc hội, nên rà soát lại Quyết định 376 năm 2021 của Thủ tướng về Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước để luật hóa một số chính sách khuyến khích ngành này phát triển. Có thể nghiên cứu chính sách ưu đãi sản xuất sản phẩm công nghệ cao, như lộ trình giảm giá thuốc, tăng tỷ lệ trích quỹ nghiên cứu phát triển đối với doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu thuốc mới, thúc đẩy liên doanh với nước ngoài thành chuỗi...

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng gợi ý nên chăng có chính sách ưu đãi về thuế nhập khẩu với nguyên liệu nhập khẩu làm thuốc. Bởi giá nhập khẩu cao thì giá thành thuốc sẽ đắt, người dân phải mua thuốc đắt nên cạnh tranh sẽ kém.

Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội cũng nhắc đến một thực tế là Việt Nam có quá nhiều loại thuốc đang lưu hành. Tổng số thuốc đến khoảng trên 30.000 loại, rất nhiều loại thuốc cùng hoạt chất nhưng được đăng ký lưu hành với nhiều tên khác nhau, chẳng hạn như riêng thuốc paracetamol đã có đến 350 loại tên khác nhau. Điều này dẫn đến khó khăn cho cả bác sĩ và bệnh nhân khi kê đơn, thanh toán và sử dụng thuốc trong điều trị.

Về kinh doanh chuỗi nhà thuốc, rất nhiều vấn đề được Chủ tịch Quốc hội yêu cầu làm rõ như tính bình đẳng giữa cơ sở bán lẻ và cơ sở trong chuỗi kinh doanh; trách nhiệm pháp lý, quy trình thủ tục… trong kinh doanh chuỗi nhà thuốc. Ví dụ như thủ tục mở thêm cơ sở bán lẻ trong chuỗi, cấp phép thương mại điện tử cho cả chuỗi hay cho từng cửa hàng bán lẻ, trách nhiệm phát sinh về quyền lợi khách hàng…

Góp ý cho dự thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, việc sửa đổi chính sách để tạo cơ chế ưu đãi tốt hơn, thu hút đầu tư và tạo đột phá trong công nghiệp dược là rất cần thiết.

Tuy nhiên, nội dung dự kiến sửa đổi trong dự thảo luật lần này vẫn dừng ở nguyên tắc, chưa cụ thể. Dự thảo luật nên bổ sung những chính sách ưu đãi cụ thể để dễ triển khai. Nếu không quy định cụ thể trong luật này thì nghị định của Chính phủ sẽ rất khó quy định khác với những quy định của Luật Đầu tư, cho nên vẫn không tạo được sức thu hút có tính chất đột phá để phát triển công nghiệp dược, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật phân tích.