Xu hướng rút ròng hạ nhiệt, bán ròng chậm hơn

Báo cáo cập nhật về dòng tiền đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam của SSI Research cho biết, các quỹ ETF duy trì đà rút vốn liên tục từ đầu năm, tuy nhiên xu hướng đang giảm dần theo tháng. Giá trị rút vốn trong tháng 8 ghi nhận ở mức -2,14 nghìn tỷ đồng, giảm nhẹ so với 2 tháng liền trước. Tính từ đầu năm, các quỹ ETF đã rút ròng tổng cộng 20,55 nghìn tỷ đồng, tương đương -27,1% tổng tài sản vào cuối năm 2023, đưa tổng tài sản các quỹ ETF về 60,48 nghìn tỷ đồng.

Việt Nam được hưởng lợi từ dòng tiền đầu tư luân chuyển khi FED hạ lãi suất và kỳ vọng nâng hạng
Dòng tiền đầu tư trên toàn cầu đang có dấu hiệu thận trọng hơn, đặc biệt là dòng tiền đầu tư vào các quỹ cổ phiếu trước các dấu hiệu kém tích cực về kinh tế Mỹ. Điểm sáng là dòng tiền có khả năng sẽ luân chuyển sang các thị trường khác với định giá hấp dẫn hơn.

Trong tháng 8, áp lực rút vốn tập trung nhiều nhất ở quỹ Fubon (-975 tỷ đồng), quỹ này đã bị rút ròng mạnh trong 4 tháng liên tiếp, đưa tổng giá trị rút ròng cả năm 2024 lên -4,5 nghìn tỷ đồng (21,9% tổng tài sản). Phần lớn việc rút ròng đến từ kết quả kém tích cực của Fubon Vietnam ETF (chỉ tăng 3% so với cuối năm 2023), so với mức tăng trung bình 30% của top 10 ETF ở Đài Loan.

Quỹ DCVFM VN30 đảo chiều sang rút ròng -377 tỷ đồng trong tháng 8, trong đó riêng nhà đầu tư Thái Lan rút ròng -13,5 triệu chứng chỉ quỹ. Quỹ DCVFM VNDiamond cũng bị rút -169 tỷ đồng, tuy nhiên lực rút đã giảm đáng kể so với tháng trước. Ngoài ra, nhiều quỹ ngoại như VanEck (-169 tỷ đồng), Premia (- 263 tỷ đồng), CSOP (-77 tỷ đồng) cùng bị rút vốn trong tháng.

Ở chiều ngược lại, trong tháng 8, quỹ Xtrackers FTSE (+105 tỷ đồng) bất ngờ đảo chiều vào ròng, bên cạnh KIM Growth VN30 (+78 tỷ đồng) duy trì dòng vốn vào tích cực tuy giá trị không lớn.

Việt Nam được hưởng lợi từ dòng tiền đầu tư luân chuyển khi FED hạ lãi suất và kỳ vọng nâng hạng

Cũng theo SSI Research, các quỹ chủ động vẫn duy trì trạng thái bán ròng trong tháng 8, với tốc độ hạ nhiệt hơn so với tháng 7, phần lớn đến từ việc chững lại từ nhóm Quỹ chỉ đầu tư vào Việt Nam. Tính tổng chung, dòng tiền rút khoảng 1,3 nghìn tỷ đồng trong tháng 8 (so với mức 1,4 nghìn tỷ trong tháng 7) và đưa tổng mức rút ròng trong kể từ đầu năm tới nay lên khoảng 9 nghìn tỷ đồng, chiếm 2,5% tổng tài sản Quỹ.

Sẽ có thêm cơ hội thu hút nhà đầu tư tổ chức nước ngoài “xuống tiền”

Báo cáo của SSI Research cũng chi ra điểm đáng chú ý trong thời gian tới là Thông tư liên quan đến nhà đầu tư tổ chức nước ngoài có thể mua chứng khoán mà không cần có đủ 100% tiền ngay sẽ được ban hành (kỳ vọng trong tháng 9) và sớm được triển khai trong quý IV/2024.

“Đây là cơ sở để FTSE Russell đánh giá tích cực trong kỳ xếp hạng tháng 9 năm nay và quyết định nâng hạng Việt Nam trong kỳ đánh giá tháng 9 năm 2025” – các chuyên gia của SSI Research nhấn mạnh.

Việt Nam được hưởng lợi từ dòng tiền đầu tư luân chuyển khi FED hạ lãi suất và kỳ vọng nâng hạng
Với việc nâng hạng lên thị trường mới nổi, dòng vốn từ các quỹ ETF có thể lên đến 1,6 tỷ USD, chưa tính đến dòng vốn từ các quỹ chủ động. Ảnh: Minh họa.

Thông tin về dự thảo Thông tư này, SSI Research cho biết, việc xử lý vấn đề prefunding (ký quỹ trước giao dịch) được đưa ra thông qua giải pháp cho phép các công ty chứng khoán thực hiện hỗ trợ thanh toán đối với các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài.

Trong đó, nhà đầu tư tổ chức nước ngoài mua cổ phiếu vào thời điểm T+0 và được cấp vốn vào thời điểm T+1 đến T+2. Điều này sẽ giải quyết yêu cầu nâng hạng từ FTSE Russell, bao gồm việc chuyển giao đối ứng thanh toán (chuyển giao cổ phiếu tại thời điểm thanh toán tiền) và việc xử lý khi gặp các giao dịch thất bại.

Theo ước tính từ SSI Research, với việc nâng hạng lên thị trường mới nổi, dòng vốn từ các quỹ ETF có thể lên đến 1,6 tỷ USD, chưa tính đến dòng vốn từ các quỹ chủ động (FTSE Russell ước tính tổng tài sản từ các quỹ chủ động gấp 5 lần so với các quỹ ETF)./.