Chủ tịch Quốc hội bày tỏ vui mừng gặp lại Tổng Thư ký IPU kể từ sau khi ông tham dự Hội nghị Quốc hội và các mục tiêu phát triển bền vững được tổ chức tại Đà Nẵng vào tháng 12/2018; đồng thời đánh giá cao sự tham gia tích cực của ông với vai trò là khách mời danh dự của IPU tại hội nghị.
Phát biểu của Tổng Thư ký IPU tại hội nghị đã làm nổi bật vai trò dẫn dắt của IPU đối với các nghị viện thành viên trong việc nâng cao tiếng nói của các nhà lập pháp đối với việc triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững tại mỗi nước.
Chủ tịch Quốc hội bày tỏ hài lòng về những kết quả hợp tác cụ thể giữa IPU-Quốc hội Việt Nam và Liên Hợp Quốc tại Việt Nam nhằm hiện thực hóa mối quan hệ đối tác nghị viện.
Với việc giới thiệu về Bộ tiêu chí tự đánh giá việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững dành cho các nghị viện (Bộ công cụ) để các nghị viện tự đánh giá việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) do IPU và Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) ban hành, các đại biểu Quốc hội Việt Nam và đại HĐND các cấp được tham khảo thông tin, nhận thức sâu sắc về vai trò của mình trong quá trình thúc đẩy triển khai các mục tiêu này vì lợi ích chung của mọi người dân trong xã hội.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, với sự ủng hộ của IPU nói chung và của ông Martin Chungong nói riêng, Quốc hội Việt Nam đã, đang và sẽ triển khai các hoạt động thúc đẩy vai trò của Quốc hội đối với việc thực hiện SDGs.
Chủ tịch Quốc hội thông báo với Tổng Thư ký IPU về việc vừa qua Quốc hội Việt Nam đã phối hợp với Liên Hợp Quốc tổ chức chuyến khảo sát về tình hình thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo tại tỉnh Sơn La.
Trong chuyến công tác, Điều phối viên Thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, ông Kamal Malhotra, đã nhận thấy những khó khăn, tồn tại trong công tác xóa đói, giảm nghèo của huyện Mộc Châu nói riêng và tỉnh Sơn La nói chung, đã cam kết sẽ hỗ trợ cho địa phương phát triển nông nghiệp bền vững, tạo sinh kế bền vững cho người dân.
Liên Hợp Quốc nhất trí sẽ phối hợp với Quốc hội Việt Nam để xây dựng Bộ Công cụ tự đánh giá dành cho các địa phương và chọn Sơn La là địa phương thí điểm thực hiện trước khi nhân rộng ra các địa phương khác nhằm tăng cường vai trò của các đại biểu dân cử trong việc giám sát và thúc đẩy quá trình triển khai thực hiện SDGs.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao vai trò quan trọng cũng như những đóng góp của ông Martin Chungong đối với IPU, đặc biệt trong những năm gần đây có nhiều hoạt động thiết thực nhằm đổi mới hoạt động của Ban Thư ký IPU, hỗ trợ việc triển khai các chương trình, chiến lược của IPU, tăng cường quan hệ hợp tác, đối tác giữa IPU và Liên Hợp Quốc góp phần nâng cao vai trò, tiếng nói của các nghị viện, nghị sĩ đối với các vấn đề quốc tế, hướng tới đạt được các mục tiêu chung của IPU về hòa bình, dân chủ và thịnh vượng.
Trong thời gian tới, Quốc hội Việt Nam tiếp tục xác định việc tham dự các hoạt động của IPU là nhiệm vụ quan trọng trong các hoạt động ngoại giao nghị viện đa phương nhằm thúc đẩy và bảo vệ các lợi ích của Việt Nam, cũng như mối quan tâm chung đối với các vấn đề toàn cầu, góp phần nâng cao vị thế của Quốc hội Việt Nam nói riêng và Việt Nam nói chung trên trường quốc tế.
Bên cạnh đó, Quốc hội Việt Nam cũng có điều kiện để tiếp cận với nhiều nội dung, kinh nghiệm hoạt động và thực tiễn tốt của các nghị viện trên thế giới, góp phần hoàn thiện và nâng cao chất lượng hoạt động của mình.
Trong tiến trình đó, Chủ tịch Quốc hội mong sẽ tiếp tục nhận được sự ủng hộ của Tổng Thư ký IPU.
Ông Martin Chungong cho rằng, Hội nghị Quốc hội và SDGs được tổ chức tại Đà Nẵng vào tháng 12/2018 hiệu quả.
Các đại biểu đã có những trao đổi thực chất về các vấn đề liên quan. IPU 132 năm 2015 đã ra Tuyên bố Hà Nội mang chủ đề "Các mục tiêu phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động”.
Trong những năm qua, Việt Nam đã nỗ lực rất nhiều để biến những cam kết trong Tuyên bố Hà Nội thành hiện thực. SDGs được thực hiện ở cấp độ quốc gia, địa phương.
Tổng Thư ký IPU bày tỏ vui mừng khi Việt Nam đã cho chuyển ngữ ra tiếng Việt, ra sổ tay Bộ Công cụ tự đánh giá việc thực hiện SDGs do IPU và UNDP ban hành, cho rằng đây là hành động thiết thực từ cấp độ nghị viện; đồng thời cho biết sẵn sàng ủng hộ Việt Nam từ IPU và mong Quốc hội Việt Nam ủng hộ IPU, cùng nêu những tấm gương tốt để các nghị viện khác noi theo.
Tại cuộc tiếp, Tổng Thư ký IPU đã trao đổi về vấn đề dinh dưỡng; khẳng định IPU sẵn sàng hợp tác với Việt Nam về lĩnh vực này.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Tổng Thư ký IPU Martin Chungong cũng đã trao đổi về công tác tổ chức, điều hành của IPU 140.
Tổng Thư ký IPU đánh giá, bài phát biểu tại phiên toàn thể của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đảm bảo về mặt thời gian, nhận được rất nhiều sự tôn trọng từ người nghe.
Ông cũng bày tỏ sự kỳ vọng vào việc tiếp tục thúc đẩy thực hiện SDGs ở Việt Nam, trong đó có cấp độ địa phương; đánh giá cao cam kết của Quốc hội Việt Nam trong việc luôn tham dự IPU ở cấp độ cao nhất, cho rằng Việt Nam đã nêu tấm gương sáng cho các nghị viện thành viên noi theo; đồng thời bày tỏ sự trông đợi Việt Nam sẽ góp phần làm cho ảnh hưởng của Nhóm nghị viện châu Á-Thái Bình Dương trở nên mạnh mẽ hơn, có sự phối hợp điều phối với nhau tốt hơn./.
Theo Chinhphu.vn