Có khoảng 5.600 DN Hàn Quốc đang hoạt động tại Việt Nam.

Có khoảng 5.600 DN Hàn Quốc đang hoạt động tại Việt Nam.

Các DN Hàn Quốc đánh giá cao quyết tâm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho DN mà Chính phủ Việt Nam đang tiến hành, trong đó có cả các DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

PV: Việt Nam và Hàn Quốc đã ký Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) vào cuối năm 2015. Ông có nhận định gì về kết quả giao thương giữa hai nước, sau 2 năm VKFTA có hiệu lực?

- TS. Park Chulho: Sau gần 2 năm VKFTA có hiệu lực, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc đã tăng mạnh. Cụ thể, năm 2015, kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 36,5 tỷ USD, đến năm 2016 tăng lên 43,5 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2015. Theo số liệu thống kê sơ bộ, 10 tháng năm 2017, kim ngạch thương mại 2 chiều đã đạt 50,4 tỷ USD, tăng tới 42% (so với cùng kỳ năm trước). Điều này đã thể hiện mức tăng trưởng nhanh trong quan hệ thương mại giữa 2 nước.

TS Park
TS. Park Chulho
Trong khi đó, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và 2 đối tác thương mại lớn khác là Trung Quốc và Mỹ cũng có sự tăng trưởng nhưng với tốc độ chậm hơn so với quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Với Trung Quốc, trong năm 2016, kim ngạch thương mại 2 chiều đạt 71,9 tỷ USD, tăng 8%. Trong 10 tháng năm 2017, kim ngạch thương mại tăng 27%. Còn với Mỹ, trong năm 2016, kim ngạch thương mại tăng 14%. 10 tháng năm 2017, thương mại 2 chiều chỉ tăng 9,7%.

PV: Hiện tại, Hàn Quốc có bao nhiêu DN đang hoạt động tại Việt Nam? Các DN này đánh giá như thế nào về môi trường kinh doanh tại Việt Nam, thưa ông?

- TS. Park Chulho: Hiện tại có khoảng 5.600 DN Hàn Quốc đang hoạt động tại Việt Nam. Nhìn chung, các DN đều có chung nhận định, Việt Nam là quốc gia có tiềm năng lớn để đầu tư và phát triển kinh doanh. Quy mô dân số lớn, chính trị ổn định, tăng trưởng kinh tế nhanh cũng như gia tăng thu nhập bình quân đầu người là những lí do thu hút đầu tư Hàn Quốc vào Việt Nam.

Các DN Hàn Quốc đánh giá cao quyết tâm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho DN mà Chính phủ Việt Nam đang tiến hành, trong đó có cả các DN FDI. Các DN cũng bày tỏ hy vọng Chính phủ tiếp tục hoàn thiện chính sách, thể chế hiệu quả hơn nữa, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có DN Hàn Quốc mở rộng sản xuất kinh doanh, đóng góp nhiều hơn nữa vào tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

PV: Được biết, hiện nay các DN Hàn Quốc tại Trung Quốc đang có xu hướng dịch chuyển đầu tư của mình sang Việt Nam. Xin ông cho biết rõ hơn về xu hướng này và phải chăng, thị trường Việt đang hấp dẫn DN Hàn Quốc?

- TS. Park Chulho: Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc (Korea EXIMBANK), từ năm 2015 đến nửa đầu năm nay, số dự án và tổng vốn đầu tư đăng ký của DN Hàn Quốc vào Trung Quốc có xu hướng giảm. Trong khi, số dự án và tổng vốn đầu tư đăng ký của DN Hàn Quốc vào Việt Nam lại có xu hướng tăng.

Cụ thể, năm 2016, Hàn Quốc có 1.681 dự án đầu tư vào Trung Quốc với tổng vốn đầu tư là 4 tỷ USD, giảm 4% về số dự án và 9% về tổng vốn đầu tư so với năm 2015. 6 tháng đầu năm 2017, có 765 dự án đầu tư vào Trung Quốc với vốn đầu tư là 1,29 tỷ USD. Trong khi, năm 2016, có 2.137 dự án Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn đầu tư là 3 tỷ USD, tăng 25% về số lượng dự án và 2,5% về tổng vốn đầu tư so với năm 2015. Có 1.100 dự án Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư là 1 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2017.

Môi trường kinh doanh tại Việt Nam đang dần được cải thiện nhờ vào nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Ngoài ra, chi phí nhân công tại Trung Quốc đang ngày một tăng cao cũng khiến cho các DN Hàn Quốc muốn dịch chuyển đầu tư sang Việt Nam.

PV: Với những cơ hội to lớn từ VKFTA mang lại, ông nhận định thế nào về mục tiêu giao thương Việt - Hàn đạt 100 tỷ USD vào năm 2020?

- TS. Park Chulho: Số liệu thống kê sơ bộ cho thấy kim ngạch thương mại 2 chiều Việt Nam - Hàn Quốc 10 tháng năm nay đạt 50 tỷ USD. Như vậy dự đoán cho cả năm 2017, kim ngạch thương mại có thể đạt 60 tỷ USD. Để đạt được kim ngạch thương mại 2 chiều 100 tỷ USD vào năm 2020, tốc độ tăng trưởng kim ngạch thương mại bình quân trong giai đoạn 2017 - 2020 phải đạt 18,6%/năm. Trong khi đó giai đoạn 2013 - 2016, tốc độ tăng trưởng hàng năm là khoảng 19,8%.

Để đạt được mục tiêu 100 tỷ USD này đòi hỏi sự nỗ lực của cả 2 bên trong việc triển khai hiệu quả VKFTA và duy trì kim ngạch thương mại phát triển ổn định. Tất nhiên cũng có những lí do khác có thể tác động đến kim ngạch thương mại giữa 2 nước, ví dụ như là khủng hoảng kinh tế thế giới, xu hướng bảo hộ mậu dịch và giá cả nguồn tự nhiên. Nếu giá cả nguồn tự nhiên (như dầu, khoáng chất…) tăng lên, có thể sẽ tác động đến thương mại giữa 2 nước vì giá cả sản phẩm sẽ tăng lên. Thêm vào đó xu hướng bảo hộ mậu dịch từ Mỹ cũng có thể tác động đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu, trong đó có thương mại giữa 2 nước.

PV: Xin cảm ơn ông!

Vũ Luyện (thực hiện)