Chính sách thuế hỗ trợ doanh nghiệp, thu hút vốn đầu tư từ Hàn Quốc
Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn (thứ tư từ trái sang) và Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Choi YoungSam (thứ tư từ phải sang) cùng các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Đức Minh

Hỗ trợ tối đa để doanh nghiệp mở rộng sản xuất

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Cao Anh Tuấn cho biết, trải qua hơn 30 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao (1992 - 2024), Việt Nam và Hàn Quốc đã trở thành những đối tác quan trọng hàng đầu của nhau trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư.

Trong bối cảnh tình hình thế giới biến động khó lường và phức tạp; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; rủi ro tài chính, tiền tệ trên toàn cầu có xu hướng gia tăng, nhưng quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc vẫn được duy trì bền vững và ngày càng được tăng cường, thúc đẩy cả về số lượng và chất lượng.

“Trong 5 năm vừa qua, mặc dù chịu ảnh hưởng bởi những khó khăn của dịch Covid-19 và những bất lợi của nền kinh tế thế giới, nhưng đóng góp vào số thu ngân sách nhà nước (NSNN) của cả nước từ các DN Hàn Quốc đóng góp luôn tăng qua các năm và tổng thu nội địa từ các DN Hàn Quốc đạt gần 175 nghìn tỷ đồng” - Thứ trưởng Cao Anh Tuấn đánh giá.

Với tinh thần nỗ lực luôn đồng hành, hỗ trợ DN và người dân, đặc biệt là trong bối cảnh tình hình kinh tế - chính trị trong và ngoài nước gặp nhiều biến động, hàng năm, Thứ trưởng Cao Anh Tuấn khẳng định, Bộ Tài chính đã thực hiện tiếp nhận và xử lý hàng trăm văn bản của các DN Hàn Quốc đầu tư trên cả nước gửi đến, liên quan đến các vấn đề phát sinh toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh của DN Hàn Quốc đã và đang đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Những vấn đề đã được Bộ Tài chính phối hợp trao đổi, tham vấn ý kiến và nghiên cứu trình các cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung chính sách để hỗ trợ tối đa cho cộng đồng DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đầu tư tại Việt Nam yên tâm mở rộng sản xuất như: hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT), vướng mắc liên quan đến thủ tục, hóa đơn chứng từ về thuế tại khu chế xuất, về ưu đãi miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế xuất nhập khẩu, về chi phí khi tính thuế TNDN…

Tạo môi trường ổn định cho doanh nghiệp phát triển

Doanh nghiệp Hàn Quốc mở rộng danh mục đầu tư tại Việt Nam

Theo Thứ trưởng Cao Anh Tuấn, thời gian qua, trước ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 và tác động của các vấn đề kinh tế, chính trị quốc tế đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, Bộ Tài chính đã kịp thời nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền các giải pháp về thuế, phí và lệ phí để hỗ trợ cho người dân, DN nói chung và các DN Hàn Quốc nói riêng với giá trị hỗ trợ lớn và nhiều giải pháp chưa có tiền lệ.

Hàn Quốc dẫn đầu các nước đầu tư vào Việt Nam

Hàn Quốc hiện đang là quốc gia dẫn đầu trong tổng số 144 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đang có đầu tư vào Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại.

Thứ trưởng Cao Anh Tuấn cũng cho biết, Bộ Tài chính đã trình cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền 60 văn bản quy phạm pháp luật với tổng quy mô hỗ trợ khoảng 200 nghìn tỷ đồng/năm, trong đó tập trung vào các giải pháp về gia hạn thuế GTGT, thuế TNDN, thuế thu nhập cá nhân (TNCN), thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) và tiền thuê đất; miễn, giảm thuế TNDN, thuế TNCN, thuế GTGT, thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường (BVMT), cùng nhiều khoản phí, lệ phí và tiền thuê đất để hỗ trợ DN, người dân và nền kinh tế.

“Việc ban hành và thực hiện các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất cũng đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao của cộng đồng DN nói chung và của các DN Hàn Quốc nói riêng; góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như thắt chặt và tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác hữu nghị tốt đẹp giữa Việt Nam và Hàn Quốc” - Thứ trưởng Cao Anh Tuấn nhấn mạnh.

Để chủ động ứng phó với việc triển khai Trụ cột 2 về thuế tối thiểu toàn cầu trong khung khổ Diễn đàn Chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận, Thứ trưởng Bộ Tài chính đã phối hợp các bộ, ngành và tham vấn ý kiến của cộng đồng đồng DN FDI tại Việt Nam, trong đó có các DN Hàn Quốc để trình Quốc hội ban hành Nghị quyết số 107/2023/QH15 ngày 29/11/2023 về việc áp dụng thuế TNDN bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu để áp dụng từ 1/1/2024.

Tại buổi đối thoại, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Cao Anh Tuấn, đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan đã giới thiệu những nội dung, kết quả chủ yếu về công tác trong lĩnh vực thuế, hải quan thời gian vừa qua. Đồng thời trực tiếp giải đáp chi tiết, thấu đáo những vướng mắc của DN FDI liên quan đến lĩnh vực thuế và hải quan. Đối với những nội dung ý kiến liên quan đến quy định tại Luật, nghị định… vượt quá thẩm quyền, Thứ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu các đơn vị liên quan ghi nhận và khẩn trương tổng hợp và có báo cáo Bộ Tài chính xem xét trình Chính phủ.

“Trong thời gian tới, Bộ Tài chính Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và điện tử hóa, số hóa toàn diện, đồng bộ trong lĩnh vực thuế và hải quan theo hướng tiếp tục tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch, thuận lợi cho cộng đồng DN trong nước và cộng đồng DN FDI tại Việt Nam, từ đó giúp DN tiếp tục phát triển để vừa làm giàu cho DN, tạo công ăn việc làm cho người lao động và tiếp tục có đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam” - Thứ trưởng Cao Anh Tuấn khẳng định.

Phát biểu tại hội nghị, Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Choi YoungSam cho biết, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều nỗ lực xây dựng hệ thống thuế với “cơ sở tính thuế rộng và thuế suất thấp” nhằm đảm bảo nguồn thu thuế ổn định. Trong những năm qua do môi trường kinh doanh thay đổi nhanh chóng nên các quy định về thuế và thủ tục hành chính thuế cũng không ngừng biến đổi. Chính vì vậy, việc tổ chức hội nghị đối thoại là hoạt động rất có ý nghĩa.

“Sự kiện đối thoại thuế và hải quan được tổ chức liên tục từ năm 2008 đến nay đã trở thành nơi giao lưu quý báu giữa các cơ quan thuế và hải quan của Việt Nam với các DN của Hàn Quốc. Có thể nói động lực để tăng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam nằm ở chính hoạt động đầu tư mở rộng của các DN đã đầu tư vào Việt Nam hơn là thu hút mới” - Đại sứ Choi YoungSam nhấn mạnh.

Đại sứ Choi YoungSam hy vọng các câu hỏi và kiến nghị của DN Hàn Quốc nêu ra sẽ góp phần phát triển nền hành chính thuế và môi trường thuế ổn định của Việt Nam và trở thành động lực thu hút đầu tư vào Việt Nam. Đồng thời, buổi đối thoại sẽ đem lại những hiệu quả thiết thực cho hoạt động của các DN Hàn Quốc đang đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.