>> Thế giới có bao nhiêu ‘thiên đường thuế’?

Theo ông Phụng, đây là vụ việc phức tạp, có liên quan đến 189 tổ chức, cá nhân người Việt, trong đó có một số người đang nắm giữ cương vị quan trọng ở những doanh nghiệp lớn, nên việc kết luận họ có trốn thuế hay không phải rất thận trọng.

Mặc dù chưa đưa ra thông tin mới nào, nhưng ông Phụng tái khẳng định quan điểm: Không phải cứ có tên trong hồ sơ Panama là trốn thuế, hay vi phạm pháp luật về thuế. Vì theo ông Phụng, tên tổ chức, cá nhân người Việt trong hồ sơ Panama là tên không dấu, ngoại trừ một số cá nhân đã chủ động lên tiếng, còn lại rất khó xác định chính xác tên cá nhân, tổ chức cụ thể nào.

Hơn nữa, kể cả trong trường hợp đã xác định chính xác tên tổ chức, cá nhân có liên quan, nhưng trong quá trình hoạt động, họ vẫn thực hiện tốt nghĩa vụ thuế đối với nhà nước, không có hoạt động chuyển tiền ra nước ngoài, hoặc hoạt động liên kết với nước ngoài, thì cũng không thể khẳng định họ trốn thuế.

Theo ông Phụng, nhiều người cho rằng cứ có hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoặc đặt trụ sở tại các quốc gia được gọi là “thiên đường thuế” là xấu, điều đó là chưa chính xác. Từ “thiên đường thuế” theo ông Phụng, là quốc gia có nhiều ưu đãi về thuế, thậm chí thuế của họ bằng không. Nên quốc gia nào có nhiều ưu đãi về thuế, cơ chế quản lý thuế lỏng lẻo, đều có thể được gọi là “thiên đường thuế”.

Cũng theo ông Phụng, ở các nước phương Tây, luật đánh vào thuế thu nhập trên tất cả các khoản thu nên kiểm tra dễ hơn. Ở ta thì khó xác định hơn vì theo quy định, khoản thu có thể được miễn, không phải nộp thuế.

Mặc dù việc xác định các tổ chức, cá nhân có tên trong hồ sơ Panama có trốn thuế hay không là rất khó. Song đại diện Tổng cục Thuế cho biết, các doanh nghiệp có hoạt động liên kết, hoặc chuyển tiền ra nước ngoài sẽ là ưu tiên để kiểm tra. “Nếu phát hiện có chuyển tiền ra nước ngoài thì phải phối hợp cùng cơ quan liên quan kiểm tra xem chuyển ra mục đích gì?”, ông Phụng nói./.

Nhật Minh