Việt Nam quyết tâm chống dịch Covid-19 song vẫn nỗ lực đảm bảo phát triển kinh tế.

Việt Nam quyết tâm chống dịch Covid-19 song vẫn nỗ lực đảm bảo phát triển kinh tế.

Hội nghị Trung ương 13 diễn ra vào hai tháng trước, Ban Chấp hành Trung ương khẳng định, 2020 là năm thành công của nước ta với những kết quả, thành tích đặc biệt hơn so với các năm trước. Niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước không ngừng được củng cố và nâng cao. Khai mạc Kỳ họp thứ 10, tháng 10/2020, điều này được tái khẳng định trong phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Kết thúc năm 2020, thực tế đã chứng minh một năm thành công.

Vòng tròn trăm ngày

Chiến đấu với đại dịch Covid-19 không phải chỉ đi vào lịch sử của Việt Nam, mà còn cả thế giới khi đại dịch này được ví ngang tầm thảm họa Thế chiến II. Hơn 300 ngày đầy khó khăn, vất vả vẫn chưa thể giã biệt cảm giác hồi hộp khi đã tiến sát đến thời điểm hết năm mà số người nhiễm Covid-19 trên thế giới vẫn không ngừng tăng lên.

Việt Nam trở thành một biểu tượng của chiến thắng nhưng cũng không thể thoát ly nỗi ám ảnh về bóng ma Covid-19 khi đến tận thời điểm này còn đang tiếp tục căng thẳng bởi vòng tròn trăm ngày. Vào tháng 6 năm 2020, Nghị trường Kỳ họp thứ 9 vang lên những niềm phấn khởi khi đại dịch được đẩy lùi, như phát biểu của đại biểu Bùi Văn Cường (Gia Lai): “Cả thế giới đang loay hoay với đại dịch, hơn một nửa dân số thế giới vẫn còn giãn cách xã hội thì chúng ta có mặt đông đủ tại hội trường Diên Hồng với tâm thế thoải mái, an toàn là một hạnh phúc rất lớn mà nhiều quốc gia trên thế giới không có được”.

Nhưng ngay sau khi kết thúc Kỳ họp thứ 9 không lâu, vào lúc Việt Nam có khoảng 100 ngày vắng bóng SARS-CoV-2 thì con virut này trở lại. Những ngày hè đổ lửa tháng 7 càng trở nên nóng bỏng vì sự hoành hành của đại dịch. Covid-19 tỏ ra nguy hiểm bội phần, thách thức bội phần so với hồi tháng 3. Không để “giặc” bẻ gãy ý chí phát triển đất nước, Chính phủ đối đầu không khoan nhượng.

Một “Bộ Chỉ huy tiền phương” được thành lập và chốt chặn quyết liệt ở tâm điểm Đà Nẵng. Còn trên cả nước tác chiến theo cách “lửa” ở đâu khoanh ở đó, cả nước không “đóng băng” dập dịch như thời kỳ trước. Lựa chọn đối đầu như vậy là một lựa chọn mang tính “sinh tử”, bởi chỉ một ly sơ sẩy sẽ vỡ trận. Thần tốc, cương quyết, dồn mọi nguồn lực, bằng mọi giải pháp xử lý triệt để “ổ dịch”, các khu vực nguy cơ cao tại Đà Nẵng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tranh thủ từng giờ, từng phút để truy vết phát hiện các trường hợp nghi nhiễm, có nguy cơ lây nhiễm.

“Mặc dù Chính phủ vẫn có thể lựa chọn giải pháp giãn cách toàn xã hội, kêu gọi người dân ở nhà như hồi tháng 3, tháng 4”, Thủ tướng chia sẻ, “chắc chắn người dân tuân thủ nghiêm ngặt quy định cũng như lời kêu gọi của Chính phủ và cứ thế thì cuộc chiến với dịch bệnh cũng dễ dàng hơn”. Nhưng theo ông, “dịch bệnh đã và đang thách thức sức chịu đựng của Nhân dân, thách thức sức chịu đựng của nền kinh tế. Chính phủ phải có ý thức trách nhiệm cao hơn nữa, quyết tâm nhiều hơn nữa, dũng cảm nhiều hơn nữa đẩy lùi dịch bệnh”.

48 giờ “quyết chiến”

Chính phủ nhận định đầu tháng 8 là thời khắc quan trọng trong cuộc chiến với Covid-19 khi đó. Quyết dập dịch, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nghĩ nhiều về cảm xúc thiêng liêng của ngày Tết độc lập, nghĩ nhiều về cảm xúc thiêng liêng của ngày khai trường đầu tháng 9 không thể vì đại dịch mà mất đi. “Tất cả chúng ta hãy cùng cố gắng để có được sự bình yên cho mọi người dân và tất cả các cháu học sinh đều phải được hưởng niềm vui trọn vẹn của ngày khai trường”, Thủ tướng tin, “chúng ta chiến thắng”.

Với lý trí, tình cảm và quyết tâm hành động như vậy, Chính phủ đã chiến thắng. Và Kỳ họp thứ 10, tháng 10/2020, Quốc hội lại có được những ngày họp giống như hồi tháng 6, có mặt đông đủ tại hội trường Diên Hồng với tâm thế thoải mái, an toàn. Nhưng, cũng lại ngay sau khi kết thúc Kỳ họp thứ 10 và trải qua xấp xỉ 100 ngày vắng bóng “giặc”, thì ca nhiễm bệnh trong cộng đồng đã xuất hiện trở lại tại TP. Hồ Chí Minh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc triệu tập Thường trực Chính phủ họp khẩn cấp, với những mệnh lệnh cứng rắn, trong đó có yêu cầu các cơ quan chức năng khởi tố vụ án hình sự “Lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” tại TP. Hồ Chí Minh. Thời gian cho năm 2020 không còn nhiều trong khi đất nước đang hối hả chuẩn bị đón chào năm mới với sự kiện trọng đại là Đại hội XIII, không thể để “bóng ma” này còn bao phủ.

Trong vòng 48 tiếng, TP. Hồ Chí Minh đã kiểm soát được chuỗi 4 ca mắc Covid-19. Hội nghị công an toàn quốc được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh như dự kiến. Tại Hà Nội là Hội nghị Quân chính toàn quân; là tưng bừng Đại hội Đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam và Đại hội Thi đua yêu nước... Vòng tròn trăm ngày của “bóng ma” đại dịch đã không thể cản các bước tiến mãnh liệt của đất nước bước vào thời kỳ phát triển mới.

Đó là Việt Nam!

Đại hội đồng Liên Hợp quốc trong phiên họp toàn thể sáng 7/12/2020, đã thông qua Nghị quyết thành lập Ngày Quốc tế sẵn sàng chống dịch bệnh vào ngày 27/12 hàng năm.

Đây là nghị quyết đầu tiên của Đại hội đồng Liên Hợp quốc trong lĩnh vực này, cũng là nghị quyết đầu tiên do Việt Nam chủ trì đề xuất, thương lượng và thúc đẩy thông qua thành công tại Đại hội đồng Liên Hợp quốc.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 gây thiệt hại về người và tác động chưa từng có tới mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội của tất cả các quốc gia, đề xuất của Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ của toàn bộ các nước thành viên Liên Hợp quốc. Việt Nam, ngay từ hồi tháng 3/2020 đã được thế giới biết đến là ngọn hải đăng tỏa sáng trong một thế giới đang vất vả đối phó với đại dịch.

Từ thời điểm đó, hãng truyền thông Đức Deutsche Welle (DW) đã có bài viết mà từ tiêu đề đến các câu hỏi đặt ra trong bài đều như lời khẳng định. Đó là “Việt Nam đã chiến thắng trong “cuộc chiến” chống virus SARS-CoV-2 như thế nào?” Trang điện tử của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), đánh giá Việt Nam trở thành ngọn hải đăng với hành động mau lẹ, đưa ra quyết định nhanh chóng và kịp thời. Tuần báo l’Obs của Pháp quả quyết, Việt Nam là quốc gia đáng ca ngợi hàng đầu trong cuộc chiến này…

Nhịp độ phát triển không ngừng nghỉ

Những ngày cuối cùng của năm 2020 cũng là những ngày cả nước sôi nổi với nhịp độ phát triển không ngừng nghỉ. Có thể kể đến trong đó là cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đang trải qua thời khắc đặc biệt đáng nhớ. Lúc này, trên công trường cao tốc, hơn 1.500 công nhân cùng hơn 1.000 phương tiện, máy móc, thiết bị thi công 3 ca liên tục để thực hiện đúng lời hứa với Thủ tướng và với hơn 21 triệu người dân miền Tây, thông tuyến vào ngày cuối cùng của năm 2020.

Đây là Dự án mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong hai năm đã có không dưới 5 lần đi thị sát thực địa, trực tiếp đốc thúc tiến độ; nhiều lần chủ trì cuộc làm việc với Thường trực Chính phủ, với 19 tỉnh Tây Nam Bộ và ông thường xuyên phải nhấn mạnh, “điều tôi muốn nghe tại các cuộc họp là về những đơn vị, con người kiên cường thi công để bằng mọi cách bảo đảm tiến độ đến 31/12/2020 thông xe toàn tuyến”

Khẳng định “giải quyết hết 100% các đề nghị liên quan đến dự án này”, tháng 9/2019, đứng giữa công trường của dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Thủ tướng đã trao cho các bộ, cơ quan liên quan văn bản về việc đồng ý bố trí 2.186 tỷ đồng vốn đầu tư từ nguồn tăng thu ngân sách Trung ương cho dự án.

Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dài hơn 51 km, là dự án trọng điểm giảm tải cho quốc lộ 1A, là một trong những tuyến đường huyết mạch, kết nối vùng Tây Nam Bộ với TP. Hồ Chí Minh và khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam. Trong hơn 10 năm qua, dự án trải qua 2 lần thay đổi nhà đầu tư, 3 lần thay đổi tổng vốn, 4 lần lùi thời hạn hoàn thành… Vào đầu năm 2019, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đứng trước bờ vực đổ vỡ. Nếu không nhận được sự giải cứu của Chính phủ thì có thể chắc chắn rằng đến thời điểm này, dự án sẽ không biết đi đâu về đâu.

Đoàn Trần