Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch VCCI, ông Phạm Tấn Công cho hay, với số lượng doanh nghiệp hiện nay, đội ngũ doanh nhân là lãnh đạo doanh nghiệp đã đạt 2-3 triệu người; nếu tính tất cả những người làm kinh doanh, những hộ kinh doanh cá thể thì đội ngũ doanh nhân có thể đạt tới 10 triệu người.

Đây là một nguồn nhân lực đặc biệt của đất nước, có vai trò quan trọng trong thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập của nước Việt Nam thời kỳ mới.

Theo VCCI, chất lượng doanh nhân cũng được cải thiện. Việt Nam có một số doanh nhân lọt vào top "tỷ phú USD" toàn cầu. Tới nay, Việt Nam đã có 124 doanh nghiệp, với 283 sản phẩm là thương hiệu quốc gia. Một số thương hiệu quốc gia đã gây được tiếng vang và khẳng định giá trị thương hiệu trên thị trường khu vực và thế giới, điển hình như Viettel, Vinamilk, VinFast, Thaco, TH True Milk, gạo ST25...

Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới
Ông Phạm Tấn Công công bố nội dung quan trọng của Nghị quyết 41-NQ/TW. Ảnh: Diệu Linh

Tại sự kiện, lãnh đạo VCCI chia sẻ tin vui, món quà trong dịp “Tết doanh nhân” năm nay là một nghị quyết mới của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, thay Nghị quyết 09 được ban hành cách đây gần 12 năm.

Cụ thể, ngày 10/10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.

Trong đó, nghị quyết đặt mục tiêu đến 2030, phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Phấn đấu ngày càng có nhiều doanh nghiệp đạt tầm khu vực, một số doanh nghiệp đạt tầm thế giới.

Một số doanh nghiệp lớn có vai trò dẫn dắt trong các ngành, lĩnh vực then chốt; một số doanh nghiệp có vị thế, vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, làm chủ một số chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp, có năng lực cạnh tranh quốc tế trong các ngành công nghiệp nền tảng, ưu tiên, mũi nhọn.

Về tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết nêu rõ, đội ngũ doanh nhân Việt Nam phải có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu quốc gia phát triển, thu nhập cao, có vị thế, uy tín khu vực và quốc tế; một bộ phận doanh nghiệp có thương hiệu thế giới, dẫn dắt một số chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.