họp báo

Toàn cảnh buổi họp báo. Ảnh: Văn Nam.

Nhiều quy định mới được bổ sung

Đây là thông tin được bà Hoàng Hồng Hạnh - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế -Thanh tra (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết tại buổi họp báo giới thiệu những quy định mới trong Luật GTĐB sửa đổi do Tổng cục Đường bộ Việt Nam tổ chức chiều 8/6, tại Hà Nội.

Tại buổi họp báo, bà Hoàng Hồng Hạnh cho biết, dự thảo Luật GTĐB bổ sung các khái niệm phương tiện giao thông thông minh, vận tải khách công cộng, các hành vi bị nghiêm cấm phù hợp với Luật Phòng chống tác hại của rượu bia.

Về quy tắc giao thông, dự thảo Luật GTĐB bổ sung nguyên tắc đảm bảo người điều khiển giao thông phải đứng ở vị trí thuận tiện cho người tham giao thông quan sát và nhìn thấy rõ cả ban đêm và ban ngày; sửa đổi quy định về thắt dây an toàn toàn tại các vị trí có dây an toàn theo quy định của Công ước về GTĐB.

Theo bà Hạnh, về các quy tắc để bảo vệ người yếu thế như người già, người khuyết tật, trẻ em như quy tắc tập trung nhường đường cho người đi bộ, quy tắc nhường đường cho xe buýt, xe đưa đón học sinh thực hiện việc di chuyển ra, vào điểm dừng đón, trả khách trên đường, quy định việc phải sử dụng ghế chuyên dụng dành cho trẻ em dưới 13 tuổi.

Liên quan đến đèn nhận diện phương tiện, dự thảo Luật GTĐB cũng đưa ra các quy định liên quan đến nhận diện, đây là nội dung nội luật hóa theo quy định tại Điều 32 Công ước về GTĐB. Sau khi tiếp thu ý kiến đóng góp và phù hợp với thực tiễn Việt Nam sẽ không quy định cứng tất cả các xe phải bật đèn nhận diện mà chỉ quy định về đèn nhận diện thành một cấu thành bắt buộc của phương tiện để vừa bảo đảm quy định của công ước Viên, vừa đảm bảo cơ chế phòng ngừa tai nạn cho người dân.

Kể từ khi luật có hiệu lực, tất cả phương tiện kể cả mô tô hay xe máy đều phải thiết kế có đèn nhận diện. Về mặt kỹ thuật đèn nhận diện không phải đèn chiếu sáng, đèn nhận diện có thể kết hợp với đèn chiếu sáng hoặc độc lập. Đèn nhận diện sẽ không phải có công tắc riêng mà sẽ được tự động bật sáng khi xe khởi động.

Đối với hệ thống báo hiệu đường bộ, bà Hạnh cho hay, dự thảo luật đưa các quy định về thứ tự hiệu lực của hệ thống báo hiệu đường bộ, quy định cụ thể hơn về hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, tín hiệu đèn giao thông, trong đó điểm mới đáng chú ý là quy định về tín hiệu đèn xanh được nội luật hóa theo công ước về Biển báo và tín hiệu đường bộ.

Theo đó, tín hiệu đèn xanh là báo hiệu được đi, trừ trường hợp hướng định đi tới đang bị ùn tắc nếu tiến vào nút giao thì sẽ không thoát ra khỏi nút giao trước khi đèn tín hiệu giao thông chuyển sang báo hiệu cho các hướng khác tiến vào nút giao. Quy định về tín hiệu đèn xanh này cũng hướng dẫn người tham gia giao thông thực hiện quy tắc loại trừ không áp dụng trong trường hợp nếu hướng đi đang bị ùn tắc mà đi vào sẽ không thoát ra được.

Phân hạng Giấy phép lái xe phù hợp Công ước quốc tế

Cũng theo bà Hạnh, dự thảo Luật GTĐB sẽ điều chỉnh phân hạng Giấy phép lái xe (GPLX) phù hợp Công ước quốc tế về GTĐB tạo điều kiện cho việc sử dụng GPLX của Việt Nam ở nước ngoài và GPLX nước ngoài tại Việt Nam, theo đó các hạng của giấy phép lái xe đã được bổ sung thêm hạng A0 (xe dưới 50cm3) và C1 (xe có trọng lượng 7400kg).

Việc phân hạng GPLX này sẽ không làm phát sinh thủ tục hành chính cấp lại cho các GPLX đã cấp và đang còn hiệu lực. Việc cấp GPLX theo hạng mới sẽ được thực hiện đối với người cấp lần đầu và việc cấp GPLX đã hết hạn sẽ thuộc trường hợp được cấp lại. Riêng đối với GPLX hạng A0 được thực hiện theo lộ trình để người dân có thời gian thực hiện.

Liên quan đến câu hỏi về quy định đèn nhận diện, ông Phạm Minh Tâm - Phó Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, việc tổ chức giao thông của Việt Nam cơ bản là giao thông hỗn hợp. Trong dòng giao thông hỗn hợp này, mô tô, xe máy là phương tiện yếu thế. Quy định xe tham gia giao thông vào ban ngày phải có đèn nhận diện là giải pháp kỹ thuật giúp giảm tai nạn giao thông hay giảm mức độ nghiêm trọng của tai nạn xảy ra.

Hiện Cục Đăng kiểm Việt Nam đang xây dựng tiêu chuẩn của đèn nhận diện, khi xe sản xuất mới sẽ phải đáp ứng các tiêu chí như vị trí dễ nhận biết, mức độ sáng không gây chói mắt đối với người đối diện. Đặc biệt, dự thảo luật sẽ không hồi tố đối với những xe sản xuất không gắn đèn nhận diện liền theo xe./.

Văn Nam - Trí Dũng