Những đóng góp của nhân dân là không thể đong đếm

Các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đánh giá cao báo cáo giám sát của Quốc hội về huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19 là “rất toàn diện, công phu, trung thực với những tồn tại, hạn chế và sát thực tiễn”.

Xem xét công bằng những sai phạm không vụ lợi về phòng, chống dịch
Đại biểu Nguyễn Anh Trí đề nghị ngừng nghiên cứu sản xuất vắc-xin phòng Covid-19 tại Việt Nam.

Các ĐBQH ghi nhận, cùng với sự nỗ lực của toàn dân và cả hệ thống chính trị, công tác huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian qua đã góp phần quan trọng, có tính chất quyết định để kiểm soát thành công đại dịch Covid-19, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Y tế cơ sở, y tế dự phòng ngày càng có đóng góp quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân và góp phần quan trọng vào thành công của công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là trong đại dịch Covid-19.

Có ý kiến cho rằng, những thống kê về nguồn lực cho phòng, chống dịch mới chỉ thống kê chủ yếu từ nguồn lực ngân sách nhà nước. Những đóng góp của nhân dân là không thể cân đong đo đếm được.

Nhiều ý kiến ĐBQH cơ bản nhất trí với báo cáo kết quả giám sát và dự thảo nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Theo ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội), Việt Nam là một trong những quốc gia đã khống chế thành công nhất đại dịch Covid-19. Trong đó, chiến lược ngoại giao vắc-xin rất tốt, rất nhanh và rất thành công, đã có đủ, kịp thời vắc-xin để tiêm phòng cho nhân dân.

ĐB cho biết, ông đồng tình với đánh giá của đoàn giám sát khi cho rằng Quốc hội trân trọng sự chung sức đồng lòng của nhân dân và những cá nhân, tập thể đã đóng góp vào công cuộc phòng, chống Covid-19. Đây là thông điệp lớn lao và đầy ý nghĩa về tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, tình thương. Do đó, ĐB Nguyễn Anh Trí đề nghị (đây cũng là đề nghị của nhiều ĐBQH) các cơ quan chức năng làm tốt hơn nữa công tác biểu dương, khen thưởng cho các đơn vị, cá nhân tham gia phòng chống dịch.

Vướng trong sử dụng kinh phí chi cho phòng, chống dịch

Tuy nhiên, theo ĐB Nguyễn Anh Trí và một số ĐBQH, do là tình huống chưa có trong tiền lệ nên đã có những sai phạm nghiêm trọng trong hoạt động phòng, chống dịch Covid-19, thậm chí có những sai phạm xảy ra trong những lĩnh vực rất ít có sai phạm như nghiên cứu khoa học, nghiệm thu, chuyển giao công nghệ.

ĐB Nguyễn Anh Trí đồng tình với quan điểm những vấn nạn tham ô, tham nhũng trong hoạt động phòng, chống dịch cần xử lý thật nghiêm khắc, nhưng cũng cần xem xét thật có lý, có tình thật công bằng với những ai không vụ lợi mà chỉ vì để kịp thời chống dịch nhằm lợi ích của cộng đồng mà vi phạm pháp luật, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Đảng, của Quốc hội.

Xem xét công bằng những sai phạm không vụ lợi về phòng, chống dịch
Các đại biểu Quốc hội trong phiên họp sáng 29/5.

“Tôi đề nghị ngừng nghiên cứu sản xuất vắc-xin phòng Covid-19 tại Việt Nam, vì đã là quá muộn để nghiên cứu sản xuất loại vắc-xin này, mà cần tìm mua loại vắc-xin tốt, với giá cả hợp lý và đủ để tiêm phòng cho nhân dân” - ĐB Nguyễn Anh Trí nói.

ĐB Nguyễn Thị Yến Nhi (Bến Tre) bày tỏ thống nhất với các nội dung của Báo cáo của đoàn giám sát của Quốc hội. Từ góc độ tham gia sám sát nội dung này tại địa phương, ĐB Nguyễn Thị Yến Nhi cho rằng, dịch Covid-19 tạo ra những hoàn cảnh chưa có tiền lệ. Nhiều vấn đề phát sinh chưa có quy định, hoặc nếu có sự hướng dẫn cũng chưa được thống nhất, đồng bộ… Do vậy, việc giải quyết tại thời điểm hiện tại cũng phải đặt trong bối cảnh này để có hướng xử lý sao cho phù hợp.

ĐB cho biết, trước đó có văn bản cho phép đối với các tỉnh có dịch bệnh phức tạp thì ưu tiên kinh phí vận động cho công tác phòng, chống dịch tại địa phương, chỉ ngoại trừ nguồn ủng hộ có ghi rõ mua vắc-xin và sau đó sẽ nộp số tiền còn lại về cho Quỹ Vắc-xin phòng, chống dịch Covid-19 của trung ương. Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh đã sử dụng nguồn kinh phí vận động này để ưu tiên cho công tác phòng, chống dịch tại địa phương và từng nội dung sử dụng; phân bổ kinh phí phòng, chống dịch đều có báo cáo xin ý kiến và trình cho thường trực tỉnh ủy để phê duyệt.

Tuy nhiên, Kiểm toán Nhà nước đã yêu cầu Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phải nộp về Quỹ Vắc-xin phòng, chống dịch Covid-19 trung ương toàn bộ số tiền theo mức 80% tổng số tiền vận động cho công tác phòng, chống dịch. “Trong khi nguồn kinh phí vận động này của tỉnh đã chi cho công tác phòng, chống dịch hiện chỉ còn ít cũng không thể nộp đủ theo đề nghị của Kiểm toán Nhà nước. Nhiều tỉnh khác cũng rơi vào tình trạng tương tự, gặp khó khăn trong vấn đề này. Do vậy, đề nghị Trung ương MTTQ Việt Nam có tổng hợp tình hình chung của các địa phương để phối hợp cùng với Chính phủ có biện pháp tháo gỡ khó khăn này” - ĐB Nguyễn Thị Yến Nhi nói.

ĐB Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận), ĐB Hồ Thị Kim Ngân (Bắc Kạn) cho biết, hiện nay ở một số địa phương đang vướng vì đang nợ doanh nghiệp khi vay mượn thiết bị, vật tư, sinh phẩm. Theo các ĐB, ở thời điểm dịch bệnh, nhiều địa phương đã thực hiện mua sắm, vay mượn thiết bị, vật tư, sinh phẩm cấp bách theo phương châm 4 tại chỗ. Một số địa phương phải tổ chức vay mượn. Đến nay, nhiều địa phương còn đang nợ doanh nghiệp. Vì vậy, ĐB đề xuất các cơ quan chức năng cần sớm có cơ chế để tháo gỡ khó khăn này của địa phương.

ĐB Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) cho rằng: “Đây là nỗi lo đau đáu của các địa phương là làm sao trả nợ cho các doanh nghiệp. Hiện không có cơ sở để hoàn trả”.

Theo ĐB Tráng A Dương (Hà Giang), hiện còn nhiều khó khăn trong việc xác lập sở hữu toàn dân đối với tài sản được tài trợ trong phòng chống dịch. Do đó, Quốc hội cần giao Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Y tế khẩn trương hướng dẫn ngay việc xác lập sở hữu toàn dân đối với những tài sản tài trợ trong phòng, chống dịch Covid-19 để quản lý, sở hữu, sử dụng, nhất là đối với các cơ sở y tế, xác định tính giá dịch vụ và thanh toán bảo hiểm y tế./.

ĐB Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định): Nên công bố hết dịch Covid-19

ĐB Nguyễn Lân Hiếu cho rằng nên xét công bố hết dịch Covid-19. Việt Nam có thể yên tâm công bố khi đã đủ điều kiện về tỷ lệ bệnh nặng, đạt tỷ lệ bao phủ vắc xin rộng, tình hình dịch bệnh trên thế giới đã ổn định. Theo đó, dịch bệnh Covid-19 có thể được chuyển từ bệnh bênh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B tức là tương tự như các bệnh lý chuyên khoa khác. Khi đó, việc chi trả cũng cần thực hiện như những bệnh lý chuyên khoa khác.