Phần đầu phiên xét xử, HĐXX dành thời gian cho Viện Kiểm soát (VKS) đối đáp lại hơn 80 vấn đề trong các luận cứ bào chữa cho bị cáo và bảo vệ quyền lợi người liên quan của các luật sư, diễn ra trong 5 ngày tranh luận vừa qua.

Cụ thể trước đó, một số luật sư cho rằng điều tra viên, kiểm sát viên khi lấy cung các bị cáo đã vi phạm nghiêm trọng tố tụng như nhiều bản cung trùng ngày, giờ, bản cung "sinh đôi".

Đại diện VKS cho rằng, trong quá trình điều tra có sai sót, tuy nhiên đó là sai sót về hình thức, không ảnh hưởng đến nội dung vụ án. Các bị cáo không bị ép cung, dưới mỗi bản cung đều được ký tên. Tại tòa, không có bị cáo nào thay đổi lời khai, nói mình bị ép cung, trừ bị cáo Loan và không có bị cáo nào khai kiểm sát viên, điều tra viên lấy lời khai cùng lúc với bị cáo khác.

Đối với tình trạng sức khỏe của bị cáo Nguyễn Kim Thanh (chồng bị cáo Bùi Thị Kim Loan - kế toán Công ty TNHH Phú Mỹ, trợ thủ đắc lực của bà Phấn), VKS xác định bị cáo này có tinh thần không ổn định. Nhưng bị cáo không thuộc trường hợp hạn chế năng lực hình sự.

Mặt khác, luật sư có cung cấp về tình trạng mới nhất của bị cáo, nhưng không có căn cứ để thể hiện bị cáo bị tâm thần, hạn chế năng lực hình sự. Trong quá trình lấy cung tại cơ quan điều tra, bị can này đều xác nhận các biên bản hỏi cung đúng và cho biết đủ tình trạng sức khỏe để lấy cung, do đó không thể nói là vi phạm tố tụng theo quy định.

VKS cũng bác bỏ quan điểm của luật sư bào chữa cho bị cáo Hứa Thị Phấn cho rằng 3/5 thành viên Hội đồng xét xử (HĐXX) khi xét xử vụ án Phạm Công Danh giai đoạn 1 đã quyết định khởi tố một số bị cáo trong vụ án này, sau đó các thành viên này lại tham gia HĐXX xét xử các bị cáo là vi phạm tố tụng. Vì theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, HĐXX có quyền khởi tố vụ án.

Trong vụ án Phạm Công Danh giai đoạn 1, HĐXX đã ban hành 3 quyết định khởi tố, các quyết định này hoàn toàn khách quan, không vi phạm quy định của pháp luật. Và không có điều luật nào quy định thành phần HĐXX khởi tố vụ án thì không được tham gia xét xử vụ án đó. Từ đó VKS khẳng định HĐXX vụ án này là đúng quy định.

Về chứng cứ mới mà luật sư của bị cáo Hứa Thị Phấn cung cấp tại phiên tòa, VKS khẳng định lại việc không chấp nhận chứng cứ này là đúng quy định của pháp luật.

Cụ thể, USB không được thu thập theo trình tự tố tụng. Luật sư nói đã nhận USB này từ khi chưa được cấp giấy chứng nhận bào chữa, nhưng không giao nộp vì không tin VKS Nhân dân Tối cao. Vậy vì sao khi VKS gửi hồ sơ lên toà án để xét xử, thì luật sư cũng không nộp. Vậy luật sư có thực sự bảo vệ bị cáo Phấn hay không?

Ngoài ra, VKS cũng cho rằng từ USB chứa băng ghi âm này, LS cho rằng nhân vật trong file ghi âm là ông Cao, ông Công đã giúp ông Luận (lãnh đạo Công ty Phương Trang) cản trở thanh tra Ngân hàng Nhà nước. Kiến nghị này hoàn toàn không có căn cứ, đồng thời vượt quá phạm vi bào chữa, cố tình làm xấu đi tình trạng người khác.

Tại phiên toà VKS cũng cho rằng, có luật sư đã dùng lập luận mang tính chủ quan có ý quy chụp cơ quan tiến hành tố tụng không minh bạch, khách quan. "Chúng tôi cũng muốn nhắc nhở các luật sư lưu ý những phát ngôn mang tính chủ quan như vậy, tránh làm ảnh hưởng đến cơ quan tố tụng, đồng thời cũng ảnh hưởng chung đến uy tín của các luật sư", đại diện VKS nói.

Liên quan đến khoản vay của nhóm Phương Trang tại Ngân hàng Đại Tín, kết luận của cơ quan điều tra cho thấy không có mối quan hệ vay mượn giữa bà Phấn và nhóm Phương Trang.

Về đường đi của dòng tiền đã thể hiện đầy đủ trong kết luận. Hơn nữa các bị cáo đều thừa nhận rằng làm theo sự chỉ đạo của cấp trên. Thực tế không có giải ngân hoặc giải ngân không đúng như hợp đồng tín dụng. Quỹ tiền mặt của ngân hàng không đủ để có thể giải ngân tiền mặt. Do đó, VKS cho rằng đây là thu, chi khống.

Các khoản vay này đều thực hiện theo phương pháp cấn trừ và để hợp lý hóa hồ sơ chứng từ in sẵn. Sổ nhật ký tiền mặt mà các luật sư trình bày là sổ ghi chép của Hứa Thị Bích Hạnh được lập trên chứng từ khống.

Từ đó, VKS khẳng định nhóm Phương Trang chỉ thực nhận hơn 3.900 tỷ đồng chứ không phải là 9.400 tỷ đồng. Và ai làm thiệt hại thì phải bồi thường, VKS xác định bà Phấn phải bồi thường 5.200 tỷ đồng.

Trong bản đối đáp dài hơn một tiếng rưỡi, VKS đã đối đáp tất cả quan điểm luật sư trình bày khi tranh luận. Qua phân tích từng vấn đề, VKS khẳng định giữ nguyên quan điểm đã luận tội ban đầu./.

VKS xác định Phương Trang thực nhận 3.936 tỷ đồng và sẽ trả lãi đến ngày khởi tố vụ án.

Với đề nghị của luật sư bảo vệ quyền lợi cho Công ty Phương Trang kiến nghị việc tính lãi suất cho khoản nợ 3.936 tỷ đồng từ ngày vay đến ngày nộp đơn tố cáo những sai phạm của bà Phấn và các lãnh đạo Ngân hàng Đại Tín. VKS cho rằng, mặc dù Công ty Phương Trang đã có đơn tố cáo hành vi phạm tội của bà Phấn và Ngân hàng Đại Tín từ 29/2/2012, tuy nhiên đến 9/9/2016 HĐXX mới quyết định khởi tố vụ án. Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2015 có quy định việc tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố được xem là giai đoạn tố tụng.

Tuy nhiên, Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018, trong khi Công ty Phương Trang tố cáo hành vi của bà Phấn và Ngân hàng Đại Tín từ 2012 nên không thể áp dụng quy định của Luật tố tụng hình sự năm 2015./.

Thạch Miên