Lúc hơn 9 giờ, đại diện VKS bắt đầu phần luận tội. Đại diện VKS nêu, hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản liên quan đến căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch, bà Phấn đã 4 lần chuyển nhượng lòng vòng, nâng khống giá trị căn nhà nhằm chiếm đoạt tiền của Ngân hàng Đại Tín, gây thiệt hại hơn 1.105 tỷ đồng.

VKS nêu, để gúp sức cho bị cáo Hứa Thị Phấn ở hành vi này còn có bị cáo Bùi Thị Kim Loan, Ngô Kim Huệ và Lâm Kim Dũng với vai trò đồng phạm giúp sức.

Đối với hành vi cố ý làm trái trong việc hạch toán thu chi khống, gây thiệt hại cho Ngân hàng Đại Tín hơn 5.000 tỷ đồng.

Đủ căn cứ xác định với chức vụ cố vấn cấp cao, nắm giữ hơn 84% cổ phần Ngân hàng Đại Tín, bị cáo Hứa Thị Phấn đã thao túng, chỉ đạo ngân hàng, dùng 2 chi nhánh lập thu, chi khống không dùng tiền mặt. Toàn bộ hoạt động trên bị cáo Phấn sử dụng bị cáo Loan chỉ đạo 2 chi nhánh, bị cáo Loan có vai trò giúp sức đắc lực cho bị cáo Phấn thực hiện hành vi.

Công ty Phương Trang có quy mô hoạt động lớn, bị cáo Phấn lợi dụng công ty cần vay vốn Ngân hàng Đại Tín, buộc Công ty Phương Trang ký trước các chứng từ giải ngân, sau đó chỉ đạo ngân hàng không giải ngân hoặc giải ngân không đầy đủ cho Phương Trang nhằm đẩy dư nợ khống cho Phương Trang. Tổng số tiền trên sổ sách giải ngân là hơn 16.000 tỷ đồng, còn dư nợ hơn 25.000 tỷ đồng, trong đó dư nợ gốc hơn 9.000 tỷ đồng.

Nếu lấy số liệu của Ngân hàng CB (trước đây là Ngân hàng Đại Tín, VNCB) thì dư nợ gốc và lãi của Phương Trang là trên 27.000 tỷ đồng trong khi Phương Trang chỉ thực nhận 3.936 tỷ đồng.

Trong vụ án này, bị cáo Hứa Thị Phấn được các cơ quan tiến hành tố tụng xác định là bị cáo chính, chủ mưu của 2 hành vi gồm chỉ đạo nâng khống giá trị căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch, chiếm đoạt và sử dụng cho mục đích cá nhân, gây thiệt hại hơn 1.105 tỷ đồng; hành vi chỉ đạo lập chứng từ thu, chi khống, đẩy dư nợ cho Công ty Phương Trang hơn 5.000 tỷ đồng.

Bị cáo Phấn viện lý do sức khỏe mất 93% nên đã không tới dự bất cứ phiên xét xử nào. VKS nêu, kết luận điều tra cho thấy, bị cáo Phấn khi tiếp xúc với cơ quan điều tra (CQĐT) ở trong trạng thái khó tiếp xúc, gọi hỏi không trả lời. Tuy nhiên, bị cáo Phấn vẫn ký đơn kháng cáo trong vụ án OceanBank và có nhiều đơn tố cáo, kiến nghị khác.

VKS cho rằng, thông qua các chứng cứ, lời khai của các bị cáo, người liên quan tại tòa cho thấy, cáo trạng truy tố bị cáo Phấn tội lạm dụng và cố ý làm trái là hoàn toàn có căn cứ và đúng pháp luật.

Ngoài bị cáo Phấn, bị cáo Ngô Kim Huệ, cựu thành viên HĐQT, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Đại Tín, cháu gái ruột của bị cáo Phấn và bị cáo Bùi Thị Kim Loan, cựu kế toán Công ty TNHH Phú Mỹ, thư ký của bị cáo Phấn được CQĐT xác định là những nhân vật đồng phạm giúp sức tích cực cho bị cáo Phấn thực hiện các hành vi nêu trên.

Tại tòa, bị cáo Loan khai báo quanh co, không thừa nhận hành vi của mình. Ngày xét xử đầu, bị cáo Loan bế theo con mới sinh 3 tuần tuổi, với ý định do mình chưa đủ sức khỏe, tinh thần nên đề nghị HĐXX cho hoãn phiên tòa nhưng không được chấp nhận.

VKS nêu, căn cứ vào kết quả điều tra, lời khai của các bị cáo cho thấy Loan là người chỉ đạo lập chứng từ thu, chi khống, là người đưa cho các thành viên HĐQT ký các văn bản, hồ sơ liên quan tới giao dịch căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch. Thông qua các chứng cứ, lời khai của các bị cáo, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan thì đủ căn cứ truy tố bị cáo Loan theo cáo trạng là hoàn toàn có căn cứ.

Bị cáo Ngô Kim Huệ, là cháu bị cáo Phấn. Tại tòa Huệ thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội và xác nhận cáo trạng truy tố là đúng.

Các bị cáo khác như Hoàng Văn Toàn, cựu Chủ tịch Ngân hàng Đại Tín, Trần Sơn Nam, cựu Tổng giám đốc Ngân hàng Đại Tín… đều khai được bị cáo Phấn trả lương cao và chịu sự chỉ đạo, chi phối trong điều hành ngân hàng.

VKS nêu, vì lòng tham bị cáo Phấn đã lôi kéo lãnh đạo, nhân viên, hàng loạt người thân nhằm thực hiện hành vi của mình. Hành vi nêu trên của bị cáo Phấn và đồng phạm là nguy hiểm cho xã hội.

Trên cơ sở phân tích đánh giá trên, VKS đề nghị mức án 20 năm tù đối với hành vi Lạm dụng tín nhiệm, 20 năm tù cho hành vi cố ý làm trái, tổng hợp hình phạt là 30 năm tù đối với bị cáo Hứa Thị Phấn. Tổng hợp thêm hình phạt vụ án ở Oceanbank (17 năm).

Xử phạt bị cáo Bùi Thị Kim Loan tội lạm dụng tín nhiệm mức án 13-14 năm tù, tội cố ý làm trái 15-16 năm tù, tổng hợp hình phạt là 28-30 năm tù.

Xử phạt bị cáo Ngô Kim Huệ tội lạm dụng tín nhiệm 7-8 năm tù, cố ý làm trái 3-4 năm tù, tổng hợp hình phạt là 10-12 năm tù.

Xử phạt bị cáo Ngô Thị Ngân tội cố ý làm trái 10-12 năm tù; bị cáo Hoàng Văn Toàn tội cố ý làm trái 7-8 năm tù; bị cáo Trần Sơn Nam, Nguyễn Công Tụ tội cố ý làm trái 6-7 năm tù; bị cáo Lâm Kim Dũng tội lạm dụng tín nhiệm 6-7 năm tù.

Xử phạt bị cáo Lâm Hồng Trinh tội cố ý làm trái 4-5 năm tù; bị cáo Vũ Thị Như Thảo, Huỳnh Thị Băng Tâm, Lâm Kim Thu tội cố ý làm trái 3-4 năm tù; bị cáo Lê Thị Tuyết Anh tội cố ý làm trái 3-4 năm tù; bị cáo Bùi Thế Nghiệp, Lâm Hứa Quỳnh Trinh, Nguyễn Thị Ngọc Tuyết, Nguyên Kim Thanh tội cố ý làm trái 2-3 năm tù.

Xử phạt bị cáo Nguyễn Vĩnh Mậu, Hứa Thị Bích Hạnh, Trần Điền Ngọc Hân, Đỗ Thị Hồng Nhung, Hà Thu Thảo, Đường Bửu Nhìn tội cố ý làm trái 3 năm tù hưởng án treo.

VKS đề nghị bị cáo Hứa Thị Phấn bồi thường 1.105 tỷ đồng thiệt hại từ hành vi lạm dụng tín nhiệm, hơn 5.200 tỷ đồng từ hành vi cố ý làm trái, bồi thường lãi suất phát sinh và khoản lãi phạt 9.400 tỷ đồng tính tới ngày khởi tố vụ án cho NH Xây Dựng (CB).

Buộc Công ty Phương Trang phải thanh toán khoản nợ gốc 3.936 tỷ đồng và lãi suất phát sinh đến ngày khởi tố vụ án. Và tiếp tục kê biên 43 tài sản để đảm bảo nghĩa vụ thanh toán các khoản vay. Riêng tài sản thế chấp cho tài sản trái phiếu Trường Vĩ là dự án Bình Điền Long An. Do Công ty Phương Trang thế chấp vay nhưng hoàn toàn không được giải ngân và đến nay không có dư nợ với khoản vay này nên đề nghị huỷ kê biên giao tài sản cho Công ty Phương Trang.

Với 114 tài sản là bất động sản liên quan tới chuyển giao cho ông Phạm Công Danh tiếp tục kê biên để xem xét trong giai đoạn sau. Giải tỏa kê biên chiếc xe Maybach cho giao cho chủ sở hữu là Công ty Thiên Tân./.

Thạch Miên