Đây là nhận định về xu hướng thị trường chứng khoán (TTCK) của ông Nguyễn Tiến Dũng – Trưởng phòng Nghiên cứu, Khối Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán MB (MBS) khi trả lời phỏng vấn của TBTCVN.

*PV: Ông đánh giá thế nào về diễn biến TTCK tháng 8 vừa trải qua với nhiều biến động tích cực hơn? Đâu là các nhóm nguyên nhân?

Xu hướng tăng sẽ tiếp diễn và có khả năng VN-Index vượt mốc 1.300 sau kỳ nghỉ lễ
Ông Nguyễn Tiến Dũng

Sự ổn định của môi trường vĩ mô nhiều khả năng sẽ được duy trì và cải thiện hơn nữa sẽ là cơ sở để ổn định tỷ giá trong năm 2024 và cũng là yếu tố giúp dòng tiền có thể tự tin vào thị trường chứng khoán.

Ông Nguyễn Tiến Dũng: TTCK thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã có nhịp phục hồi ngoạn mục trong tháng 8 sau phiên bán tháo ngày 5/8.

Đáng chú ý, chỉ số chứng khoán toàn cầu theo dõi các thị trường phát triển và mới nổi đã lập kỷ lục mới nhờ chứng khoán Mỹ (chỉ số Dow Jones) đã liên tiếp phá đỉnh. Động lực thúc đẩy chứng khoán thế giới cũng như chứng khoán Mỹ trong thời gian vừa qua đến từ khả năng đã chắc chắn rằng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ bắt đầu giảm lãi suất vào tháng 9. Bên cạnh đó, giới phân tích cũng cho rằng kịch bản chính hiện nay của kinh tế Mỹ vẫn là một cuộc “hạ cánh mềm”.

Đối với thị trường trong nước, nhịp phục hồi hơn 100 điểm để tiệm cận vùng đỉnh 1.290 – 1.300 điểm của chỉ số VN-Index được hỗ trợ bởi đà tăng từ chứng khoán thế giới. Cùng với đó, việc đồng USD giảm về mức thấp nhất kể từ đầu năm khiến tỷ giá hạ nhiệt, hỗ trợ cho một loạt các động thái nới lỏng chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, nhằm thiết lập một mặt bằng lãi suất liên ngân hàng thấp hơn.

*PV: Thị trường đang trong nhịp giằng co rung lắc sau đợt tăng tốt trung tuần tháng 8. Theo ông, xu thế này liệu có thể phá vỡ sau kỳ nghỉ Lễ 2/9 và diễn biến ngắn hạn của thị trường sau kỳ nghĩ lễ sẽ như thế nào?

Ông Nguyễn Tiến Dũng: Thị trường ở trạng thái giằng co 7 phiên liên tiếp trước kỳ nghỉ lễ - đây là diễn biến mang tính thời vụ, đặc biệt là sau nhịp phục hồi hơn 100 điểm, thị trường cũng cần thời gian để tích lũy, tạo đà tăng tiếp.

Với bối cảnh thế giới đang thuận lợi với các chỉ số chứng khoán chính lần lượt lập đỉnh cao mới, TTCK trong nước cũng đang được hỗ trợ, bởi câu chuyện tỷ giá đã không còn là chướng ngại vật, bên cạnh đó là câu chuyện cải thiện các tiêu chí để nâng hạng thị trường.

Chúng tôi cho rằng, xu hướng tăng của thị trường sẽ tiếp diễn và có khả năng vượt ngưỡng tâm lý 1.300 điểm sau kỳ nghỉ lễ kéo dài khi dòng tiền đang tập trung ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, đây cũng là nhân tố được dự báo sẽ đóng vai trò lực đẩy chính giúp thị trường vượt đỉnh.

Xu hướng tăng sẽ tiếp diễn và có khả năng VN-Index vượt mốc 1.300 sau kỳ nghỉ lễ
Dòng tiền tập trung vào nhóm cổ phiếu lớn sẽ đóng vai trò thúc đẩy đà tăng cho TTCK.

*PV: Nhìn hơn 1 chút, ông dự báo thể nào về TTCK tháng 9? Đầu là các yếu tố dự kiến sẽ hỗ trợ, đâu là các yếu tố nhà đầu tư cần lưu tâm theo dõi, thưa ông?

Ông Nguyễn Tiến Dũng: Thị trường bước vào tháng 9 với nhiều thông tin hỗ trợ tích cực, do đó cũng mang đến nhiều triển vọng đầu tư hơn. Một số yếu tố có thể hỗ trợ đến thị trường, đầu tiên đó là việc FED ngày càng tự tin về xu hướng lạm phát giảm và sẵn sàng bắt đầu nới lỏng lãi suất trong thời gian tới. Hiện tại theo công cụ CME FedWatch, giới đầu tư chắc chắn rằng FED sẽ hạ lãi suất vào kỳ họp tháng 9, tuy nhiên, tốc độ hạ lãi suất của FED vẫn được nhiều chuyên gia tranh luận, với 67% ý kiến cho rằng FED sẽ chỉ hạ 0,25% và còn lại 33% ý kiến cho rằng FED sẽ mạnh tay hơn và giảm 0,5% vào kỳ họp tháng 9 tới.

Việc FED bắt đầu giảm lãi suất sẽ có hỗ trợ rất lớn cho nhóm doanh nghiệp Việt Nam đang có dự nợ vay bằng đồng USD, chi phí lãi vay có thể giảm và hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp kể từ quý IV này. FED cắt giảm lãi suất cũng sẽ mang lại cơ hội lớn cho nhóm cổ phiếu vốn được các nhà đầu tư ngoại ưa thích, do lãi suất phi rủi ro ở Mỹ giảm sẽ giúp định giá cổ phiếu dưới góc nhìn đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài tăng. Yếu tố thứ hai là việc áp lực lên tỷ giá hối đoái cũng đã giảm đáng kể trong tháng 8 nhờ sự suy yếu của đồng USD.

Chúng tôi cho rằng, áp lực tỷ giá sẽ hạ nhiệt và dao động trong khoảng 24.800 – 25.000 VND/USD trong quý IV nhờ những yếu tố tích cực như: thặng dư thương mại tích cực (~14,1 tỷ USD trong 7 tháng 2024), dòng vốn FDI (12,6 tỷ USD, +8,4% so với cùng kỳ) và du lịch phục hồi mạnh mẽ (+51% so với cùng kỳ trong 7 tháng 2024). Sự ổn định của môi trường vĩ mô nhiều khả năng sẽ được duy trì và cải thiện hơn nữa sẽ là cơ sở để ổn định tỷ giá trong năm 2024 và cũng là yếu tố giúp dòng tiền có thể tự tin vào TTCK.

Một yếu tố cũng được thị trường chờ đợi trong tháng 9 này là tăng trưởng lợi nhuận quý III/2024 của các doanh nghiệp. Chúng tôi dự báo lợi nhuận toàn thị trường có thể đạt mức tăng 20% so với cùng kỳ, một số nhóm ngành có tăng trưởng lợi nhuận nổi bật gồm tiêu dùng và bán lẻ, hàng không, năng lượng.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng cần chú ý đến một số rủi ro bao gồm lạm phát và lãi suất. Lạm phát mặc dù vẫn đang trong mức kiểm soát, tuy nhiên một số yếu tố có thể khiến lạm phát tăng mạnh về cuối năm như giá thép và vật liệu xây dựng phục hồi, giá dầu tăng do những bất ổn địa chính trị trên thế giới, lương cơ bản tăng 30% kể từ đầu tháng 7 vừa qua. Lãi suất huy động cũng đang có xu hướng tăng nhanh trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng về cuối năm dự kiến tăng tốc. Lãi suất huy động tăng lên có thể cạnh tranh dòng tiền vào TTCK.

*PV: Về mặt điểm số, mặc dù không quá quan trọng trong bối cảnh hiện tại, nhưng ông nghĩ thế nào về mốc 1.300 điểm của VN-Index?

Ông Nguyễn Tiến Dũng: Theo tôi, mốc 1.300 điểm chỉ là 1 con số và mang tính tâm lý. Thực tế, dù chỉ số VN-Index chưa vượt ngưỡng 1.300 điểm nhưng một số nhóm cổ phiếu đã ở trên ngưỡng kỹ thuật này. Nhìn chung, với bối cảnh hiện tại, đang có rất nhiều cổ phiếu có triển vọng tích cực cho mùa báo cáo nửa cuối năm.

*PV: Xin cảm ơn ông!