Tác phẩm “Những người xóa mù luật cho công nhân” của tác giả Lê Thị Tuyết, báo Lao động, nhận giải Nhất nhóm tác phẩm báo in – báo mạng điện tử. Loạt tác phẩm “Lao động di cư – hoang vắng làng quê, nhọc nhằn nơi phố thị” của tác giả Trần Bá Duy, VOV2, đạt giải Nhất nhóm tác phẩm phát thanh – truyền hình.

Giải Nhì của nhóm tác phẩm báo in – báo mạng điện tử cũng thuộc về báo Lao động với loạt tác phẩm “Liêu xiêu nơi cuối Việt” và của nhóm tác phẩm phát thanh – truyền hình được trao cho loạt tác phẩm “Chuyện chưa kể phía sau Làng Đại học” của Đài PT-TH Lâm Đồng.

Các giải thưởng còn lại trong số 14 giải thưởng được trao lần này thuộc về báo Tuổi trẻ, Thông tấn xã Việt Nam, báo Dân trí, báo Hà Tĩnh và kênh Truyền hình Công an Nhân dân.

Bà Tomoko Nishimoto, Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (CA – TBD) cho biết, Việt Nam đang bước vào một kỷ nguyên phát triển mới với quá trình hội nhập sâu rộng hơn thông qua Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và các hiệp định thương mại tự do khác, giúp thúc đẩy quá trình chuyển đổi cấu trúc của thị trường lao động và khiến các vấn đề về lao động – việc làm ngày một quan trọng hơn.

“Chính các bạn là người giúp công chúng hiểu hơn những thách thức mới của xã hội và trong lao động mà Việt Nam phải đối mặt. Thông qua đó, báo chí có thể hỗ trợ Chính phủ và những nhà hoạch định chính sách trong việc đưa ra những quyết định sáng suốt hơn”, Giám đốc ILO khu vực CA – TBD khẳng định.

Đây là lần thứ ba Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Báo chí và Tuyên truyền phối hợp cùng ILO tổ chức giải báo chí thường niên về lĩnh vực lao động việc làm. Năm nay, giải thưởng nhận được hơn 250 tác phẩm, tăng khoảng 1/3 về số lượng so với năm trước.

Phó chủ tịch Hội đồng giải, PGS.TS Trương Ngọc Nam, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền, nhận xét: “Các tác phẩm dự giải năm nay nhìn chung có chất lượng tốt và khá đồng đều. Nội dung đã bám sát và tập trung vào những vấn đề thời sự nóng hổi... Nhiều nhà báo thực hiện các tác phẩm báo chí điều tra về những vấn đề mới phát sinh liên quan đến lao động việc làm.”

Còn theo PGS. TS. Phạm Văn Linh, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, giải thưởng không chỉ là nơi tôn vinh các nhà báo có các tác phẩm báo chí hay, có chất lượng về lao động, việc làm, mà còn là diễn đàn để các nhà báo cùng nhau trao đổi, thảo luận, đánh giá về thực trạng tình hình lao động Việt Nam, về kỹ năng làm báo về mảng đề tài này, từ đó có những đề xuất với các cơ quan chức năng ban hành các chính sách, giải pháp nhằm xây dựng một thị trường lao động hiệu quả, đủ sức cạnh tranh và đáp ứng yêu cầu hội nhập./.

Mai Đan