17 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội chủ yếu của TP. Hồ Chí Minh năm 2023
Trụ sở UBND TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Sơn Nam

Theo đó, về kinh tế, thành phố đề ra mục tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn (GRDP) đạt từ 7,5% - 8%; hoàn thành 100% chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước; duy trì tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GRDP trên 60%; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công phấn đấu đạt từ 95% trở lên; chi đầu tư cho khoa học và công nghệ của xã hội đạt bình quân từ 1,0%/GRDP trở lên; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt 7%/năm; phấn đấu tổng thu du lịch đạt 120 nghìn tỷ đồng; khách quốc tế đến thành phố đạt khoảng 4,5 - 5,0 triệu lượt.

Về xã hội, tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo nghề có chứng chỉ hoặc giấy chứng nhận đạt 86,45% trong tổng số lao động đang làm việc; giải quyết việc làm cho 300.000 lượt người, trong đó, tạo việc làm mới là 140.000 chỗ; tỷ lệ thất nghiệp đô thị dưới 4%.

Về đô thị, tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị đạt 13,88%, mật độ đường giao thông bình quân trên diện tích đất toàn thành phố đạt 2,38 km/km2 và tổng diện tích nhà ở xây dựng mới đạt 12,3 triệu m2, diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 22,23 m2/người.

Về cải cách hành chính, phấn đấu 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình (mức độ 4) trên Hệ thống giải quyết thủ tục hành chính của thành phố.

Kế hoạch cũng chỉ ra một số nhiệm vụ trọng tâm nhằm thực hiện hiệu quả chủ đề năm 2023, trong đó tập trung đổi mới phương thức, hiện đại hóa công tác điều hành của chính quyền thành phố. Rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật nhằm hoàn thiện thể chế về tồ chức, bộ máy và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Xây dựng nền công vụ chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động và hiệu quả...

Quyết định nêu rõ, mục tiêu cốt lõi đặt ra cho năm 2023 là thực hiện các giải pháp đột phá nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp… Chủ động, sáng tạo trong điều hành, thúc đẩy phát triển kinh tế, thích ứng linh hoạt với tình hình trong nước và quốc tế. Phát triển kinh tế số và hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, nâng cao tỷ trọng kinh tế số đóng góp vào tăng trưởng GRDP; triển khai có hiệu quả mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế đêm phù hợp với xu thế phát triển của kinh tế số; thực hiện Đề án thu hút các dự án FDI trọng điểm; huy động hiệu quả nguồn kiều hối phục vụ sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế thành phố.