>> Hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số được vay vốn tín dụng ưu đãi

Theo đó, đề án thực hiện tại 194 thôn, bản sinh sống tập trung các dân tộc thiểu số ít người trên địa bàn 93 xã thuộc 37 huyện của các tỉnh Cao Bằng, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hà Giang, Yên Bái, Tuyên Quang, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Kon Tum.

Đề án nhằm hướng tới duy trì, phát triển vị thế của các dân tộc thiểu số rất ít người; xóa đói giảm nghèo, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào một cách bền vững nhằm giảm dần sự chênh lệch về khoảng cách phát triển với các dân tộc khác trong vùng; xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các thôn, bản nơi sinh tập trung của đồng bào dân tộc rất ít người; góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Một số chỉ tiêu hướng tới là: Giảm tỷ lệ hộ nghèo 7%- 8%/năm. Hộ nghèo được xác định theo quyết định 59/2015/QĐ-TTg về chuẩn hộ nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 -2020.

Đến năm 2025 mức sống bình quân của các dân tộc rất ít người tương đương với các dân tộc khác trong vùng, dân tộc nào cũng có cán bộ tham gia trong hệ thống chính trị ở cơ sở.

Đến năm 2025, 100% thôn, bản có hệ thống cầu đường giao thông đi được 4 mùa trong năm tới trung trung tâm xã; có lớp học kiên cố, nhà công vụ cho giáo viên và nhà sinh hoạt cộng đồng; có điện, có công trình nước tập trung, thủy lợi tưới tiêu để phục vụ sản xuất theo định hướng tiêu chí nông thôn mới; 100% số hộ gia định được hỗ trợ phát triển sản xuất, khuyến nông, khuyến lâm.

Tổng kinh phí thực hiện đề án là 1.861 tỷ đồng. Trong đó ngân sách trung ương hỗ trợ là 1.542 tỷ đồng; lồng ghép từ các chính sách, chương trình mục tiêu quốc gia là 264 tỷ đồng; ngân sách địa phương cân đối là 55 tỷ đồng.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành cân đối, bố trí kinh phí sự nghiệp theo kế hoạch hàng năm cho các tỉnh có đề án, đồng thời phối hợp với Ủy ban Dân tộc trong công tác kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện./.

Vĩnh Thái