PV: Theo ông, nền kinh tế trong năm 2023 sẽ có những yếu tố chính nào có thể tác động đến lạm phát, thể hiện ở cả 2 mặt tích cực và tiêu cực?
Ông Trần Đức Anh |
Ông Trần Đức Anh: Lạm phát hiện đã có dấu hiệu tạo đỉnh theo đà giảm của giá dầu trong năm 2022. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, lạm phát tại nhiều quốc gia trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng sẽ không sớm hạ nhiệt như kỳ vọng, mà duy trì ở mức cao dai dẳng trong năm tới.
Có 3 lý do khiến lạm phát chưa thể hạ nhiệt. Về yếu tố trong nước, Bộ Công thương hiện đang xây dựng lộ trình tăng giá điện trong năm 2023. Giá một số mặt hàng và dịch vụ công được Nhà nước quản lý như y tế, giáo dục… cũng đang được cân nhắc điều chỉnh, sẽ làm gia tăng áp lực lạm phát trong năm 2023. Bên cạnh đó, việc VND mất giá mạnh trong giai đoạn tháng 9-10/2022 sẽ làm gia tăng áp lực lên chi phí sản xuất và chỉ số giá tiêu dùng, tuy có độ trễ nhất định nhưng sẽ dần được phản ánh trong quý I và quý II/2023.
Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất kinh doanh của Trung Quốc trở lại bình thường làm gia tăng nhu cầu tiêu thụ nguyên vật liệu thô. Đây vừa là yếu tố hỗ trợ giá các loại hàng hoá trong năm 2023, nhưng cũng đồng thời là rủi ro khiến cho lạm phát tăng trở lại.
Lý do thứ ba có thể ảnh hưởng đến lạm phát là chi phí sản xuất của nhiều mặt hàng được đánh giá sẽ tiếp tục tăng sẽ làm gia tăng áp lực lạm phát trong dài hạn.
Nguồn: TTXVN |
PV: Ông có dự đoán như thế nào về xu hướng lãi suất trong năm 2023?
Ông Trần Đức Anh: Một trong những nguyên nhân chính khiến cho chỉ số VNIndex diễn biến tiêu cực trong năm 2022 là do tăng trưởng cung tiền ở mức thấp kỷ lục. Điều này đã khiến cho thanh khoản trong hệ thống ngân hàng và cả nền kinh tế căng thẳng, đồng thời, đẩy mặt bằng lãi suất lên cao. Những yếu tố ngoại biên như áp lực tỷ giá và lạm phát được dự báo bớt căng thẳng hơn trong năm 2022, kết hợp với một số điều kiện trong nước thuận lợi như NHNN có khả năng mua vào USD, hay đẩy mạnh giải ngân đầu tư công sẽ giúp cho thanh khoản trong nền kinh tế được cải thiện và mặt bằng lãi suất trong nước hạ nhiệt dù vẫn duy trì ở mức cao.
Những nhóm ngành nào đang có lợi thế để đón đầu? Theo ông Trần Đức Anh, với kỳ vọng đẩy mạnh giải ngân đầu tư công trong năm 2023, những doanh nghiệp xây dựng hạ tầng, khai thác đá và sản xuất xi măng là những ngành có lợi thế. Bên cạnh đó, việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ giúp cho số lượng chuyến bay quốc tế gia tăng và giúp cho kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp thuộc ngành hàng không được cải thiện. Nhu cầu tiêu thụ nguyên vật liệu đầu vào như dầu thô và thép được cải thiện cũng giúp cho triển vọng của ngành dầu khí và vật liệu xây dựng được đánh giá khả quan hơn. |
PV: Trong bối cảnh này, bức tranh của thị trường chứng khoán sẽ như thế nào? Cơ hội cho thị trường này phục hồi có thể sẽ xuất hiện từ thời điểm nào và lý do vì sao thưa ông?
Ông Trần Đức Anh: Chúng tôi cho rằng, thị trường sẽ có cơ hội mở rộng thêm đà hồi phục vào quý I/2023, tiếp nối đà hồi phục từ cuối năm 2022, với kỳ vọng vào 2 động lực chính. Đó là Trung Quốc mở cửa hoàn toàn nền kinh tế và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) chấm dứt chu kỳ tăng lãi suất sau kỳ họp tháng 3.
Tuy nhiên, bước sang quý II là thời điểm các lo ngại suy thoái kinh tế sẽ gây áp lực lên thị trường chứng khoán toàn cầu khi hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp có dấu hiệu suy yếu rõ ràng hơn, áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp lớn khiến rủi ro thị trường gia tăng và chỉ số VNIndex đứng trước nguy cơ quay lại xu hướng điều chỉnh.
Giai đoạn nửa cuối 2023, sự chú ý của thị trường sẽ tập trung vào khả năng nới lỏng chính sách của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới, cũng như mức độ suy thoái của kinh tế Mỹ và EU.
Kịch bản cơ sở với 1 cuộc suy thoái nhẹ xảy ra, đủ để các ngân hàng trung ương đảo ngược chính sách, trong khi không gây tổn thất quá lớn đến kinh tế toàn cầu. Theo đó, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ có cơ hội hồi phục trở lại với động lực đến từ động thái nới lỏng chính sách của các ngân hàng trung ương, trong khi nền tảng vĩ mô trong nước duy trì ổn định.
PV: Xin cảm ơn ông!