Tạo đột phá về hạ tầng

5 dự án được Quốc hội đưa vào chương trình nghị sự xem xét, quyết định chủ trương đầu tư tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV đang diễn ra, gồm: đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội; đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh; đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo.

Trong đó có tới 4 dự án đường cao tốc kết nối với các vùng động lực tăng trưởng của cả 3 miền. Đó là đường vành đai 4 Thủ đô Hà Nội; vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh; cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ được kỳ vọng tạo bứt phá, nâng cao năng lực vận chuyển, hỗ trợ tích cực phát triển kinh tế thời gian tới và tháo gỡ những hạn chế về hạ tầng giao thông hiện nay.

Nguồn: Quốc hội Đồ họa: Hồng Vân
Nguồn: Quốc hội Đồ họa: Hồng Vân

Theo các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đây là những dự án giao thông quan trọng kết nối liên vùng, nội vùng, kết nối giao thông toàn quốc. Các công trình này chính là đột phá về hạ tầng để bù đắp, tăng tốc phát triển trong thời gian tới.

ĐB Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) nhất trí cao với dự án đầu tư dự án đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh và đường Vành đai 4 vùng thủ đô. ĐB cho rằng, đây là các quyết sách cần thiết, kịp thời của Quốc hội để phục hồi kinh tế sau đại dịch và hiện thực hóa rõ ràng hơn về những giải pháp và hành động để đạt mục tiêu năm 2030 - 2045 của đất nước”.

Cũng theo vị ĐB này, cử tri và nhân dân rất quan tâm, kỳ vọng và mong đợi các dự án quan trọng quốc gia được Quốc hội thông qua và sớm được triển khai thực hiện. Ý kiến này nhận được sự đồng tình của nhiều ĐB, bởi trên thực tế, cả 2 dự án đều đầy đủ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn và đã được phân tích rất kỹ.

Băn khoăn nguồn vốn địa phương

ĐB Nguyễn Trúc Sơn (Bến Tre) đánh giá Chính phủ đã trình dự án rất kịp thời, thể hiện sự quan tâm đặc biệt đối với hai đầu tàu kinh tế của cả nước, đồng thời bày tỏ hy vọng khi triển khai, 2 dự án sẽ tạo động lực mạnh mẽ, kích thích sự phát triển của các tỉnh trong vùng Thủ đô Hà Nội và vùng TP. Hồ Chí Minh.

Quan tâm đến nguồn vốn thực hiện, ĐB Nguyễn Trúc Sơn cho rằng, 2 dự án này có nguồn vốn đầu tư rất lớn, lần đầu tiên có sự phối hợp đồng bộ trong sử dụng nguồn vốn trung ương với nguồn vốn địa phương và có cơ chế đặc thù huy động nguồn vốn hợp pháp khác. Tuy nhiên, nguồn vốn trung ương đã được xác định rất cụ thể, nhưng nguồn vốn các địa phương thì lấy từ nguồn vốn tăng thu, trong khi kế hoạch đầu tư công trung hạn của các tỉnh, thành phố đều đã được bố trí chặt chẽ, đầy đủ danh mục các dự án.

Đường Vành đai 4 vùng Thủ đô thu hút được nhà đầu tư tiềm năng

Báo cáo giải trình làm rõ thêm những băn khoăn của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, chủ trương đầu tư là xã hội hóa, kêu gọi các nguồn lực của xã hội để tham gia cùng Nhà nước để đầu tư hạ tầng. Vành đai 4 vùng Thủ đô đã thu hút được các nhà đầu tư có tiềm năng.

Tuy nhiên, đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh mặc dù có nghiên cứu đầu tư PPP nhưng chưa thu hút được nhà đầu tư. “Trong khi đây là dự án có tính cấp bách, quan trọng, trông chờ vào đầu tư tư nhân là rất khó do đó đã chuyển sang đầu tư công” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay.

“Nếu tăng thu thì phải phụ thuộc vào thu ngân sách hàng năm theo dự toán trung ương giao. Nguồn tăng thu còn dùng cho quỹ cải cách tiền lương, dành cho nhiều mục tiêu khác như trả nợ công, chi cho an sinh xã hội…” - ĐB Nguyễn Trúc Sơn băn khoăn. Vì vậy, ĐB đề nghị trung ương quan tâm tạo điều kiện cho các tỉnh, thành phố có sự tăng thu để đáp ứng được cơ cấu nguồn vốn này. ĐB cũng đề nghị đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tạo cơ chế đặc thù để các địa phương chủ động triển khai các dự án đạt tiến độ đúng theo yêu cầu đặt ra.

Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) cho rằng, 2 công trình “để đời cho con cháu” cần giao Thủ tướng Chính phủ giữ vai trò như “nhạc trưởng”, chỉ đạo chung và chỉ định thầu. Bởi theo ông, nếu giao cho các địa phương sẽ dễ dẫn tới tình trạng “xôi đỗ” và không đồng nhất; đồng thời cũng nên dành nguồn vốn thích đáng cho 2 dự án này, trong đó phải tìm đơn vị thiết kế có tiếng trên thế giới để thiết kế và tư vấn...

“Lộ thông thì tiền sẽ thông”

Qua thảo luận tại tổ và hội trường cho thấy, nhiều ĐBQH còn bày tỏ lo ngại khi cùng một lúc thực hiện 5 dự án cao tốc, đường vành đai, nhất là trong bối cảnh giá cả nguyên nhiên vật liệu, hàng hóa tăng cao, tổng vốn đầu tư tăng cao, sẽ gây áp lực lên ngân sách. Các đại biểu cũng lưu ý, cần tính đến khả năng đáp ứng nguồn vốn. Do đó, Chính phủ cần làm rõ vấn đề này và cần có đầu tư trọng tâm, trọng điểm, dứt điểm với từng dự án, tránh đầu tư dàn trải dẫn tới tình trạng thiếu vốn, chậm tiến độ, gây lãng phí lớn như đã từng xảy ra thời gian qua.

Không phải ngẫu nhiên các ĐBQH băn khoăn về vấn đề này, bởi việc thực hiện tuyến đường Hồ Chí Minh đã gần 20 năm chưa thông tuyến, số vốn còn lại cần bố trí cũng không nhiều.

Trao đổi với các phóng viên bên hành lang Quốc hội, ĐB Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh) bày tỏ sự ủng hộ với chủ trương đầu tư 5 dự án trọng điểm này. Theo ông Trần Hoàng Ngân, đây là những dự án rất quan trọng và có ý nghĩa cấp bách, đặc biệt là dự án Đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh kết nối vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam - quyết định tới 40% tổng thu ngân sách của cả nước, hay Đường Vành đai 4 của Thủ đô Hà Nội kết nối với vùng đồng bằng Bắc Bộ và các vùng động lực tăng trưởng.

Theo ông Trần Hoàng Ngân, chưa bao giờ ngành Giao thông đặc biệt được quan tâm như hiện nay. Mặc dù đây là việc đã muộn nhưng vẫn cần phải ưu tiên bởi vì “lộ thông thì tiền sẽ thông”. Giao thông thuận tiện sẽ thúc đẩy giao thông hàng hóa, giúp con người đi lại thuận tiện, từ đó thúc đẩy du lịch phát triển và đặc biệt hơn là nó sẽ làm giảm chi phí logistics, giảm chi phí vận chuyển hàng hóa - đây vốn là điểm khiến đánh giá năng lực cạnh tranh quốc tế Việt Nam còn rất thấp.

Tuy nhiên, mối băn khoăn lớn hiện nay là trong bối cảnh giá cả hàng hóa hiện nay đang lên cao, tổng vốn đầu tư tăng lên thì sẽ gây áp lực và liệu rằng nguồn vốn chúng ta có đáp ứng được hay không, nguồn nhân lực tính toán như thế nào…

Bên cạnh đó, có nhiều ý kiến quan tâm đến công tác đền bù, giải phóng mặt bằng vì đây là các dự án lớn, các tác động của nó sẽ rất lớn trên phạm vi rộng tới nhiều người dân. Ngoài ra, khi mở đường, tạo ra chênh lệch giá trị đất đai, nếu không có biện pháp khai thác thì nguồn lực này sẽ bị lãng phí. Do đó, cùng với việc phê duyệt chủ trương xây dựng tuyến đường, Chính phủ cần đề xuất với Quốc hội có một cơ chế đặc thù để khai thác nguồn lực này. Theo đó, cơ chế này được thực hiện theo phương thức: cùng với việc quy hoạch chi tiết xây dựng các tuyến đường vành đai này thì quy hoạch đồng thời khu vực hai bên đường hình thành nên các khu đô thị hiện đại, trung tâm thương mại. Khi tiến hành đấu thầu các dự án này sẽ khai thác được nguồn lực, thu về cho ngân sách nhà nước.