Liên tục tăng chi cho an sinh xã hội

Thống kê cho thấy, trong giai đoạn 2012 - 2020, tổng chi từ ngân sách trung ương cho các chính sách an sinh xã hội ước khoảng 1.148.576 tỷ đồng, mức chi tăng đều hàng năm, từ 97.529 tỷ đồng năm 2012, tăng lên 183.174 tỷ đồng năm 2020.

Chi cho an sinh xã hội giai đoạn này đạt bình quân 9,55% tổng chi ngân sách, tương đương 2,72% GDP; năm 2021 do ngân sách tập trung cho phòng chống dịch Covid-19 và một số chương trình lớn đang trong giai đoạn chuẩn bị, chưa triển khai nên kinh phí chi cho an sinh xã hội giảm xuống còn 143.945 tỷ đồng, tương ứng chiếm 7,76% tổng chi ngân sách, tương đương 2,28% GDP.

Trong khi đó chi cho các chính sách ưu đãi người có công trong giai đoạn 2012 - 2021 có tổng kinh phí là khoảng 320.851 tỷ đồng, chiếm 2,3% tổng chi ngân sách, tương ứng với 0,66% GDP.

An sinh xã hội phải huy động bằng nhiều nguồn lực tài chính
Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Văn Chung

Tuy nhiên, đây là con số chưa đầy đủ do khoản chi từ ngân sách nhà nước cho an sinh xã hội được phân cấp mạnh về địa phương. Số liệu trên chỉ bao gồm phần ngân sách trung ương theo báo cáo của Bộ Tài chính và tổng hợp từ một số bộ, ngành, chưa bao gồm nguồn địa phương tự cân đối cũng như phần ngân sách địa phương bố trí cho các chương trình riêng được cấp tỉnh ban hành.

Một số chương trình có tổng chi lớn gồm: Chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội cho người nghỉ hưu trước 1995: mặc dù số đối tượng hưởng giảm dần hàng năm nhưng mức hưởng lương hưu của các đối tượng được điều chỉnh tăng định kỳ nên khoản chi này vẫn tăng từ 38.346 tỷ năm 2012 lên 45.252 tỷ năm 2020, giảm xuống còn 43.631 nghìn tỷ vào năm 2021. Tổng khoản chi này chiếm khoảng 0,9% GDP trong giai đoạn 2012 - 2021.

Hay như hỗ trợ bảo hiểm y tế cho các nhóm đối tượng: cùng với sự mở rộng độ bao phủ của bảo hiểm y tế, các đối tượng được hỗ trợ tham gia cũng tăng lên và tổng chi cho chương trình này cũng tăng đáng kể. Giai đoạn 2012-2021, tổng ngân sách của chương trình là 337.607 tỷ đồng, chiếm khoảng 0,61% GDP.

Chính sách trợ giúp xã hội (gồm thường xuyên, đột xuất và chăm sóc xã hội), đây là chương trình có mức tăng trưởng về ngân sách cao trong giai đoạn 2012 - 2022 do có nhiều lần điều chỉnh mở rộng đối tượng thụ hưởng và nâng mức hưởng. Năm 2012, tổng chi của chương trình là 5.796 tỷ đồng đã tăng lên 26.478 tỷ đồng vào năm 2022.

Tổng chi của chương trình giai đoạn 2012 - 2022 ước khoảng 0,27% GDP. Tổng kinh phí này chưa bao gồm hỗ trợ lương thực và các hàng hóa thiết yếu (hỗ trợ bằng hiện vật) trong trợ giúp xã hội đột xuất.

Các chính sách hỗ trợ giáo dục: Có nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ giáo dục cho các nhóm đối tượng khác nhau, tập trung tăng cường tiếp cận cho các nhóm yếu thế như trẻ em trong hộ nghèo, dân tộc thiểu số, vùng khó khăn, trẻ em khuyết tật… Các chương trình này cũng được điều chỉnh, bao gồm thêm mới, tích hợp, bổ sung đối tượng, nâng mức hưởng…

Tổng các khoản chi này tăng đều trong giai đoạn 2012 - 2022, từ khoảng 7.569 tỷ đồng năm 2012 tăng lên khoảng 19.255 tỷ đồng năm 2021. Tổng chi trong giai đoạn này ước khoảng 0,24% GDP, chưa bao gồm các chương trình miễn giảm học phí và hỗ trợ do chính quyền địa phương thực hiện… Đối với các chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình mục tiêu, tổng chi trong giai đoạn 2012 - 2021 ước khoảng 190.768 tỷ đồng, ước khoảng 0,39% GDP.

Phân cấp mạnh cho địa phương

Các chính sách an sinh xã hội được thực hiện bằng nhiều nguồn tài chính khác nhau gồm ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và nguồn huy động ngoài ngân sách. Theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, ngân sách nhà nước bố trí nguồn lực thực hiện các chính sách an sinh xã hội trong các lĩnh vực chi.

Nguồn lực chủ yếu được bố trí từ nguồn đảm bảo xã hội do ngân sách địa phương thực hiện. Đối với các tỉnh chưa tự cân đối được ngân sách để đảm bảo nguồn lực đáp ứng yêu cầu thực hiện các chính sách đã ban hành, ngân sách trung ương cấp bù bổ sung theo dự toán. Ngoài phần chi thường xuyên theo dự toán, cũng bố trí ngân sách theo mục tiêu để thực hiện một số chương trình cụ thể ví dụ các chương trình mục tiêu quốc gia.

An sinh xã hội phải huy động bằng nhiều nguồn lực tài chính
Nhiều địa phương đã chủ động cân đối, bố trí thêm nguồn lực để mở rộng các chính sách do Trung ương quy định.

Nguồn ngân sách cho an sinh xã hội được phân cấp mạnh cho các địa phương đã đề cao trách nhiệm và tạo điều kiện cho chính quyền địa phương chủ động quản lý, sử dụng, lồng ghép các nguồn lực thực hiện chính sách ở các cấp. Nhiều địa phương đã chủ động cân đối, bố trí thêm nguồn lực để mở rộng các chính sách do Trung ương quy định, ban hành thêm các chính sách đặc thù của địa phương.

Về huy động nguồn lực xã hội, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 93/2021/NĐ-CP về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Nghị định ban hành với một số sửa đổi, bổ sung đã tạo tính pháp lý chặt chẽ hơn, góp phần thúc đẩy hoạt động từ thiện minh bạch, công khai, giúp đỡ đúng người, đúng đối tượng, xây dựng niềm tin trong xã hội, phát huy truyền thống nhân đạo "Lá lành đùm lá rách" lâu đời của dân tộc Việt Nam.

Một nguồn ngoài ngân sách quan trọng là các quỹ hình thành trên nguyên tắc đóng hưởng gồm: Quỹ bảo hiểm xã hội, Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, Quỹ bảo hiểm y tế. Các quỹ này là quỹ tài chính độc lập với ngân sách nhà nước, được hình thành từ đóng góp của các đối tượng tham gia; hỗ trợ của Nhà nước cho các đối tượng được miễn giảm đóng và hỗ trợ chế độ từ ngân sách; nguồn đầu tư quỹ và các nguồn hợp pháp khác.

Các nguồn tín dụng ưu đãi dành riêng cho nhóm yếu thế khác được ban hành theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác cùng với việc ra đời của Ngân hàng Chính sách xã hội đã tách tín dụng ưu đãi ra khỏi tín dụng thương mại, trở thành một nguồn lực quan trọng đóng góp vào công cuộc giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội.

Chính phủ đặc biệt chăm lo người dân, đảm bảo an sinh xã hội

Đặc biệt trong các năm 2020 - 2022, Chính phủ đã tập trung nguồn lực để chăm lo cho người dân vượt qua đại dịch Covid-19 góp phần đảm bảo an sinh xã hội, trật tự, an toàn xã hội và ổn định đời sống nhân dân.

Năm 2020 ngân sách đã chi khoảng 12.292 tỷ đồng để hỗ trợ cho trên 11 triệu đối tượng theo Nghị quyết 42/NQ-CP. Năm 2022, thực hiện hỗ trợ cho các đối tượng theo Nghị quyết 68/NQ-CP, ngân sách nhà nước đã chi 21.335 tỷ đồng để hỗ trợ bằng tiền trực tiếp cho gần 18,27 triệu lượt đối tượng. Năm 2022, hoàn thành hỗ trợ tiền thuê nhà ở cho người lao động theo Quyết định 08/QĐ-TTg, hỗ trợ cho gần 100 nghìn doanh nghiệp, người sử dụng lao động và trên 4 triệu lao động với tổng kinh phí khoảng 2 nghìn tỷ đồng.

Nhìn chung ngân sách nhà nước đã được huy động để thực hiện an sinh xã hội cho người dân, các khoản chi này được thực hiện dựa trên hệ thống các chính sách, chương trình được ban hành và nguồn lực phân bổ theo dự toán được phê duyệt.

Về các nguồn ngoài ngân sách, cũng cần có sự thu thập, quản lý và phân tích dữ liệu phù hợp. Trong dài hạn cần xây dựng một nền tảng chung để chia sẻ, điều phối nguồn lực xã hội hóa từ các tổ chức, cá nhân, cộng đồng, tránh chồng chéo, trùng lặp và gây ra chênh lệch giữa các nhóm cần hỗ trợ, làm giảm hiệu quả.

Cần theo dõi, tổng hợp các nguồn tài chính đã, đang được huy động, so sánh với nhu cầu và tính toán các phương án phù hợp dựa trên dữ liệu tốt, đáng tin cậy; các thông tin quan trọng này được sử dụng để vận động nguồn lực từ ngân sách các cấp và các nhà tài trợ phi chính phủ.

Chính sách an sinh xã hội khẳng định vai trò là xương sống của hệ thống chính sách xã hội trong phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục các rủi ro của người dân trong cuộc sống, tạo động lực để phát triển bền vững. Hệ thống chính sách, pháp luật đã được nhanh chóng sửa đổi, bổ sung hoàn thiện.