an toan so

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Văn Nam.

Chiều 19/4, tại Hà Nội, Trung tâm nghiên cứu Truyền thông Phát triển (RED) tổ chức hội thảo “An toàn số cho nhà báo”.

Hội thảo có nội dung nhận diện và làm rõ các nguy cơ ảnh hưởng đến nhà báo khi hoạt động trong môi trường số. Từ việc nhận diện nguy cơ, các chuyên gia tìm ra các giải pháp phòng chống, khắc phục và xử lý vấn đề, đồng thời chia sẻ những kiến thức, kỹ năng cơ bản góp phần tăng cường an toàn tác nghiệp cho nhà báo trong môi trường số.

Theo TS. Vũ Tuấn Anh (Học viện Ngoại giao), 12 vấn đề an toàn số với nhà báo của UNESCO, trong đó nhà báo phải đối mặt với việc có thể bị giám sát; bị khai thác phần cứng và phần mềm; tấn công lừa đảo; tấn công bằng tên miền giả mạo.

Cùng lúc, họ cũng có thể bị xâm phạm tài khoản của người sử dụng; hăm dọa, quấy rối online; bôi nhọ và xóa thông tin; chiếm đoạt các sản phẩm báo chí; vi phạm sở hữu trí tuệ, bản quyền ngày càng tăng…

Nói về các nguy cơ tác động tới nhà báo từ môi trường số, ông Nguyễn Bá - Phó Tổng biên tập báo điện tử Infonet nhấn mạnh, việc các phóng viên gặp rất nhiều nguy cơ mất an toàn số khi tham gia các hoạt động trên mạng xã hội (chủ yếu là Facebook).

Trong thời đại báo chí đa phương tiện, đặc biệt là với báo chí điện tử, thì dữ liệu, thông tin số vừa là tư liệu, vừa là sản phẩm, tài sản chủ yếu của báo chí; mặt khác, ngành báo chí không thuộc lĩnh vực khoa học - công nghệ nên kiến thức, kỹ năng về an toàn số của nhà báo, phóng viên còn nhiều hạn chế.

Sau khi nhận diện các nguy cơ, nhiều ý kiến tham gia đã chia sẻ, thảo luận về các giải pháp đảm bảo an toàn khi hoạt động trong môi trường số bằng nhiều câu chuyện, bài học thực tế. Những vấn đề đặt ra tại hội thảo như một sự cảnh tỉnh về ý thức tự bảo vệ của nhà báo khi hoạt động trong môi trường số, từ đó tìm ra và áp dụng những biện pháp phòng ngừa các nguy cơ mất an toàn số./.

Văn Nam