Áp lực lên tỷ giá USD/VND đang lớn dần

Theo số liệu thống kê từ Công ty Chứng khoán MB (MBS), tính tới thời điểm cuối tháng 2/2022, tỷ giá USD/VND tiếp tục tăng nhẹ, do những biến động trên thị trường quốc tế. So với cuối tháng 1, tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do tăng 80 đồng/USD và hiện giao dịch ở mức 23.475 đồng/USD. Tỷ giá trung tâm và liên ngân hàng lần lượt giao dịch ở mức 23.140 đồng/USD, tăng 41 đồng/USD và 22.980 đồng/USD, tăng 99 đồng/USD. USD đang tăng giá so với đồng VND theo xu hướng cùng với các đồng tiền khác trong khu vực.

Áp lực lên tỷ giá lớn dần, nhưng Việt Nam vẫn có “bộ đệm” tốt để ổn định

Đồng USD dự báo sẽ tăng giá và tạo áp lực lên việc điều hành tỷ giá trong thời gian tới.

Sang tuần đầu tháng 3/2022, tâm điểm của thị trường tài chính toàn cầu vẫn đang tiếp tục xoay quanh xung đột giữa Nga – Ukraine và các biện pháp trừng phạt kinh tế của các nước. Diễn biến căng thẳng dư địa chính trị và quan hệ kinh tế toàn cầu đã khiến các đồng tiền trú ẩn an toàn đều tăng so với trước đó, trong đó, điển hình là đồng USD khi chỉ số Dollar-Index tăng 1,5% chỉ trong tuần đầu tháng.

Đối với tỷ giá USD/VND trong nước, theo ghi nhận chưa có diễn biến tăng đột biến do Việt Nam không chịu tác động trực tiếp. Tuy nhiên theo các chuyên gia, áp lực đối với đồng VND đã phần nào xuất hiện trong thời gian qua, khi đồng USD có xu hướng mạnh lên ở thị trường quốc tế và áp lực lạm phát cao hơn từ giá năng lượng tăng.

Theo các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCBS), từ nay cho tới khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hiện thực hóa các kỳ vọng với lần tăng lãi suất đầu tiên ngay trong tháng 3, lãi suất liên ngân hàng nhiều khả năng sẽ duy trì xung quanh mặt bằng hiện tại và sẽ mất một khoảng thời gian đáng kể để mặt bằng lãi suất liên ngân hàng hạ nhiệt, trở về lại ngưỡng cuối năm 2021. “Nhận định này càng được củng cố khi dự báo diễn biến liên quan đến tỷ giá và dòng vốn đầu tư vào Việt Nam có thể không còn quá thuận lợi như năm 2021” – chuyên gia của VCBS cho biết thêm.

Biến động tỷ giá cho cả năm không quá lớn

Áp lực lên tỷ giá lớn dần, nhưng Việt Nam vẫn có “bộ đệm” tốt để ổn định

Trong một báo cáo vừa mới phát hành, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, cuộc họp chính sách tiền tệ của FED trong tháng 3 này là một sự kiện đáng quan tâm. Mặc dù vậy, với nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam ổn định và nguồn dự trữ ngoại hối lớn, BVSC đánh giá biến động của tỷ giá trong năm 2022 sẽ không quá lớn.

Trước đó, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) cũng đã đưa ra 3 yếu tố để minh chứng cho nguồn cung ngoại hối sẽ vẫn dồi dào trong năm 2022. Theo đó, tình trạng xuất siêu dự tính sẽ tiếp tục trong năm 2022 khi các yếu tố vĩ mô vẫn đang ủng hộ xu hướng xuất siêu của Việt Nam. Theo tính toán của BSC, con số này ước tính đạt 5,2 – 6,9 tỷ USD. Cùng với đó, nguồn kiều hối ước tính có tốc độ tăng trưởng trung bình 3 năm ở mức 4,4% và đạt 18,9 tỷ USD vào năm 2022.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước duy trì chính sách thu mua ngoại tệ nhằm nâng cao dự trữ ngoại hối. BSC cho rằng, tỷ giá liên ngân hàng nhiều khả năng sẽ nằm trong khoảng từ 23.100 – 23.200 đồng/USD (tăng 0,7% - 1,2% so với năm 2021). Theo các chuyên gia của BSC, có 2 lý do để đưa ra dự báo trên, đó là: FED dừng việc thu mua trái phiếu và nâng lãi suất 3 lần trong năm 2022 sẽ khiến nguồn cung USD suy giảm và từ đó, tăng mạnh giá trị đồng tiền này trên toàn cầu. Mỹ loại Việt Nam ra khỏi danh sách thao túng tiền tệ và quyết định gia tăng mối quan hệ thương mại song phương là tín hiệu tốt cho chính sách gia tăng dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước. “Điều này có thể đảm bảo biến động của tỷ giá nằm dưới biên độ 2% của Ngân hàng Nhà nước” – chuyên gia của BSC nhấn mạnh.

Giá VND có thể giảm so với USD nhưng sẽ không quá 2%

Các chuyên gia của VCBS duy trì quan điểm trước xu hướng thu hẹp chính sách tiền tệ nới lỏng của các ngân hàng trung ương, dẫn đầu là FED thì USD sẽ lên giá tương đối so với các đồng ngoại tệ khác. Như vậy, có khả năng các yếu tố về tỷ giá hay dòng vốn đầu tư vào Việt Nam sẽ không còn ghi nhận những diễn biến quá thuận lợi giống như năm 2021. Từ đó, VND nhiều khả năng ghi nhận mức giảm giá so với đồng USD trong năm 2022 với mức giảm không vượt quá 2%.