Lãi suất liên ngân hàng tăng sau động thái phát hành tín phiếu

Theo báo cáo thị trường tiền tệ tuần của SSI Research, trong tuần qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục sử dụng kênh phát hành tín phiếu trên hoạt động thị trường mở, với kỳ hạn linh hoạt hơn.

Cụ thể, kênh điều tiết này đã phát hành tổng 72,6 nghìn tỷ đồng tín phiếu 7 ngày với lãi suất 0,65% (giảm 5 điểm cơ bản so với tuần trước) và 35 nghìn tỷ đồng kỳ hạn 14 ngày với lãi suất 0,9%, trong khi đó có 69,6 nghìn tỷ đồng đáo hạn. Kênh mua kỳ hạn vẫn được sử dụng tương đối đều đặn, với tổng khối lượng phát hành là 1,17 nghìn tỷ ở kỳ hạn 14 ngày và lãi suất 2,5%. Tính chung trong tuần NHNN đã hút ròng tổng 37,7 nghìn tỷ đồng, giảm so với mức 70,2 nghìn tỷ trong tuần trước đó.

Ngân hàng Nhà nước tiếp tục sử dụng kênh phát hành tín phiếu trên hoạt động thị trường mở, với kỳ hạn linh hoạt hơn trong tuần qua. Sau 2 tuần hút ròng liên tục, lãi suất liên ngân hàng bật tăng, với kỳ hạn qua đêm kết tuần ở 0,87%, tăng 21 điểm cơ bản và 1 tuần ở 1,52%, tăng 62 điểm cơ bản.

Như vậy, sau 2 tuần hút ròng liên tục, lãi suất liên ngân hàng bật tăng, với kỳ hạn qua đêm kết tuần ở 0,87%, tăng 21 điểm cơ bản và 1 tuần ở 1,52%, tăng 62 điểm cơ bản. Chênh lệch lãi suất VND - USD đã được thu hẹp lại, tuy nhiên vẫn đang duy trì ở mức âm.

Số liệu mới cập nhật từ Tổng cục Thống kê cho thấy, so với cuối năm 2021, tính đến ngày 20/6, tín dụng tăng 8,51% (so với mức 5,47% vào 2021); cung tiền M2 tăng 3,3% (so với 3,48% vào 2021) và huy động vốn tăng 3,97% (so với 3,13% vào 2021).

Theo các chuyên gia của SSI Research, chỉ trong 6 tháng đầu năm, lượng tín dụng bơm mới vào thị trường đạt hơn 888 nghìn tỷ đồng, trong khi đó chỉ có 434 nghìn tỷ đồng được huy động thêm từ dân cư và các tổ chức kinh tế. Điều này rõ ràng tạo áp lực đáng kể lên mặt bằng lãi suất huy động trong thời gian qua.

Áp lực tăng lãi suất huy động cuối năm

Trên thực tế, các ngân hàng thương mại cổ phần cũng đã lần lượt điều chỉnh biểu lãi suất huy động với mức trung bình tăng từ 30 - 100 điểm cơ bản, chủ yếu vào giai đoạn cuối quý I, đầu quý II. Hai ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước là BIDV và Agribank vừa qua cũng đã tăng 10 điểm cơ bản cho kỳ hạn trên 12 tháng.

Trong nửa cuối năm 2022, các chuyên gia cho rằng, NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt và trong điều kiện phù hợp sẽ thông qua việc nới trần tín dụng cho các ngân hàng thương mại. “Tăng trưởng tín dụng trong năm 2022 ước tính đạt 15 - 16%. Mức tăng trưởng này là tăng trưởng danh nghĩa, thường có xu hướng cao hơn bình thường trong bối cảnh lạm phát. Áp lực tăng lãi suất huy động sẽ rơi về cuối năm, đặc biệt là khi tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn sẽ giảm từ 37% về 34% sẽ có hiệu lực từ ngày 1/10” – chuyên gia của SSI Research dự báo.

Điều chỉnh chính sách bán ngoại tệ

Trong tuần qua, đồng USD vẫn duy trì được sức mạnh của đồng trú ẩn an toàn (DXY tăng +0,9%), khi các đồng tiền khác giảm mạnh như EUR (-1,32%), GBP (-1,41%) trước những thông tin kém tích cực về lạm phát khu vực Euro.

Áp lực tăng lãi suất huy động cuối năm
Nguồn cung ngoại tệ kỳ vọng sẽ tích cực hơn theo yếu tố mùa vụ, đến từ hoạt động xuất – nhập khẩu và kiều hối. Ảnh: Minh họa.

Trên thị trường ngoại hối trong nước, đồng VND tiếp tục chịu áp lực mất giá trong tuần qua. Cụ thể, theo số liệu từ SSI Research, trên thị trường liên ngân hàng, USD/VND tăng 0,12% (lên 23.280 VND) và tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng thương mại tăng 50 đồng, kết tuần ở mức 23.130/23.440 VND/USD (mua vào/bán ra) – mức cao nhất kể từ tháng 5/2020.

Năm 2022, sức ép lên tỷ giá vẫn còn và có thời điểm VND có thể giảm 2,5 - 3% so với USD, nhưng tình hình sẽ dịu bớt vào cuối năm khi đà tăng lãi suất của FED có thể đi vào giai đoạn cuối và rủi ro về tăng trưởng/lạm phát của kinh tế thế giới có thể được nhìn nhận rõ ràng hơn.

Trái ngược, tỷ giá trên thị trường tự do tương đối ổn định và hiện giao dịch ở 23.940/23.970 VND và chênh lệch giữa 2 thị trường vẫn đang ở mức cao.

Đáng chú ý, trong sáng ngày 4/7, NHNN đã điều chỉnh chính sách bán ngoại tệ từ bán kỳ hạn không hủy ngang 3 tháng sang bán giao ngay và nâng giá mua tại sàn NHNN lên 23.400 VND, tương đương với việc tỷ giá VND/USD tăng 2,5% so với cuối năm 2021. Đánh giá về đồng thái điều chỉnh chính sách này của NHNN, các chuyên gia của SSI Research cho rằng: “Bên cạnh việc giảm áp lực lên mặt bằng lãi suất, còn có thể quản lý được dòng vốn ngoại tệ trong hệ thống khi các ngân hàng thương mại phải chủ động về nguồn ngoại tệ giao ngay. Trước đó, NHNN cũng đã điều chỉnh từ bán kỳ hạn hủy ngang về bán kỳ hạn không hủy ngang nhằm hạn chế tình trạng trên”.

Về cuối năm, các chuyên gia này kỳ vọng nguồn cung ngoại tệ sẽ tích cực hơn theo yếu tố mùa vụ, đến từ hoạt động xuất – nhập khẩu và kiều hối. Do vậy, “trong năm 2022 sức ép lên tỷ giá vẫn còn và có thời điểm VND có thể giảm 2,5-3% so với USD, nhưng tình hình sẽ dịu bớt vào cuối năm khi đà tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể đi vào giai đoạn cuối và rủi ro về tăng trưởng/lạm phát của kinh tế thế giới có thể được nhìn nhận rõ ràng hơn” – chuyên gia của SSI Research dự báo./.