Tỷ giá USD/VND liên ngân hàng có thêm tuần tăng mạnh

Báo cáo thị trường tiền tệ, trái phiếu tuần qua (15 – 19/4) của SSI Research cho biết, trên thị trường ngoại hối trong nước, tỷ giá USD/VND liên ngân hàng có một tuần tăng mạnh, khi tăng tới 2,7% trong một tuần và tương đương với việc tăng 4,8% so với cuối năm 2023.

Tỷ giá niêm yết của VCB và chợ đen cũng lần lượt vượt mức đỉnh lịch sử đã thiết lập trước đó và đóng cửa lần lượt ở 25.473 VND và 25.760 VND, tăng 4,3% và 4,0% so với cuối năm 2023.

Theo lý giải của SSI Research, bên cạnh đồng USD quốc tế mạnh lên, nhu cầu nhập khẩu tăng cao (cán cân thương mại thâm hụt 1 tỷ USD trong nửa đầu tháng 4) kết hợp với việc nhiều doanh nghiệp FDI có xu hướng chuyển lợi nhuận về nước đã góp phần đẩy tỷ giá tăng mạnh.

Áp lực thiếu cung vàng liệu có được giải tỏa sau đấu thầu vàng?
Đồng USD, thông qua chỉ số DXY ghi nhận tuần tăng thứ 3 liên tiếp và tăng tới 2,1%, đưa mức tăng từ đầu năm đến nay là 4,8%. Các đồng tiền chủ chốt đều giảm mạnh so với USD như EUR (-2,05%), GBP (-1,89%) hay JPY (-1,86%). Các đồng tiền trong khu vực châu Á cũng không đứng ngoài xu hướng giảm giá như KRW (-4,5%), TWD (-2,12%) hay THB (-1,57%).

Với việc tỷ giá liên ngân hàng đã chạm ngưỡng tỷ giá bán USD mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra (25.450 VND), cơ quan này cũng đã công bố phương án bán ngoại tệ cho các tổ chức tín dụng có trạng thái ngoại tệ âm để chuyển trạng thái ngoại tệ về 0, với mức bán tỷ giá can thiệp là 25.450 đồng. Tuy nhiên, không có giao dịch thành công trong tuần trước và tâm điểm sẽ tập trung vào các giao dịch trong tuần này.

Đối với diễn biến giá vàng, NHNN tổ chức đấu thầu vàng miếng trong tuần này với tổng khối lượng là 16,8 nghìn lượng cho phiên khởi điểm. “Với khối lượng đấu thầu không quá lớn, việc giải tỏa áp lực thiếu cung vàng miếng thông qua kênh này là không quá nhiều” – chuyên gia của SSI Research cho hay.

Áp lực thiếu cung vàng liệu có được giải tỏa sau đấu thầu vàng?

Được biết, theo kế hoạch, 10h sáng 22/4, NHNN sẽ đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng SJC, sau 11 năm dừng hoạt động này. Thế nhưng, cách thời gian mở thầu một tiếng, nhà điều hành thông báo hủy do "không có đủ số thành viên đăng ký dự thầu và chuyển tiền cọc". Việc đấu thầu vàng sẽ tiếp tục diễn ra trong ngày 23/4, với giá tham chiếu là 80,7 triệu đồng, giảm so với giá tham chiếu ngày hôm qua.

Lãi suất liên ngân hàng giảm nhẹ

Cũng trong tuần qua, thanh khoản hệ thống căng thẳng trong 2 ngày đầu tuần và kênh mua kỳ hạn đã được sử dụng với khối lượng lớn (12 nghìn tỷ đồng/phiên). Áp lực đã hạ nhiệt dần về cuối tuần và tổng cộng NHNN đã cung cấp 32,86 nghìn tỷ đồng thông qua kênh mua kỳ 7 ngày và lãi suất 4%.

Đồng thời, NHNN phát hành 13,1 nghìn tỷ tín phiếu, với mức lãi suất cao hơn (3,7%) trên tổng số 69,7 nghìn tỷ đáo hạn.

Như vậy, NHNN bơm ròng 79,5 nghìn tỷ đồng ra thị trường trong tuần qua bằng kênh thị trường mở, khối lượng tín phiếu NHNN lưu hành giảm về lên mức 66,45 nghìn tỷ đồng và khối lượng lưu hành trên kênh mua kỳ hạn ở mức 32,9 nghìn tỷ đồng. Lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm có diễn biến tương tự khi giảm dần về cuối tuần. Chốt phiên giao dịch ngày 19/4, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm đạt 4,2%. Chênh lệch lãi suất VND-USD thu hẹp lại chỉ còn khoảng -70 điểm cơ bản.

Áp lực thiếu cung vàng liệu có được giải tỏa sau đấu thầu vàng?

NHNN cho biết, tín dụng trong tháng 3/2024 đã tăng tích cực trở lại sau khi giảm trong 2 tháng đầu năm. Đến ngày 29/3, tín dụng nền kinh tế tăng 1,34% so với cuối năm 2023, tương đương với mức tăng khoảng 12,4% so với cũng kỳ.

Theo báo cáo lãi suất của các ngân hàng thương mại, đến ngày 31/3/2024, lãi suất tiền gửi bình quân của các giao dịch phát sinh mới ở mức 3,02%/năm, giảm 0,5% so với cuối năm 2023 và lãi suất cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới ở mức 6,5%/năm, giảm 0,6%/năm so với cuối năm 2023.

Về định hướng của chính sách tiền tệ trong thời gian tới, NHNN nhấn mạnh sẽ duy trì lãi suất phù hợp với diễn biến thị trường, kinh tế vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ./.