Áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường là cần thiết
Nguồn: Bộ Tài chính Đồ họa: Văn Chung

Nhiều nước áp thuế cao để giảm mức tiêu thụ

Mới đây, sau khi tổng hợp ý kiến đóng góp vào dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) sửa đổi, Bộ Tài chính đã có báo cáo tiếp thu, giải trình và hoàn thiện dự án luật gửi xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp.

Về đề xuất bổ sung mặt hàng đồ uống có đường vào đối tượng chịu thuế tại dự thảo luật, theo Bộ Tài chính, có 74 ý kiến nhất trí và có 26 ý kiến khác. Trong đó, Hội Lương thực, Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh; Hiệp hội Sữa; Hiệp hội Bia - Rượu – Nước giải khát Việt Nam; Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng; Cục Thuế TP. Cần Thơ; Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (Amcham) đề nghị chưa đưa mặt hàng đồ uống có đường vào đối tượng chịu thuế.

Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị loại trừ sữa và sản phẩm từ sữa, đồ uống có giá trị dinh dưỡng; cân nhắc áp dụng biện pháp hạn chế tiêu dùng đối với một số đồ uống có hàm lượng đường cao; quy định khái niệm “đồ uống có đường” tại luật.

Tiếp thu, giải trình các ý kiến, Bộ Tài chính cho biết, việc bổ sung thu thuế TTĐB đối với đồ uống có đường là thực hiện theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước đã nêu tại Nghị quyết số 07-NQ/TW, Nghị quyết số 20-NQ/TW, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội. Tác hại của mặt hàng đồ uống có đường đến sức khỏe con người cả về thể chất và tinh thần đã được các tổ chức quốc tế về y tế, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và Bộ Y tế Việt Nam đưa ra tài liệu chứng minh. Các tổ chức này đều khuyến nghị áp dụng thuế TTĐB đối với đồ uống có đường là giải pháp góp phần giảm tiêu dùng sản phẩm này.

Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện nay đã có khoảng 85 quốc gia trên thế giới áp dụng thuế đối với đồ uống có đường và việc áp dụng thuế TTĐB đối với đồ uống có đường đã mang lại hiệu quả. Cụ thể, như: Mexico, sau 2 năm áp dụng thuế TTĐB các hộ gia đình đã giảm 11,7% mua đồ uống có đường, tăng thu thuế thêm 2,6 tỷ USD. Thái Lan, sau 2 năm áp dụng thuế TTĐB, lượng tiêu thụ đồ uống có đường trung bình hàng ngày giảm 2,8% và một số công ty đã công bố kế hoạch từng bước cải tổ sản phẩm theo hướng giảm lượng đường.

Vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị giữ nguyên đề xuất bổ sung đồ uống có đường vào đối tượng chịu thuế TTĐB.

Áp thuế với đồ uống có đường đang trở nên cấp thiết

Theo một số chuyên gia kinh tế, có nhiều cách để bảo vệ người tiêu dùng khỏi các sản phẩm có hại cho sức khỏe nói chung, đồ uống có đường nói riêng, trong đó có việc điều chỉnh thuế TTĐB.

Loại trừ sữa khỏi đối tượng chịu thuế

Về đề nghị loại trừ sữa và sản phẩm từ sữa, cân nhắc áp dụng biện pháp hạn chế tiêu dùng đối với một số đồ uống có hàm lượng đường cao, Bộ Tài chính cho biết, sẽ loại trừ một số mặt hàng không thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt như: sữa; thực phẩm dạng lỏng dùng với mục đích dinh dưỡng; nước khoáng thiên nhiên và nước uống đóng chai, nước rau, quả và nectar (mật) rau, quả và sản phẩm từ cacao.

Trả lời báo chí mới đây, chuyên gia kinh tế, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, việc áp dụng thuế TTĐB đối với đồ uống có đường trở thành vấn đề cấp bách. Với mức tiêu thụ đồ uống có đường tính theo đầu người tại Việt Nam tăng nhanh như hiện nay, cần áp thuế TTĐB đối với loại đồ uống này nhằm điều chỉnh thói quen, nâng cao nhận thức về tiêu dùng đồ uống có đường; giảm thiểu tổn thất về kinh tế do tăng cân và béo phì và việc phát sinh các bệnh có liên quan. Qua đó, giảm gánh nặng chi phí y tế và tỷ lệ tử vong, đảm bảo sự phát triển khỏe mạnh, hài hòa, bền vững của các thế hệ tương lai của đất nước.

Trên thực tế, WHO đã đưa ra các phương án áp thuế TTĐB đối với đồ uống có đường nhằm tác động tới việc tiêu dùng. Trong đó, nếu áp dụng theo một trong các phương án của WHO là áp thuế 10% giá xuất xưởng (giá tiêu thụ sẽ tăng khoảng 5%; tiêu thụ sẽ giảm 216 triệu lít; thuế thu được khoảng 3.690 tỷ đồng), thì mức suy giảm sản lượng sản xuất và tiêu thụ chỉ bằng nửa mức tăng trưởng bình quân hàng năm. Như vậy, nếu áp mức thuế suất 10% như một số nước sẽ có tác động không quá lớn đến sản xuất và tiêu thụ đồ uống có đường. WHO cũng khuyến nghị, Việt Nam có thể xem xét áp dụng thuế đồ uống có đường ở mức 20% giá bán lẻ để giảm nguy cơ sức khỏe cho các thế hệ tương lai.

Hiện nay, Việt Nam chưa có thuế TTĐB đánh vào đồ uống có đường, sản phẩm này chỉ chịu ảnh hưởng của thuế giá trị gia tăng 10%. Trong khi các quốc gia phát triển và có tỷ lệ béo phì cao đều dần thực hiện việc áp dụng thuế TTĐB đối với đồ uống có đường. Nếu năm 2012 chỉ có khoảng 15 quốc gia, thì đến nay đã có ít nhất 67 quốc gia/vùng lãnh thổ đánh thuế đối với đồ uống có đường, trong đó 56 quốc gia áp thuế TTĐB; 9 nước áp thuế nhập khẩu; 2 nước áp thuế hàng hóa và dịch vụ.

Như vậy, đánh thuế TTĐB đối với các sản phẩm đồ uống có đường là một trong những biện pháp hiệu quả để định hướng tiêu dùng, giảm mức tiêu thụ đồ uống có đường, góp phần dự phòng và kiểm soát các bệnh không lây nhiễm.

Nhiều chuyên gia kinh tế đồng tình cho rằng, về bản chất, thuế TTĐB là đánh vào người tiêu dùng nhằm điều chỉnh hành vi tiêu dùng. Doanh nghiệp chỉ là người nộp hộ, nên ngoài mức suy giảm trong một thời gian ngắn về sản lượng, thì các doanh nghiệp trong ngành ít chịu các tác động khác./.