Hơn 220 nghìn tỷ đồng vốn tín dụng vào sản xuất

Ông Lê Ngọc Khánh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, năm 2023, Bà Rịa - Vũng Tàu đã cơ bản thực hiện mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đạt nhiều kết quả nổi bật, với tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 5,75%; thu nhập bình quân đầu người đạt 8.078 USD/người/năm, cao gần gấp đôi GDP bình quân đầu người cả nước (4.284 USD). Quy mô kinh tế đạt 366.456 tỷ đồng, tương đương 15,25 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 3,51% tổng GDP của cả nước.

Ông Lê Ngọc Khánh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (bên trái) tại hội nghị kết nối ngân hàng với các doanh nghiệp trên địa bàn. Ảnh: Việt Dũng.
Ông Lê Ngọc Khánh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (bên trái) tại hội nghị kết nối ngân hàng với các doanh nghiệp trên địa bàn. Ảnh: Việt Dũng.

Để đạt được những kết quả đó, có sự đóng góp của ngành ngân hàng với vai trò là kênh dẫn vốn phục vụ phát triển kinh tế địa phương. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) - Chi nhánh tỉnh đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện tốt việc cung ứng kịp thời hơn 220.000 tỷ đồng vốn tín dụng cho các dự án, phương án sản xuất kinh doanh khả thi, hiệu quả, đáp ứng đủ điều kiện vay theo quy định.

‘‘Doanh nghiệp cần tăng cường năng lực quản trị điều hành, tái cấu trúc hoạt động, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả, minh bạch tài chính; chuẩn hóa chế độ kế toán; cung cấp đầy đủ tài liệu để ngân hàng thương mại (NHTM) có cơ sở thẩm định, xem xét cho vay; đồng thời lựa chọn NHTM có mức lãi suất và điều kiện vay vốn phù hợp với tình hình hoạt động và nhu cầu của doanh nghiệp…’’ - ông Khánh đề nghị.

Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Chi nhánh Bà Rịa - Vũng Tàu, dư nợ tín dụng cả năm 2023 chiếm trên 90% nguồn vốn huy động. Trong năm, các tổ chức tín dụng đã triển khai nhiều đợt giảm lãi suất tiền gửi, tiền vay và áp dụng các chương trình, gói tín dụng ưu đãi lãi suất theo chỉ đạo của NHNN Việt Nam nhằm hỗ trợ DN, người dân phục hồi sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế, với doanh số cho vay cả năm đạt 222.473 tỷ đồng; tổng dư nợ tín dụng cho các thành phần kinh tế đạt 165.878 tỷ đồng, tăng 8,6% so với cuối năm 2022.

Nới lỏng điều kiện vay để tăng khả năng tiếp cận vốn

Tại Hội nghị kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp năm 2024 vừa được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức, ông Phạm Văn Triêm - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng, dù lãi suất ngân hàng đã giảm, nhưng các doanh nghiệp (DN) nhỏ, siêu nhỏ chịu chi phí, các khoản phí quy định ngân hàng trên các món vay còn cao, dẫn đến chi phí giá thành bị đội lên.

Bên cạnh đó, nhiều thủ tục chưa được xem xét nhanh làm DN lỡ kế hoạch, mất cơ hội đơn hàng sản xuất. Do đó, việc nới lỏng điều kiện vay, hình thức vay tín chấp là cần thiết.

Bà Rịa Vũng Tàu: Tìm giải pháp gia tăng nguồn vốn tín dụng vào nền kinh tế
Doanh nghiệp chế biến hải sản tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh tư liệu

Về vấn đề thông tin minh bạch lãi suất vay, lãi suất huy động và các khoản chi phí của ngân hàng, tạo lợi nhuận cho DN, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu mong được thông tin rộng rãi tới DN trên kênh chính thống nhà nước theo Chỉ thị mới nhất của Thống đốc ngân hàng để DN biết lựa chọn ngân hàng đồng hành vay vốn cho sản xuất kinh doanh.

Cùng quan điểm này, ông Lê Đình Thắng - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề xuất, Chính phủ và NHNN tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách về tín dụng ngân hàng, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho DN tiếp cận vốn. Đồng thời, tích cực rà soát, xem xét cắt giảm các loại phí nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho DN; chủ động xây dựng các chương trình, sản phẩm tín dụng với lãi suất hợp lý, đáp ứng linh hoạt nhu cầu của nhiều đối tượng khách hàng.

Theo ông Lê Ngọc Khánh, để tiếp tục thực hiện tốt vai trò cung ứng vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh cho các DN thì NHNN Chi nhánh tỉnh; các sở, ban, ngành cần tiếp tục chỉ đạo, theo dõi, giám sát các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh triển khai có hiệu quả các chương trình hỗ trợ người dân, DN; tập trung vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các chương trình tín dụng, chương trình mục tiêu quốc gia; giảm chi phí hoạt động để có điều kiện giảm lãi suất cho vay, nhằm chia sẻ tối đa khó khăn với khách hàng vay vốn.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, tính đến cuối tháng 2/2024, tổng dư nợ tín dụng đạt 168.040 tỷ đồng, tăng 1,3% so với cuối năm 2023 (tăng 2.162 tỷ đồng); đến tháng 3/2024, mặt bằng lãi suất cho vay bình quân tại các tổ chức tín dụng trên địa bàn giảm từ 0,1-0,3%/năm so với cuối năm 2023.