tự chủ

Có 6 đơn vị SNCL tại Bắc Ninh đã tự đảm bảo được kinh phí. Ảnh: Bùi Tư

Cụ thể theo báo cáo của UBND tỉnh Bắc Ninh, toàn tỉnh có 599 đơn vị SNCL thuộc tỉnh được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính, trong đó có 6 đơn vị tự bảo đảm kinh phí, 78 đơn vị bảo đảm một phần kinh phí và 515 đơn vị do ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ kinh phí.

Thực hiện Nghị định 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị SNCL, đến nay, 100% đơn vị được giao quyền tự chủ đã thực hiện xây dựng quy chế quản lý tài sản công. Cùng với đó, các đơn vị đã thực hiện sửa đổi, bổ sung quy chế phù hợp tình hình thực tế với các quy định về quản lý tài chính hiện hành.

Quy chế chi tiêu nội bộ của các đơn vị đều quy định những nội dung định mức chi phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ, tính chất, hoạt động, khả năng tài chính của đơn vị và đồng bộ với việc lập phương án tự chủ.

Nhờ tăng cường nguồn thu, thực hiện giải pháp quản lý nội bộ tiết kiệm chi phí và thực hiện chế độ tự chủ, nhiều đơn vị SNCL đã tiết kiệm chi thường xuyên góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động sự nghiệp, thu nhập và đời sống cán bộ, lao động từng bước được nâng lên.

Riêng năm 2017, các đơn vị SNCL thuộc tỉnh tiết kiệm được 12,1% số kinh phí được giao tự chủ, có 296 đơn vị có hệ số thu nhập tăng thêm dưới 1 lần.

Tuy đạt được một số kết quả, nhưng UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết, việc tự chủ tại nhiều đơn vị chưa có bước chuyển biến đột phá, chưa tách bạch giữa chức năng quản lý nhà nước với chức năng cung cấp dịch vụ công. Tiêu chí kết hợp đánh giá kết quả sử dụng kinh phí với kết quả thực hiện nhiệm vụ và chất lượng hoạt động khi giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm chưa có hoặc có nhưng chưa cụ thể.

Bên cạnh đó, số đơn vị SNCL tự bảo đảm toàn bộ về kinh phí chi thường xuyên chiếm tỷ lệ thấp. Một số đơn vị chưa thực sự chủ động trong sắp xếp, bố trí sử dụng hiệu quả theo vị trí việc làm. Một số ngành chưa phân định cụ thể giữa dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước với dịch vụ công không sử dụng ngân sách nhà nước./.

Bùi Tư