Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại phiên họp thứ 18

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại phiên họp thứ 18 của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.

Lúc đó, có một tình huống khá bất ngờ khi Tổng Bí thư đến thăm gia đình ông Lộc Văn Mồn, một gia đình chính sách ở bản Sáng, xã Quang Chiểu. Đó là, một cháu bé chỉ chừng 3 tuổi cố len lỏi bằng được qua các bà, các ông, sà đến ngồi trong lòng Tổng Bí thư. Linh tính của trẻ em có lẽ luôn là sự tồn tại kỳ diệu trong trời đất. Các em bé có thể không hiểu ông bà mình nói gì hay làm gì, nhưng luôn cảm nhận rõ ràng nhất và nhanh nhạy nhất về những gì mà các em có thể trao gửi yêu thương và tin tưởng.

Dấy lên niềm hy vọng

Ôm cháu bé trong lòng, câu hỏi trở đi trở lại của Tổng Bí thư là, Mường Lát nghèo, Mường Lát khó thì đúng rồi (cả 8 xã của huyện thuộc diện nghèo). Nhưng vì sao Mường Lát nghèo? Đất nước độc lập 66 năm, hòa bình đã hơn 30 năm, tỉnh tập trung xây dựng khá quyết liệt mà tại sao Mường Lát vẫn nghèo, vẫn khó? Làm thế nào để Mường Lát thoát khỏi diện huyện nghèo?

10 năm trăn trở với câu hỏi đó, người đứng đầu Đảng nung nấu quyết tâm “đại chiến” với “giặc” tham nhũng. Và Tổng Bí thư đã giúp cho không chỉ Mường Lát mà cả đất nước tiến nhanh trên con đường thoát nghèo khi phát động và lãnh đạo công cuộc chỉnh đốn Đảng, chống “giặc” nội xâm kể từ Tết độc lập ấy, liên tục, bền bỉ, quyết liệt trong suốt thập kỷ qua.

Nhiều năm trước, “giặc” tham nhũng là “lãnh địa” rất nhạy cảm, ít người dám nhắc đến. Có đại biểu Quốc hội đoàn TP. Hồ Chí Minh (HCM) tại nghị trường kỳ họp tháng 6/2008 phát biểu thể hiện sự bức xúc vì “con voi chui lọt lỗ kim”, đã nhanh chóng được báo nước ngoài nêu như một hiện tượng “lạ”. Không lâu sau, hiện tượng “lạ” đã trở nên “đại chúng” hơn bởi sự ngày càng lộng hành của “giặc” tham nhũng, như khái quát của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan: “ăn của dân không từ thứ gì”...

Bế mạc Đại hội XI, tháng 1/2011, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi tiếp xúc cử tri đã đọc hai câu thơ đến từ dân gian để nói về tham nhũng, “miếng ăn là miếng tồi tàn/mất ăn một miếng lộn gan lên đầu” và nhắn nhủ với người dân rằng Đảng và Nhà nước quyết chiến đến cùng với “giặc” tham nhũng.

Theo đó, tại kỳ họp Quốc hội cuối năm 2012, 94,98% đại biểu đã thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) với nội dung mới nổi bật là thay thế mô hình Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng do Thủ tướng đứng đầu bằng việc lập Ban Chỉ đạo Trung ương thuộc Bộ Chính trị do Tổng Bí thư làm Trưởng ban. Ngày 1/2/2013, Bộ Chính trị ban hành Quyết định số 162 thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.

Bắt đầu từ Đại hội XII (tháng 1/2016), lịch sử chống tham nhũng ở Việt Nam hoàn toàn sang một trang mới. Đại hội Đảng XII đã chứng tỏ được là một Đại hội ghi dấu ấn đặc biệt quan trọng của cuộc chiến này. Cùng với tuyên bố của Tổng Bí thư, “lò đã nóng thì củi khô, củi ướt đều phải cháy”, tần suất và mức độ của cuộc chiến chống tham nhũng đã dồn dập hơn, quyết liệt hơn, dữ dội hơn gấp bội so với những năm trước.

Từ mệnh lệnh của Tổng Bí thư, “gột rửa từ trên xuống”, “không có vùng cấm, không có đặc quyền, không có ngoại lệ, không chịu sức ép của bất cứ tổ chức, cá nhân nào”, tháng 10/2016, Trung ương Đảng ra Nghị quyết 04, mở ra cuộc chỉnh đốn Đảng lớn chưa từng có trong vòng 3 thập kỷ qua. Với tên gọi, “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”, nghị quyết đã nhận diện và chỉ rõ 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng cần phải chấn chỉnh ngay.

Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhận xét: “từ Đại hội Đảng XII dấy lên sự hy vọng trong toàn Đảng, toàn dân về sự trở lại của niềm tin của dân với Đảng, với sự nghiệp bảo vệ và phát triển đất nước”. Kể từ đó, cuộc chiến trải qua những ngày tháng không hề ngơi nghỉ, càng làm càng quyết liệt hơn, đi vào chiều sâu, đạt kết quả toàn diện, đồng bộ, rõ nét hơn.

“Liệu dám làm tiếp không?”

Dự kiến quý I/2021, Đảng sẽ tiến hành Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII.

Cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng vào tuần cuối tháng 5/2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói thẳng: “tâm trạng xã hội cũng như cán bộ, đảng viên lo rằng đại hội đến nơi rồi, liệu có dám làm không, có tiếp tục duy trì được không?”.

Người đứng đầu Đảng và Nhà nước nhấn mạnh yêu cầu: “mặc dù khối lượng công việc lớn, nhiều việc khó, lại chuẩn bị đại hội Đảng bộ các cấp, nhưng cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực không được chững lại trong bất cứ hoàn cảnh nào và sắp tới phải làm mạnh hơn nữa”.

Chống “giặc” tham nhũng đã có được những bước đi dài. Càng được lòng dân, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước càng canh cánh nỗi lo “giữ lửa” chống giặc và hầu như phiên họp nào của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, ông cũng nhấn mạnh đến yêu cầu này.

Theo người đứng đầu Đảng và Nhà nước: “thực hiện chỉnh đốn Đảng không phải làm một lần là xong. Phải làm đi làm lại như đánh răng rửa mặt hàng ngày. Hôm nay rửa mặt nhưng mai lại bẩn, ta vẫn phải rất bình tĩnh và phải thông cảm với cái chung. Sẽ kiên trì làm, làm hết lần này đến lần khác. Việc xử lý cán bộ, trước nói đánh từ vai xuống, giờ đánh từ trên đầu xuống ngày càng nhiều hơn. Đảng phát lệnh là cả bộ máy phải chuyển động. Điều mừng là được cử tri ghi nhận Đảng đang làm rất quyết liệt”.

Đặc biệt quan tâm đến công cuộc đại chiến giặc tham nhũng, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thấy: “việc phanh phui, gột rửa những nhem nhuốc, tiêu cực sẽ không dừng lại, mà từ đây, với niềm tin đã được xốc dậy, cả đất nước sẽ đồng lòng, chung sức diệt trừ giặc nội xâm. Chẳng phải trong nhân dân, trong mỗi đảng viên đã luôn bất bình và phẫn nộ trước nạn tham nhũng, suy thoái? Chẳng phải chúng ta đã chứng kiến những kẻ có lòng tham vô đáy lợi dụng kẽ hở của chính sách, lạm dụng quyền lực để móc túi nhân dân, rồi chính những kẻ đó và bè cánh lại tìm mọi cách để "chui sâu, leo cao" hơn nhằm bảo đảm cho khối tài sản ăn cắp đó tiếp tục sinh sôi, nảy nở?

Ông Trương Tấn Sang quả quyết cho rằng: “nếu tình hình tham nhũng và suy thoái không được loại trừ, Ðảng này, chế độ này, đất nước này sẽ đi về đâu? Người chép sử không bao giờ viết chữ "nếu". Chính vì vậy mà ngay lúc này, Ðảng và những người nắm giữ vai trò chèo lái đất nước phải kiên quyết hành động. Nhân dân luôn đứng bên cạnh Ðảng, đồng lòng đi theo Ðảng bằng cả lý trí và trái tim để thực hiện đến cùng cuộc đấu tranh này. Mỗi chúng ta rồi đây đều phải đứng trước sự phán xét công bằng của lịch sử, của dân tộc”.

Nhiều sốt ruột khi nghĩ về quá khứ lịch sử đã từng có “những bản anh hùng ca dang dở”, dẫu vậy, nguyên Chủ tịch nước có niềm tin: “chúng ta đứng trên “bậc thềm” cao thì thành công của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII sẽ càng cao”. Với những gì đã được tận mắt chứng kiến ở công cuộc nổi lửa như vũ bão trong 10 năm qua, người dân cũng có niềm tin như vậy. Và, dù hoàn cảnh khó khăn thế nào, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng luôn khẳng định, “chúng ta không thể thất hứa với dân, không thể làm dân thất vọng”.

Điều chưa từng có trong lịch sử

Người dân bắt đầu thấy choáng ngợp trước cuộc đại chiến với giặc tham nhũng khi vào tháng 12/2017, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội quyết định đưa bị cáo Đinh La Thăng, người vừa mới hồi tháng 3 cùng năm này còn là ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh và 21 đồng phạm trong vụ án xảy ra tại Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) ra xét xử vào ngày 8/1/2018. Vào năm cuối nhiệm kỳ, năm 2020, tiếp tục có thêm 2 ủy viên Bộ Chính trị bị kỷ luật, điều chưa từng có trong lịch sử chiến đấu với “giặc nội xâm”.

Danh sách cán bộ cấp cao bị xử lý kỷ luật ngày càng nối dài khi tới nay, con số lên tới gần 100 người. Có không ít Bộ trưởng và cựu Bộ trưởng phải đứng trước pháp đình như Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn. Hàng loạt cán bộ cao cấp khác cũng đã bị xử lý kỷ luật như Nguyễn Xuân Anh, nguyên Bí thư Thành ủy Đà Nẵng; Nguyễn Minh Quang, nguyên Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường; Phạm Văn Vọng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc; Phùng Quang Hùng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, Phạm Thế Dũng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai; Nguyễn Văn Thiện, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Định…

Đoàn Trần