chợ

Kiểm tra an toàn thực phẩm tại các chợ. Ảnh: TL

>> Bài 3: 'Thượng đế' cần phản kháng quyết liệt với thực phẩm bẩn

>> Bài 2: Chất độc bủa vây, khi 'thượng đế' được 'thông thái' thì đã quá muộn

>> Bài 1: Nông dân – thủ phạm hay nạn nhân?

Trông người…

Ở các nước phát triển, các cơ quan chính phủ chịu trách nhiệm đặt ra các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, tiến hành thanh tra nhằm đảm bảo các doanh nghiệp đáp ứng đúng các tiêu chuẩn an toàn và quan trọng là duy trì một chương trình thực thi pháp luật đủ mạnh để đảm bảo trừng phạt những ai đi ngược lại những chuẩn mực này. Tuy nhiên, những cơ quan tiến hành công việc kiểm tra an toàn thực phẩm vẫn cần có một “nhạc trưởng” bao quát toàn bộ hệ thống.

Chẳng hạn như tại Mỹ, Đạo luật Hiện đại hóa an toàn thực phẩm (FSMA), được Tổng thống Mỹ Barack Obama ký vào tháng 1/2011 đã cho phép Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) là đầu mối phối hợp với các cơ quan chức năng khác tại Mỹ ngăn ngừa thực phẩm không an toàn xuất hiện trên bàn ăn của người dân ngay từ các nông trang và biên giới. Từ đó cải thiện hệ thống an toàn thực phẩm nước này, giúp tăng khả năng bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Tại Cộng đồng châu Âu (EU), việc quản lý về an toàn thực phẩm được tập trung hóa với những quy trình chặt chẽ.

Hội đồng Liên minh châu Âu (EU) và Nghị viện châu Âu đã thông qua các quy định về Luật Thực phẩm châu Âu và cho ra đời cơ quan An toàn thực phẩm châu Âu (EFSA) vào năm 2002. Cơ quan này hoạt động độc lập, cung cấp các khuyến nghị khoa học, đảm bảo tính minh bạch, cố vấn khi EU hoặc một nước sắp xây dựng một văn bản luật liên quan đến an toàn thực phẩm.

… ngẫm đến ta

“Khó mà quy được ngành nào chịu trách nhiệm. 1 quả trứng 3 bộ quản lý. Khi nuôi con gà đẻ trứng do Bộ Nông nghiệp quản lý. Quả trứng đó trên đường đi tiêu thụ lại do Bộ Công thương, ra bàn ăn quả trứng ấy thuộc Bộ Y tế”.

(Nhận xét của một bạn đọc đăng trên facebook)

Ở Việt Nam, mặc dù 3 Bộ NN&PTNT, Công thương và Y tế đều có trách nhiệm cụ thể trong quản lý an toàn thực phẩm, nhưng thực tế, sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan còn chưa chặt chẽ.

Trong cuộc họp mới đây về công tác an toàn thực phẩm, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát không phủ nhận phản ánh của báo chí, song khẳng định với các thành viên Chính phủ là đến lúc này, đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, chặn đứng nguồn cung từ bên ngoài. Bộ trưởng cho biết, vừa qua, các đoàn đã kiểm tra các nhà máy sản xuất thức ăn gia súc lớn, lấy 200 mẫu xét nghiệm thì không có mẫu nào phát hiện chất cấm.

“Tinh thần là kiên quyết. Trại chăn nuôi nào mà phát hiện một mẫu có chất cấm, là tiêu hủy toàn bộ. Từ 1/7 tới, Bộ luật Hình sự có hiệu lực, hành vi này sẽ bị coi là tội phạm. Tới đây, ngoài chất cấm, sẽ siết cả dư lượng kháng sinh”, Bộ trưởng Cao Đức Phát nói.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng xác nhận đang phối hợp chặt chẽ với Bộ NN&PTNT. Về phía Bộ Y tế, đã cấm nhập salbutamol.

Chưa thể yên tâm bởi tình hình vi phạm an toàn thực phẩm đang diễn biến phức tạp, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chỉ đạo: Quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm hiện cơ bản đã đẩy đủ, trách nhiệm của các bộ đã rõ ràng. Vấn đề cần lưu ý là các bộ, ngành được giao nhiệm vụ này cần làm hết trách nhiệm. “Cần khắc phục việc không làm được gì thì đổ cho nhau hoặc trách nhiệm của liên ngành. Các bộ ban hành chính sách, hướng dẫn thanh kiểm tra còn trên địa bàn thì trách nhiệm là của ủy ban nhân dân”, Phó Thủ tướng nêu rõ.

Phó Thủ tướng khẳng định, đây là trách nhiệm của Nhà nước và không thể đổ cho người dân. "Quan trọng nữa là phải vận động toàn xã hội nhận thức được, không chỉ chấp hành pháp luật mà là đạo đức, không thể vì mình hại người," Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Một số quốc gia rất chặt chẽ trong khâu kiểm tra hàng hóa nhập cảnh, không cho mang thực phẩm, động thực vật vào nước của họ. Chẳng hạn như Australia đã cấm mang theo các sản phẩm từ thú vật (kể cả trứng, vỏ ốc, mật ông, thức ăn cho gia súc, lông thú); cấm mang các loại thức ăn tươi, khô, đóng hộp, đông lạnh, đã nấu hoặc chưa nấu…

Tại các cửa khẩu của Việt Nam, việc nhập gà thải loại, chân gà, nội tạng động vật, hoa quả từ Trung Quốc thường xuyên với số lượng lớn dường như không gặp phải trở ngại nào, trừ những đợt có dịch bệnh bùng phát.

Hoàng Giang