Nhiều giải pháp quyết liệt đã được ban hành

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Võ Thành Hưng cho rằng, giải ngân đầu tư công là nhiệm vụ chính trị quan trọng nhằm mục tiêu phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Bước sang năm 2022, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, trong đó có nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài nước ngoài. Theo đó, một loạt các văn bản, chỉ đạo đã được ban hành như: Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2022 của Chính phủ; Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 8/6/2022 của Chính phủ; Công điện số 126/CĐ-TTg ngày 12/2/2022 của Thủ tướng Chính phủ; Công điện số 307/CĐ-TTg ngày 8/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ; Nghị quyết số 124/NQ-CP ngày 15/9/2022 về các nhiệm vụ giải pháp chủ yếu thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2022.

Bàn giải pháp giải ngân vốn đầu tư công bằng nguồn vốn nước ngoài năm 2022

Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Đức Minh

Thứ trưởng Võ Thành Hưng cho biết, Bộ Tài chính cũng đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan chủ động triển khai tích cực các giải pháp nhằm thúc đẩy giải ngân. Bộ Tài chính đã có công văn gửi bộ trưởng các bộ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đôn đốc nhập Tabmis và giải ngân vốn nước ngoài. Đồng thời, Bộ Tài chính đã tích cực làm việc và trao đổi trực tiếp, trực tuyến với tất cả các chủ dự án được giao kế hoạch vốn nước ngoài của 13 bộ, ngành và 59 địa phương; thực hiện kiểm soát chi và giải quyết đơn rút vốn đảm bảo ngắn nhất có thể và đúng quy định pháp luật.

Thông tin tại hội nghị, lãnh đạo Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết, theo Quyết định số 1126/QĐ-TTg ngày 26/9/2022, Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh dự toán chi đầu tư phát triển vốn nước ngoài nguồn ngân sách trung ương (NSTW). Theo đó, kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 nguồn nước ngoài là 34.585,6 tỷ đồng, trong đó bộ, ngành 11.808,9 tỷ đồng; địa phương 22.775,7 tỷ đồng.

Đến nay, các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện phân bổ kế hoạch vốn chi tiết và nhập dự toán trên hệ thống Tabmis là 32.449,2 tỷ đồng, đạt 93,82% kế hoạch vốn được giao; trong đó các bộ, ngành phân bổ 10.869,4 tỷ đồng, đạt 92,04% và địa phương 21.579,8 tỷ đồng, đạt 94,75%.

Tốc độ giải ngân vẫn rất chậm

Cũng theo Thứ trưởng Võ Thành Hưng, với các giải pháp quyết liệt đã được Chính phủ, Bộ Tài chính và các bộ, ngành ban hành. Mặc dù tình hình có được cải thiện song tỷ lệ giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài còn thấp. Theo báo cáo của các đơn vị chức năng của Bộ Tài chính, tổng số giải ngân từ đầu năm tới nay mới đạt 26,06% kế hoạch đầu tư công vốn nước ngoài của năm 2022.

Bàn giải pháp giải ngân vốn đầu tư công bằng nguồn vốn nước ngoài năm 2022
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Bộ Tài chính. Ảnh: Đức Minh

Kết quả giải ngân nguồn vốn này 11 tháng qua cho thấy, tốc độ vẫn chậm so với kết quả giải ngân nguồn vốn đầu tư công trong nước.

Cụ thể, theo số liệu của Kho bạc Nhà nước, kiểm soát chi nguồn vay nước ngoài kế hoạch vốn năm 2022 của các bộ ngành, địa phương đến 30/11/2022 đạt tỷ lệ 34,27% kế hoạch vốn (11.852,2 tỷ đồng), trong đó của bộ, ngành đạt 38,38% (4.532,2 tỷ đồng) và của địa phương đạt 32,14% (7.320 tỷ đồng).

Lũy kế giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài 11 tháng kế hoạch 2022 đạt 26,06% với 9.014,59 tỷ đồng (trong đó giải ngân của các bộ ngành là 4.154,05 tỷ đồng, đạt 35,17%, giải ngân của các địa phương là 4.860,54 tỷ đồng, đạt 21,34%). Tỷ lệ giải ngân đầu tư công vốn nước ngoài 11 tháng nói trên gần gấp 3 lần tỷ lệ giải ngân 6 tháng đầu năm 2022 (9,12% kế hoạch vốn), tuy nhiên vẫn thấp hơn hẳn so với kết quả giải ngân nguồn vốn đầu tư công trong nước 11 tháng đầu năm 2022 (đạt khoảng 60% kế hoạch).

Bàn giải pháp giải ngân vốn đầu tư công bằng nguồn vốn nước ngoài năm 2022

Đại diện các bộ, ngành, địa phương phát biểu nêu rõ tiến độ, nguyên nhân và giải pháp thúc đẩy thực hiện kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công bằng nguồn vốn nước ngoài. Ảnh: Đức Minh

Về nguyên nhân của việc giải ngân thấp, theo Bộ Tài chính, nguyên nhân cơ bản xuất phát từ việc không có khối lượng hoàn thành cho giải ngân từ mọi khâu của quá trình thực hiện dự án như chưa hoàn tất các thủ tục đầu tư, đang thực hiện các thủ tục điều chỉnh dự án; điều chỉnh hiệp định vay hoặc đã hoàn thành thủ tục đầu tư nhưng tổ chức thực hiện các chương trình, dự án chậm (do vướng trong một số khâu như giải phóng mặt bằng, tái định cư, thiết kế cơ sở, đấu thầu, ký hợp đồng, giá nguyên vật liệu tăng...).

Đồng thời cũng có nguyên nhân từ việc các chủ dự án chưa tập hợp các kiểm soát chi gửi hồ sơ rút vốn đến Bộ Tài chính.

Chính vì vậy, Thứ trưởng Võ Thành Hưng cho rằng, việc Bộ Tài chính tổ chức hội nghị với sự tham gia của 13 bộ, ngành và địa phương được giao kế hoạch vốn đầu tư công nguồn nước ngoài nhằm rà soát các vướng mắc, làm rõ các nguyên nhân cũng như đề xuất các giải pháp, kiến nghị cụ thể để tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy giải ngân nguồn vốn này.

Theo đó, Thứ trưởng Võ Thành Hưng đề nghị các đại biểu trao đổi, phát biểu thẳng thắn, trên tinh thần xây dựng, vì nhiệm vụ chung với mục tiêu là đẩy nhanh thực hiện giải ngân nguồn vay nước ngoài ở mức cao nhất trong năm 2022, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thời gian vừa qua./.