4 điểm mới của Báo cáo tài chính nhà nước năm 2021

Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước (KBNN) đến năm 2030 đã đặt ra mục tiêu Báo cáo tài chính nhà nước (BCTCNN) phải cung cấp đầy đủ, kịp thời và chính xác thông tin về tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) phù hợp với chuẩn mực kế toán công để phục vụ công tác quản lý, điều hành, giải trình của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và công tác kiểm tra, giám sát của Quốc hội, HĐND các cấp và người dân. Cùng với đó là rút ngắn thời gian lập và trình BCTCNN với mục tiêu đến năm 2030, thời gian lập và trình tối đa không quá 6 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính – ngân sách.

Số liệu tài sản kết cấu hạ tầng đường bộ đã được cập nhật vào báo cáo tài chính nhà nước năm 2021.
Số liệu tài sản kết cấu hạ tầng đường bộ đã được cập nhật vào báo cáo tài chính nhà nước năm 2021.

Thực hiện nhiệm vụ này, KBNN đã tập trung nguồn nhân lực, phối hợp chặt chẽ với các cấp, ngành, địa phương triển khai và hoàn thành việc tổng hợp, lập BCTCNN các năm 2018, 2019, 2020 trình Chính phủ, trình Quốc hội theo đúng thời gian quy định.

Theo đánh giá của Cục Kế toán Nhà nước - KBNN, thực hiện việc lập BCTCNN, các cơ quan, đơn vị liên quan đã nhận thức được trách nhiệm và đã tích cực, chủ động trong việc lập, gửi BCTCNN. Các cấp lãnh đạo, tổ chức quốc tế, các chuyên gia trong nước và nước ngoài đã chia sẻ những khó khăn, vướng mắc với Việt Nam trong quá trình lập BCTCNN, từ đó đã có những chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ thiết thực, hiệu quả giúp Việt Nam bớt được nhiều khó khăn trong việc lập BCTCNN.

Tuy nhiên, cũng theo đánh giá của Cục Kế toán Nhà nước, KBNN đã nghiêm túc nhìn nhận những tồn tại, hạn chế hiện nay của công tác lập BCTCNN khi chưa tổng hợp được đầy đủ thông tin về một số tài sản nhà nước, chưa đi sâu phân tích đa chiều các thông tin trên báo cáo, số liệu thông tin đầu vào nhiều khi còn chưa chính xác…

Khắc phục những tồn tại này, đồng thời triển khai Thông tư số 39/2021/TT- BTC của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư số 133/2018/TT- BTC hướng dẫn lập BCTCNN, KBNN đã có công văn gửi KBNN các tỉnh, thành phố về việc hướng dẫn triển khai lập BCTCNN tỉnh năm 2021. Theo đó, BCTCNN năm 2021 đã được bổ sung, cập nhật thêm 4 thông tin mới: Cập nhật số liệu tài sản kết cấu hạ tầng (TSKCHT) đường bộ, công trình nước sạch nông thôn; bổ sung số liệu TSKCHT đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không, đường sắt quốc gia, thủy lợi; bổ sung số liệu thuyết minh tài sản cố định hữu hình và tài sản cố định vô hình giao cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức quản lý, sử dụng; bổ sung thuyết minh về tài sản cố định đặc thù (di tích văn hóa, cổ vật…).

Sự nỗ lực của cả hệ thống

BCTCNN là một nghiệp vụ chuyên sâu phức tạp vì phải thực hiện tổng hợp nhiều chế độ kế toán khác nhau. Với việc hoàn thành BCTCNN có chất lượng năm sau cao hơn năm trước, đã thể hiện sự nỗ lực rất lớn của các đơn vị KBNN.

Ông Trần Quang Nguyên - Giám đốc KBNN Lạng Sơn cho biết, mặc dù đã có kinh nghiệm trong việc thực hiện lập BCTCNN 3 năm qua, nhưng việc lập BCTCNN năm 2021 trên địa bàn tỉnh vẫn gặp phải một số khó khăn. Cụ thể, các trường học trên địa bàn tỉnh chuyển thành đơn vị dự toán cấp I trong năm 2022 tăng lên gần 600 đơn vị và các trường này đều phải thực hiện lập BCTCNN gửi trực tiếp đến KBNN, trong khi khả năng và trình độ của đội ngũ kế toán và cán bộ làm công tác tài chính còn yếu nên còn khó khăn trong việc lập và kiểm tra BCTCNN.

Để công tác lập BCTCNN được kịp thời và chất lượng của báo cáo được nâng lên, ông Nguyên cho biết, KBNN Lạng Sơn đã thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các đơn vị dự toán cấp I trên địa bàn tỉnh để kịp thời giải đáp các vướng mắc cho các đơn vị. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị dự toán cấp I nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác kế toán thông qua việc đào tạo, tập huấn nghiệp vụ.

Lộ trình tiếp tục hoàn thiện việc lập Báo cáo tài chính nhà nước

Tiếp tục hoàn thiện công tác lập báo cáo tài chính nhà nước (BCTCNN), Bộ Tài chính đã xây dựng dự thảo Lộ trình hoàn thiện công tác lập BCTCNN thực hiện theo 2 giai đoạn. Giai đoạn từ 2023 - 2025: Tổng hợp đầy đủ thông tin về tài sản kết cầu hạ tầng giao thông (đường bộ, hàng hải, hàng không, đường sắt quốc gia, đường thủy nội địa), thủy lợi; phân tích, thuyết minh thông tin tài chính nhà nước hiệu quả hơn phục vụ công tác quản lý, điều hành các nguồn lực của Nhà nước. Giai đoạn 2026 – 2030: Tổng hợp đầy đủ thông tin tài sản kết cầu hạ tầng; công khai BCTCNN; rút ngắn thời gian lập BCTCNN phù hợp với rút ngắn thời gian lập Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước; thực hiện kiểm toán BCTCNN.

Thông tin về BCTCNN năm 2021 của tỉnh, ông Trần Phước Tào – Giám đốc KBNN Quảng Nam cho biết, đơn vị đã nghiêm túc khắc phục những tồn tại và vướng mắc trong công tác lập BCTCNN các năm trước. Đồng thời, đơn vị tham mưu với chính quyền địa phương yêu cầu các cấp, các ngành đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền phổ biến về công tác lập BCTCNN; từ đó nâng cao tinh thần trách nhiệm của từng cấp, ngành, địa phương trong việc thực hiện báo cáo và gửi báo cáo về KBNN tỉnh tổng hợp theo đúng thời gian và quy định.

Với các giải pháp đã thực hiện, BCTCNN năm 2021 của tỉnh Quảng Nam được đánh giá có chất lượng cao hơn năm trước, khi đưa ra được thông tin về thặng dư tài chính nhà nước của tỉnh năm 2021 tăng 101 tỷ đồng so với năm 2020. Nguyên nhân một phần là do năm 2021 thu NSNN của tỉnh vượt so với dự toán được giao. Số thặng dư này chính là nguồn lực tài chính tiềm năng mà Nhà nước đang và sẽ được hưởng lợi do chênh lệch của hoạt động thu, chi tài chính từ các năm trước mang lại. Theo đó, BCTCNN của tỉnh năm 2021, ngoài việc đã phản ánh được công tác quản lý điều hành thu, chi ngân sách của địa phương đang được vận hành tốt, còn là căn cứ tài chính cho việc lập kế hoạch NSNN, kế hoạch tài chính nhà nước trong các năm tiếp theo của tỉnh Quảng Nam.

Tại Khánh Hòa, KBNN tỉnh đã công bố danh sách các đơn vị thuộc đối tượng lập BCTCNN; công bố danh sách cán bộ hỗ trợ nghiệp vụ và hỗ trợ kỹ thuật; quy định thời hạn gửi BCTCNN. Đồng thời, KBNN Khánh Hòa đã lưu ý một số nội dung liên quan đến việc gửi báo cáo cung cấp thông tin đối với UBND cấp xã, ban quản lý dự án…; mở rộng kênh thông tin để trao đổi giữa kho bạc với cơ quan tài chính, các ban, ngành, địa phương, giữa người cung cấp thông tin và người tiếp nhận thông tin trao đổi vướng mắc để BCTCNN đầy đủ, chính xác, kịp thời. Theo đó, BCTCNN năm 2021 của tỉnh cũng được đánh giá là hoàn thành đúng tiến độ và có chất lượng cao.

Việc lập Báo cáo tài chính nhà nước đã thuận lợi hơn

Các đơn vị Kho bạc Nhà nước cho biết, Thông tư số 39/2021/TT - BTC (TT 39) của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 133/2018/TT - BTC hướng dẫn lập báo cáo tài chính nhà nước (BCTCNN) đã phân loại chi tiết hơn phần tài sản cố định hữu hình và tài sản cố định vô hình theo từng nhóm loại tài sản… Do đó, một số đơn vị xác định nhầm lẫn giữa 2 loại tài sản này đã kịp thời hạch toán điều chỉnh và đưa phần tài sản sai về đúng giá trị thực. Đồng thời TT 39 đã giúp nâng cao chất lượng BCTCNN. Đơn cử như trước đây, tài sản kết cấu hạ tầng chưa được cập nhật đầy đủ trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công, nhiều chỉ tiêu chưa được phản ánh, theo dõi trên sổ kế toán, TT 39 đã giao trách nhiệm lại cho các đơn vị trực tiếp theo dõi để báo cáo phần tài sản này. Theo đó, các đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản công tại địa phương như sở tài chính, UBND cấp huyện đã nâng cao được ý thức, trách nhiệm của mình, từ đó có sự quan tâm hạch toán đầy đủ vào bộ sổ kế toán, chủ động trong công tác tổng hợp và báo cáo tài sản hàng năm theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.