Báo chí chung sức khơi nguồn đổi mới sáng tạo, phát triển đất nước phồn vinh
Báo chí nước ta có sự phát triển nhanh chóng, tích cực thông tin toàn diện đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước. Ảnh: TL

PV: Xin ông cho biết ý kiến đánh giá về một số thành tựu mà báo chí nói chung và khối báo chí kinh tế nói riêng đã đạt được trong thời gian qua?

Ông Trần Thanh Lâm: Cùng với sự phát triển của đất nước, báo chí nước ta có sự phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ về nhiều mặt, thực sự là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, diễn đàn tin cậy của Nhân dân, góp phần quan trọng, tích cực trong công cuộc xây dựng, phát triển, hội nhập sâu rộng của đất nước.

Bám sát mục tiêu giữ vững ổn định chính trị, tạo đồng thuận của xã hội và niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ; hướng tới xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại, các cơ quan báo chí, những người làm báo cả nước đã không ngừng nỗ lực, lao động, cống hiến, tích cực thông tin, tuyên truyền toàn diện đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước, đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của người dân...

Trong dòng chảy chung đó, khối báo chí kinh tế luôn đi đầu, đóng góp quan trọng tuyên truyền kịp thời, sâu sắc những chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kinh tế đến người dân và doanh nghiệp; tích cực phản ánh những kết quả, thành tựu trong phát triển kinh tế; là diễn đàn để các doanh nghiệp, doanh nhân, người lao động bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, đóng góp ý kiến với Đảng, Nhà nước.

Báo chí nói chung và khối báo chí kinh tế nói riêng cũng đã cổ vũ, động viên, biểu dương những cách làm hay, sáng tạo trong kinh doanh, xây dựng thương hiệu, văn hóa doanh nghiệp; làm nhiệm vụ giám sát, phản biện chính sách, thúc đẩy việc xây dựng và ban hành chính sách minh bạch, kiến tạo, khả thi thúc đẩy kinh tế phát triển, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, doanh nhân hoạt động, lao động tích cực trong khuôn khổ của pháp luật…

Báo chí chung sức khơi nguồn đổi mới sáng tạo, phát triển đất nước phồn vinh
Ông Trần Thanh Lâm

PV: Với góc nhìn từ công tác chỉ đạo báo chí, xin ông điểm lại đôi nét về những cơ hội, cũng như khó khăn, thách thức của báo chí nói chung và khối báo chí kinh tế nói riêng trong bối cảnh hiện nay?

Ông Trần Thanh Lâm: Chúng ta đang sống trong thời đại công nghệ 4.0 với sự phát triển nhanh chóng của khoa học, công nghệ, đặc biệt là công nghệ số, truyền thông trên Internet. Công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về báo chí được Đảng, Nhà nước quan tâm xây dựng, tạo cơ chế, hành lang pháp lý thuận lợi thúc đẩy báo chí phát triển.

Công tác chỉ đạo, định hướng, quản lý thông tin báo chí; việc tổ chức cung cấp thông tin cho báo chí ngày càng có nhiều đổi mới, để báo chí giữ vững vai trò định hướng, giữ vị thế là nguồn thông tin chính thống, là “bộ lọc” thông tin, giải đáp, hướng dẫn, phân tích, chỉ ra được bản chất của các hiện tượng, câu chuyện, vấn đề trong xã hội. Đây chính là những thuận lợi, tạo cơ hội để báo chí vừa thực hiện tốt sứ mệnh của báo chí cách mạng, vừa phát triển theo hướng hiện đại.

Tuy nhiên, báo chí cũng đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Cạnh tranh thông tin giữa các loại hình truyền thông ngày càng cao; nguồn thu quảng cáo tiếp tục dịch chuyển mạnh sang các nền tảng truyền thông mới đe dọa, tác động đến nguồn thu, kinh tế báo chí, nhất là đối với cơ quan báo chí chính thống.

Bên cạnh đó, thời gian qua, tình trạng một bộ phận phóng viên, nhà báo lợi dụng danh nghĩa nghề nghiệp để trục lợi cá nhân; nhiều trường hợp nhà báo, phóng viên bị cơ quan chức năng xử lý kỷ luật, thậm chí bị khởi tố, truy tố, xét xử vì vi phạm pháp luật, đã làm ảnh hưởng xấu tới hình ảnh của báo chí, khiến niềm tin của công chúng với báo chí bị giảm sút. Những vấn đề vừa chủ quan, vừa khách quan, đã tạo ra áp lực, thách thức không nhỏ đối với báo chí trong giai đoạn hiện nay.

Riêng đối với khối báo chí kinh tế, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ngày càng phát triển sâu rộng, các hoạt động kinh tế ngày càng thu hút sự quan tâm của mọi tầng lớp người dân, đặc biệt là xu hướng toàn cầu hóa, với sự phát triển sôi động của các thị trường như tài chính, tiền tệ, chứng khoán, trái phiếu…, là nguồn đề tài phong phú, hấp dẫn, đồng thời cũng lại trở thành thách thức đối với các cơ quan báo chí.

Phải đưa tin làm sao vừa khẳng định được vai trò là kênh thông tin chính thống, tin cậy của Đảng, Nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp và người dân; vừa phải phản ánh được toàn diện, kịp thời, sắc sảo mọi hoạt động kinh tế, những vấn đề có tính thời sự và cả những vấn đề lớn mang tính chiến lược đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của công chúng.

Đồng thời, qua hoạt động truyền thông phải động viên, biểu dương, cổ vũ cho các những điển hình tiên tiến, làm giàu chân chính; giám sát, phản biện chính sách sâu sắc, thúc đẩy việc xây dựng, ban hành chính sách minh bạch, liêm chính, kiến tạo, đổi mới, sáng tạo phục vụ người dân và doanh nghiệp; chủ động đấu tranh, bài trừ các hành vi sai trái… từ đó góp sức huy động mọi nguồn lực chung sức xây dựng và phát triển kinh tế đất nước ngày càng giàu mạnh. Đây là bài toán lâu dài cho các cơ quan báo chí khối kinh tế, cần nhiều nỗ lực lao động, sáng tạo, ý chí bền bỉ để thực hiện thành công trên thực tế.

PV: Năm 2023, Thời báo Tài chính Việt Nam kỷ niệm 30 năm thành lập, xin ông chia sẻ những ý kiến đánh giá, cùng gợi ý giải pháp để giúp tờ báo ngày càng phát triển, đáp ứng tốt hơn nhiệm vụ của mình trong thời gian tới?

Ông Trần Thanh Lâm: Bộ Tài chính là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về tài chính, ngân sách, hải quan, kế toán, kiểm toán độc lập, giá, chứng khoán, bảo hiểm…, là cơ quan tham mưu, trực tiếp soạn thảo và ban hành nhiều chính sách pháp luật liên quan đến các hoạt động kinh tế cả vĩ mô, tới vi mô, liên quan trực tiếp đến hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp và người dân; có vai trò quan trọng trong công tác quản lý, điều hành tài chính - ngân sách của đất nước.

Do đó, công tác truyền thông của ngành Tài chính luôn có ý nghĩa quan trọng, đòi hỏi các cơ quan báo chí của Bộ Tài chính nói chung, Thời báo Tài chính Việt Nam nói riêng phải luôn nỗ lực đổi mới, đáp ứng ngày càng cao hơn yêu cầu và nhiệm vụ được giao phó.

Trong suốt 30 năm qua, với vai trò là cơ quan ngôn luận của Bộ Tài chính, Thời báo Tài chính Việt Nam đã làm tốt vai trò là diễn đàn về lĩnh vực tài chính, góp phần vào việc hoàn thiện và đưa các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực tài chính đi vào cuộc sống.

Nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập, tôi chúc TBTCVN tiếp tục phát triển vững mạnh, thực hiện thật tốt vai trò, trách nhiệm là cơ quan ngôn luận của Bộ Tài chính, là diễn đàn kinh tế - tài chính uy tín, là kênh truyền thông chính sách hiệu quả về lĩnh vực tài chính - kinh tế của Đảng, Nhà nước, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của mọi tầng lớp nhân dân, tổ chức và doanh nghiệp, góp sức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của Bộ Tài chính, đóng góp hiệu quả hơn nữa cho sự nghiệp phát triển đất nước.

Ông Trần Thanh Lâm