Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng - Chủ tịch Ủy ban quốc gia về Tìm kiếm cứu nạn chủ trì buổi làm việc. Tại điểm cầu Nghệ An, có ông Đinh Viết Hồng - Phó chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng ban thường trực BCĐ (Ban chỉ đạo) Phòng chống thiên tai – tìm kiếm cứu nạn tỉnh, cùng các ban, ngành, đơn vị liên quan tham dự.

Theo báo cáo, tại địa bàn Nghệ An, Bão số 2 đã làm 1 người bị thiệt mạng, có 2.872 nhà, ốt bị tốc mái; 152 cột điện bị đổ gãy; 350 ha keo; 10.000 cây xanh bị gãy đổ; 2.000 ha vừng bị đổ; 5.520 ha lúa hè thu; ngô, dưa hấu, rau màu các loại bị ngập.

Mưa lớn cũng đã ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng giao thông trên các tuyến quốc lộ và tỉnh lộ. Hiện tại, Sở Giao thông vận tải Nghệ An đã và đang chỉ đạo các đơn vị quản lý phối hợp với lực lượng Thanh tra giao thông, chính quyền địa phương để tiến hành xử lý đảm bảo giao thông bước đầu tại các vị trí bị xảy ra sự cố.

tân kỳ

Bão số 2 làm gãy đổ nhiều cây xanh bên đường, ảnh hưởng tới giao thông trong tỉnh.

Về tình hình trên biển, vào lúc 2 giờ 10 phút ngày 17/7, Cảng vụ hàng hải khu vực I phát hiện tàu VTB 26 phát tín hiệu cầu cứu, trên tàu có 13 thuyền viên, khi cách đảo Hòn Ngư 800m về hướng bắc thì bị lật.

Như vậy, tính đến thời điểm này, theo thống kê ban đầu, Nghệ An là địa phương bị thiệt hại nặng nhất.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng ghi nhận nỗ lực của các lực lượng, địa phương đã quyết liệt trong đối phó với bão số 2, giảm thiểu được thiệt hại về người và tài sản. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng cho rằng, bão số 2 tuy không lớn nhưng có diễn biến nhanh, dù tập trung chỉ đạo nhưng vẫn gây thiệt hại, trong đó có thiệt hại về người.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn các tỉnh cần trực tiếp xuống địa bàn để tham gia chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả mưa bão; đồng thời, theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ sau bão để chủ động sơ tán, di dời dân cư ở vùng thấp trũng ven biển, cửa sông vùng có nguy cơ xẩy ra lũ quét, sạt lở đất, vùng hạ du các hồ đập theo các kịch bản đã xây dựng trong phương án phòng chống thiên tai của tỉnh và địa phương để đảm bảo an toàn về người và tài sản.

Cùng với đó, thống kê các thiệt hại và triển khai ngay công tác khắc phục hậu quả, xử lý vệ sinh môi trường sau bão; tập trung xử lý ách tắc giao thông do mưa gây sạt lở; hướng dẫn giao thông, đảm bảo an toàn cho người khu vực bị ngập, tràn qua suối, bến đò ngang; kiểm tra đảm bảo an toàn công trình, nhất là các công trình đang thi công, các hồ chứa nước, vận hành cửa van, đặc biệt là các hồ xung yếu; tổ chức trực ban 24/24 để chủ động nắm tình hình và có kế hoạch ứng phó kịp thời với phương châm 4 tại chỗ./.

Công Bình