Chiều 21/8, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Tọa đàm "Chính sách thuế - tài sản số và trách nhiệm của doanh nghiệp". Nội dung được phân tích, thảo luận tại đây là việc quản lý công nghiệp công nghệ số; bản chất tài sản số; nghĩa vụ thuế liên quan đến tài sản số tại dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số.
Lần đầu tiên công nhận tài sản số
Cũng theo báo cáo của Chainalysis, năm 2021, 2022, Việt Nam nằm trong top 3 trên toàn cầu về người dân sở hữu tài sản số (21% dân số Việt Nam sở hữu tài sản số) chỉ sau UAE và Hoa Kỳ. Năm 2023, Việt Nam tụt 5 hạng, đứng thứ 7. Hai quốc gia là Thái Lan và Singapore đã vươn lên đứng thứ 5 và thứ 3. |
Theo báo cáo của tổ chức Chainalysis chuyên về phân tích thị trường, năm 2022, dòng tài sản số hay là tài sản mã hóa vào thị trường Việt Nam khoảng 100 tỷ USD, năm 2023 khoảng 120 tỷ USD.
Lợi nhuận từ đầu tư vào tài sản mã hóa ở thị trường Việt Nam đứng thứ 3 thế giới, khoảng hơn 1 tỷ USD, chỉ sau thị trường Mỹ và thị trường Anh.
Mặc dù tài sản số hay tiền ảo trên thực tiễn đã rất phát triển, song theo Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn, chúng ta chưa có một khung khổ pháp lý cho loại tài sản này.
Các khách mời tham gia tọa đàm. Ảnh: VGP |
Tại dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số, điểm nổi bật là lần đầu tiên đưa ra quy định về tài sản số, bao gồm 1 điều khoản về định nghĩa, khái niệm, còn lại giao cho các bộ, ngành liên quan đưa ra chính sách cụ thể.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, chính vì chưa có khung khổ pháp lý chính thức nên vừa qua có những hoạt động đầu tư kinh doanh buộc phải rời Việt Nam. Ví dụ như Sky Mavis, một tập đoàn kỳ lân công nghệ hoàn toàn của Việt Nam với hệ sinh thái game, hoạt động về nội dung số, tài sản số rất lớn, đã phải chọn Singapore làm nơi đóng trụ sở.
“Khi có pháp lý, quyền và lợi ích của những người tham gia trong lĩnh vực này được bảo vệ. Đã có rất nhiều giao dịch liên quan tới tài sản số, nếu chưa có khung khổ pháp lý thì giao dịch này trở nên rủi ro, mỏng manh, những người liên quan không được bảo vệ. Chính vì vậy, khung khổ pháp lý cho tài sản số, cho các giao dịch liên quan tới tài sản số là điều Việt Nam cần cân nhắc và nhanh chóng thúc đẩy” - Phó Tổng Thư ký VCCI chia sẻ.
Chia sẻ về kinh nghiệm quốc tế, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam Phan Đức Trung cho hay khung pháp lý cho tài sản số trên thế giới phổ biến tập trung bốn vấn đề: chính sách thuế; các tiêu chuẩn về phòng chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố; chính sách bảo vệ người tiêu dùng; chính sách cấp phép.
Theo khảo sát của Hội đồng Đại Tây Dương ở 60 quốc gia trong năm 2023 thì có 12 quốc gia chiếm 52% GDP toàn cầu đã có khuôn khổ pháp lý rõ ràng. 17 quốc gia có chính sách rõ ràng một phần và 10 quốc gia cấm toàn bộ.
Trong 60 quốc gia được khảo sát, có cả Thái Lan, Campuchia, Việt Nam. Thái Lan đạt cả về 4 chính sách là thuế, chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố, bảo vệ người tiêu dùng và cấp phép. Campuchia đạt được chính cấp phép cho nhà cung cấp dịch vụ tài sản số. Còn Việt Nam thì chưa đạt về 4 chính sách này.
Cần có định nghĩa rõ ràng về tài sản số
Hiện tại, cùng với việc đưa ra khái niệm về tài sản số, dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số có nội dung "Bộ Tài chính chủ trì với các cơ quan ngành ban hành hoặc xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành quy định quản lý tài sản số, tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản số".
Về vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính) Trương Bá Tuấn cho biết, khi dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số được Quốc hội thông qua, trong đó đưa ra được định nghĩa về tài sản số cũng như các nội dung có liên quan, trong phạm vi và chức năng của mình, Bộ Tài chính sẽ triển khai thực hiện các vấn đề liên quan, bao gồm cả hoàn thiện chính sách về thuế.
Ông Trương Bá Tuấn (phải) trao đổi tại cuộc tọa đàm. |
Theo ông Trương Bá Tuấn, thực chất hiện nay hệ thống pháp luật thuế Việt Nam cũng đã có các sắc thuế điều chỉnh đầy đủ các hoạt động liên quan đến việc giao dịch, chuyển nhượng tài sản này. Trong trường hợp tài sản số được thừa nhận như một loại tài sản hoàn toàn có căn cứ để thực hiện thu thuế dựa trên pháp luật thuế.
Chẳng hạn, Luật Thuế thu nhập cá nhân quy định nguyên tắc chung là đối tượng, cá nhân cư trú có nghĩa vụ nộp thuế đối với thu nhập phát sinh ở Việt Nam và ngoài Việt Nam. "Chúng ta cũng có Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, các tổ chức doanh nghiệp có thu nhập phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh và hoạt động khác thì có nghĩa vụ nộp thuế. Luật Thuế giá trị gia tăng để điều tiết giao dịch các tài sản" - ông Trương Bá Tuấn nói.
Song trước tiên, theo ông Trương Bá Tuấn, phải làm rõ được định nghĩa tài sản số là gì cũng như vị trí pháp lý của tài sản số và những đặc trưng, đặc tính của tài sản số. Như vậy, các cơ quan quản lý nhà nước liên quan mới có các biện pháp, chính sách để hình thành khung pháp lý đồng bộ.
Tài sản số có thể được dùng cho nhiều mục tiêu khác nhau. Để quản lý được vấn đề này, đòi hỏi không chỉ có sự tham gia của Bộ Tài chính mà của rất nhiều bộ, ngành có liên quan.
Luật hóa quy định về tài sản số, thúc đẩy công nghiệp số tại Việt Nam Từ góc độ doanh nghiệp, ông Trần Huyền Dinh - CEO Công ty AlphaTrue kỳ vọng dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số và các luật liên quan đến tài sản số sắp tới sẽ mang lại sự minh bạch, cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong lĩnh vực này, đồng thời hạn chế sự chảy máu chất xám, cũng như thu hút nhiều dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam. “Chúng tôi cũng rất kỳ vọng sẽ thúc đẩy nhanh hơn nữa quá trình Sandbox cho các doanh nghiệp thử nghiệm cũng như ứng dụng công nghệ mới, có sự kiểm soát nhất định. Với sự hỗ trợ này, chúng tôi tin tưởng rằng khi các quy định về tài sản số được luật hóa cụ thể, minh bạch hơn thì doanh nghiệp sẽ có thêm động lực, niềm tin để tiếp tục đầu tư, phát triển, góp phần vào sự phát triển của ngành công nghiệp số tại Việt Nam” - ông Trần Huyền Dinh chia sẻ. |