Bình Dương: Giải tỏa ách tắc giải ngân vốn đầu tư công
Khởi công, nâng cấp mở rộng Quốc lộ 13, đoạn qua tỉnh Bình Dương. Ảnh: CTV

Nhiều dự án giải ngân “0 đồng”

Tổng hợp từ 2 đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh Bình Dương vừa kết thúc cho thấy, nhằm giải tỏa ách tắc giao thông, UBND tỉnh đã giao Ban quản lý dự án đầu tư - xây dựng tỉnh Bình Dương làm chủ đầu tư thực hiện mở rộng Quốc lộ 13, đoạn từ nút giao Đại lộ Tự Do (khu công nghiệp VSIP I, thành phố Thuận An) đến ngã tư Lê Hồng Phong (thành phố Thủ Dầu Một) với nguồn vốn đầu tư năm 2022 là 101 tỷ đồng, vốn kéo dài từ năm 2021 sang năm 2022 là 290 tỷ đồng. Thế nhưng, tại thời điểm này nguồn vốn trên vẫn chưa được giải ngân vốn đã bố trí.

Tương tự, cũng tại thời điểm này, dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường từ ngã tư Bình Chuẩn (thành phố Thuận An) đến ngã ba giao với tuyến đường Đài Liệt sĩ Tân Phước Khánh (thị xã Tân Uyên) được bố trí với số tiền khá lớn là 297,5 tỷ đồng cho năm 2022 và 208,2 tỷ đồng của năm 2021 chuyển sang, nhưng đến nay cũng chưa được giải ngân vốn.

Trong khi đó, lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông đi qua 2 tuyến đường này hàng ngày rất lớn, tình trạng kẹt xe, ùn ứ giao thông thường xuyên xảy ra.

Kết quả giám sát mới đây của 2 đoàn giám sát của HĐND tỉnh Bình Dương cũng cho thấy, không chỉ lĩnh vực giao thông, việc giải ngân cho nhiều dự án môi trường, thủy lợi cũng hết sức chậm chạp. Điển hình như: Dự án Hệ thống thoát nước khu công nghiệp Tân Đông Hiệp thành phố Dĩ An; hệ thống thoát nước bên ngoài hàng rào các khu công nghiệp An Tây - Mai Trung - Việt Hương 2; dự án Bệnh viện Đa khoa 1.500 giường (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương) và thiết bị bệnh viện, với vốn đầu tư rất lớn nhưng đến nay việc giải ngân còn rất chậm so với kế hoạch.

Không chỉ ảnh hưởng mọi hoạt động xã hội, đời sống người dân, hệ quả của các công trình giải ngân chậm còn tác động trực tiếp đến môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh. Chậm giải ngân vốn đầu tư công còn làm lãng phí nguồn lực của xã hội khi có tiền nhưng không thể tiêu, trong khi nhiều lĩnh vực khác cũng rất cần nguồn lực để đầu tư.

Bên cạnh đó, còn kéo theo nhiều hệ lụy như: ô nhiễm môi trường, ngập úng mỗi khi mưa xuống. Đối với dự án y tế bị chậm cũng làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi được chăm sóc sức khỏe, điều trị bệnh của người dân.

Sẽ kiến nghị thu hồi dự án cố tình dây dưa, kéo dài

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương, những nguyên nhân cơ bản làm cản trở tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh là do công tác giải phóng mặt bằng. Sự phối hợp giữa các đơn vị liên quan chưa chặt chẽ, hiệu quả. Giá đất ở Bình Dương ngày một tăng cao, người dân chưa thống nhất với đơn giá bồi thường… nên đã gây khó khăn trong việc thu hồi đất.

Cùng với đó, giá nguyên vật liệu, nhân công tăng cao so với dự toán được phê duyệt nên việc tổ chức lựa chọn nhà thầu thi công của các chủ đầu tư cũng gặp nhiều khó khăn, phải điều chỉnh dự toán. Mặt khác, văn bản pháp lý liên quan đến đầu tư xây dựng thường xuyên thay đổi, gây lúng túng cho chủ đầu tư và đơn vị tư vấn.

Bình Dương: Giải tỏa ách tắc giải ngân vốn đầu tư công
Đoàn kiểm tra, giám sát các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Ảnh: CTV

Tổng hợp của Thường trực HĐND tỉnh qua các đợt tiếp xúc cử tri với lãnh đạo, cử tri các cấp, nhiều cử tri Bình Dương liên tục lên tiếng, bức xúc về sự dây dưa, chậm tiến độ triển khai các dự án trên địa bàn. Nhiều ý kiến cho rằng, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công thì vai trò của các cơ quan lãnh đạo, quản lý, giám sát của địa phương cần phải được chỉ rõ trách nhiệm và cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa thì mới có thể khắc phục được hạn chế, ách tắc.

Bà Nguyễn Trường Nhật Phượng - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Dương cho biết, mỗi năm đều tổ chức đoàn giám sát, riêng đầu năm 2022 đã tổ chức 2 đoàn kiểm tra các công trình trọng điểm. Qua giám sát đã nắm rõ nguyên nhân, hạn chế và đề xuất, kiến nghị giải pháp khả thi tháo gỡ "nút thắt". Đồng thời khẳng định, thời gian tới, thường trực HĐND tỉnh không chỉ tổ chức giám sát các dự án đầu tư công mà sẽ tái giám sát để kiểm tra tình hình thực hiện của các đơn vị.

“Những trường hợp nhà đầu tư cố tình kéo dài, không thực hiện dự án thì chúng tôi sẽ thực hiện theo đúng quy định pháp luật là sẽ kiến nghị thu hồi” - bà Nguyễn Trường Nhật Phượng nói.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi cho biết, tỉnh đã thông qua Quyết định thành lập 06 Tổ chỉ đạo triển khai thực hiện các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh.

Về tiến độ các dự án cụ thể, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu, đối với đường Vành đai 3 triển khai công tác đền bù giải toả trong tháng 6/2022 ngay khi Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư và các cơ chế đặc thù. Tuyến Quốc lộ 13 phải hoàn tất các thủ tục hợp đồng với Becamex IDC, tập trung giải phóng mặt bằng tại TP.Thủ Dầu Một, TP.Thuận An, đến 30/4/2022 phải khởi công và phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện và hoàn thành trong thời gian 01 năm.

Đồng thời, hoàn tất các thủ tục hợp đồng đối với Becamex IDC đối với các dự án O&M. Đối với đường Vành đai 4, khẩn trương hoàn thành các hồ sơ, thủ tục pháp lý liên quan, phấn đấu đến ngày 02/9/2022 khởi công. Đối với cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, bắt tay hoàn chỉnh thủ tục pháp lý để triển khai giải phóng mặt bằng trong năm 2023./.

Năm 2022, tổng vốn đầu tư công của tỉnh Bình Dương là 8.909 tỷ đồng. Bình Dương dự kiến phấn đấu mức giải ngân cả năm 2022 đạt thấp nhất 8.101 tỷ đồng, khoảng trên 90% kế hoạch vốn.