Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc: Đảm bảo nguồn cung xăng dầu thuộc trách nhiệm của Bộ Công Thương, doanh nghiệp Điều hòa nguồn cung xăng dầu: “Chìa khóa” trong tay Bộ Công thương Đề xuất thống nhất một cơ quan quản lý mặt hàng xăng dầu để điều hành chủ động Thống nhất một đầu mối quản lý mặt hàng xăng dầu về Bộ Công thương là hợp lý

PV: Thưa ông, về trách nhiệm quản lý trong kinh doanh xăng dầu, trên nghị trường Quốc hội ngày 28/10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã đưa ra rất nhiều nguyên nhân, trong đó, hệ thống phân phối xăng dầu hiện nay có hiện tượng thiếu hụt nguồn cung do Nhà máy Nghi Sơn và trong 9 tháng doanh nghiệp nhập khẩu cũng không đạt kế hoạch. Theo ông trách nhiệm này thuộc về đơn vị nào ?

Ông Nguyễn Tiến Thỏa: Rõ ràng quy định của pháp luật quy định phân công Bộ Công thương có trách nhiệm quản lý sản xuất kinh doanh và đảm bảo điều hòa xăng dầu cho toàn bộ nền kinh tế, nên việc thiếu hụt nguồn cung, không đáp ứng được nhu cầu về tổng thể ở các vùng miền, địa phương, trách nhiệm thuộc về Bộ Công thương.

Tôi cho rằng trách nhiệm này không phải bàn cãi gì thêm như thời gian qua, tránh việc bàn luận qua lại giữa hai bộ mà không giải quyết được tình hình, kéo dài tình trạng thiếu hụt nguồn cung, không nhìn nhận ra đúng được nguyên nhân, để có thể điều hành tốt hơn.

Giao Bộ Công thương quản lý xăng dầu:

Theo ông Nguyễn Tiến Thoả, Bộ Công Thương là bộ quản lý về hoạt động sản xuất kinh doanh, có trách nhiệm bảo đảm cân đối cung - cầu xăng dầu cho nhu cầu, do đó giao mảng xăng dầu về cho Bộ này quản lý thống nhất là hoàn toàn hợp lý.

PV: Cũng tại nghị trường Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết sẽ trình Chính phủ sửa Nghị định 95/2021/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu theo hướng giao toàn bộ công tác quản lý mặt hàng xăng dầu cho Bộ Công thương, kể cả việc quyết định về giá và chi phí định mức, để việc quản lý, điều hành được chủ động. Ông nhìn nhận thế nào về đề xuất này của Bộ trưởng Bộ Tài chính?

Ông Nguyễn Tiến Thỏa: Tôi thấy đề xuất của Bộ trưởng Bộ Tài chính là hợp lý, bởi vì Bộ Công thương mới là bộ quản lý sản xuất kinh doanh xăng dầu, có trách nhiệm bảo đảm cân đối cung cầu xăng dầu của đất nước. Chính Bộ Công thương quản lý sản xuất kinh doanh nên nắm được thế giới thế nào, trong nước thế nào, các chi phí doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu phải chi trả là gì, mỗi vùng, mỗi doanh nghiệp khác nhau sẽ có chi phí thế nào.

Tại nghị trường Quốc hội ngày 28/10, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, để xảy ra hiện tượng thiếu hàng cục bộ ở hệ thống phân phối, thương nhân phân phối và cửa hàng bán lẻ xăng dầu ở TP.Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam là điều “rất đáng tiếc và bất thường”.

Chúng ta đang chia cắt trong quản lý, hiện nay đã giao cho Bộ Công thương quản lý sản xuất, kinh doanh, trong đó, Nghị định 95/2021/NĐ-CP cũng đã giao cho Bộ Công thương hướng dẫn giá cơ sở của xăng dầu nhưng lại tách riêng một phần trong cơ cấu giá (chi phí định mức) để cho Bộ Tài chính tính toán, công bố để Bộ Công thương đưa vào giá cơ sở. Tôi cho đây là cắt khúc không hợp lý.

PV: Theo ông, sửa đổi Nghị định 95/2021/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu thì cần sửa đổi điều gì nhất trong bối cảnh hiện nay?

Ông Nguyễn Tiến Thỏa: Thứ nhất, về tổ chức hệ thống phân phối hiện nay mà cứ quy định cho các doanh nghiệp từ đầu mối cho đến bán lẻ, đại lý kinh doanh… đồng sở hữu các cơ sở kinh doanh xăng dầu, đồng sở hữu kho, bãi là không ổn.

Bộ Công thương có đầy đủ công cụ để quản lý toàn diện mặt hàng xăng dầu
Tạm ngưng bán hàng với nhiều lý do diễn ra tại không ít cây xăng ở Hà Nội. Ảnh: Hải Anh

Bởi vì, quy định đồng sở hữu nhưng không biết ai là chính cho nên trách nhiệm của đồng sở hữu đó không rõ ràng. Cho nên cần cải tiến hệ thống phân phối này theo hướng ai đủ điều kiện về cầu cảng, cơ sở hạ tầng, kho, bãi, phương tiện vận chuyển thì cấp phép doanh nghiệp đó đủ điều kiện kinh doanh. Hạn chế đến mức thấp nhất việc đồng sở hữu, để hệ thống không có sở hữu chéo, chồng chéo gây ra bất cập trong điều hành.

Thứ hai, trong hệ thống phân phối là các thương nhân phân phối chỉ được mua hàng của 2 đầu mối nhập khẩu và phải đăng ký hệ thống kinh doanh, cam kết đăng ký số lượng mua đối với thương nhân đầu mối. Có như vậy thương nhân đầu mối mới chủ động được sản lượng nhập khẩu, chủ động được sản lượng mua trong nước…, để đảm bảo cung cấp ổn định.

Thứ ba, tôi cho rằng cần sửa về giá. Hiện nay chúng ta đang lạm dụng công tác bình ổn giá, giá chỉ nên định hướng và để doanh nghiệp quyết định, chi phí định mức cũng nên để doanh nghiệp quyết định cụ thể…

Chúng ta đã nghe ý kiến của các đại biểu Quốc hội và phát biểu của hai Bộ trưởng giải trình thấy rằng, chi phí định mức tại sao lại cho ngần này, cho ngần kia? Tôi cho rằng như vậy là không ổn, thị trường sẽ không thể hoạt động bình thường được, chúng ta biến cái định hướng thị trường thành chỉ đạo hành chính cứng. Mặc dù, Nghị định 83 và Nghị định 95 đều xác định chuyển kinh doanh xăng dầu sang cơ chế thị trường.

PV: Xin cảm ơn ông!

Nên rút ngắn chu kỳ điều chỉnh giá xăng dầu xuống 5 ngày

Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, khi sửa Nghị định 95/2021/NĐ-CP thì chu kỳ tính giá cần phải tính toán lại. Nếu như giai đoạn này chưa có đủ điều kiện làm được như các nước trên thế giới, tức là bám sát giá thị trường thế giới và điều hành giá hàng ngày thì có thể rút ngắn chu kỳ điều chỉnh giá từ 10 ngày xuống 5 ngày, nhằm phù hợp với phương thức hiện nay mà các doanh nghiệp đầu mối đang mua xăng dầu trên thị trường thế giới để phản ánh sát hơn, giảm thiểu lệch pha giá thị trường trong nước và giá thế giới.