Hạ tầng giao thông thúc đẩy phát triển kinh tế

Nhằm thúc đẩy hợp tác Việt - Lào tương xứng với tầm vóc quan hệ đặc biệt, việc đầu tư hạ tầng giao thông để kết nối thuận lợi sẽ đóng góp vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác phát triển kinh tế giữa hai nước. Trên cơ sở hiện trạng hạ tầng giao thông kết nối với Lào, Bộ GTVT vừa đề xuất Dự án nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 279, Quốc lộ 217, Quốc lộ 12C, Quốc lộ 12A và Quốc lộ 15D kết nối với Lào, sử dụng vốn vay WB.

Trong những năm qua, mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Lào không ngừng được tăng cường, phát triển, đặc biệt quan hệ hợp tác trong lĩnh vực thương mại giữa hai nước luôn phát triển theo chiều hướng tích cực, ngày càng thực chất và đi vào chiều sâu.

Giai đoạn 2016-2020, kim ngạch thương mại có sự tăng trưởng ổn định, đã đạt mục tiêu trên 1 tỷ USD/năm. Cán cân xuất khẩu và nhập khẩu tương đối cân bằng, cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hóa thay đổi theo hướng bền vững, danh mục hàng hóa trao đổi giữa hai nước ngày càng được mở rộng, đa dạng và phong phú hơn.

Năm 2020, do tác động của đại dịch Covid-19, ảnh hưởng của thiên tai và lũ lụt cũng như các biện pháp phong tỏa và giãn cách xã hội khiến hoạt động thương mại giữa hai nước gặp một số trở ngại, khó khăn. Tuy nhiên, thương mại hai nước đã tăng trưởng mạnh mẽ trở lại trong các tháng đầu năm 2021.

Tính đến hết 5 tháng đầu năm 2021, kim ngạch thương mại Việt Nam - Lào đạt 570,7 triệu USD, tăng 39,3% so với cùng kỳ năm 2020, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm 2019 (trước khi có đại dịch Covid-19). Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Lào đạt 280,3 triệu USD, tăng 23,5% so với cùng kỳ năm 2020. Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Lào đạt 290,4 triệu USD, tăng 58,9% so với cùng kỳ năm 2020.

Thúc đẩy hợp tác Việt - Lào, Bộ GTVT đề xuất cải tạo 05 tuyến quốc lộ kết nối với Lào
Các tuyến quốc lộ được đề xuất để nâng cao khả năng kết nối góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội giữa 2 nước.

Mặc dù bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19, lượng hàng hóa XNK trong năm qua cửa khẩu Tây Trang, Na Mèo, Cha Lo và La Lay vẫn đạt 2.124 triệu USD với 4.829 nghìn tấn hàng hóa, 316 nghìn lượt phương tiện và gần 800 nghìn lượt hành khách xuất nhập cảnh.

Với lượng hàng hóa, phương tiện và hành khách thông quan như vậy thì việc nâng cấp mở rộng các tuyến đường để đáp ứng nhu cầu vận tải là rất cần thiết và cấp bách trong bối cảnh vẫn còn rất nhiều thách thức trong đầu tư phát triển cho các khu vực này, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông kết nối khu vực.

Trên cơ sở thảo luận với WB về kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025 và rà soát các dự án liên kết vùng trọng điểm, Bộ GTVT đã thống nhất thực hiện đề xuất Dự án nâng cấp, cải tạo 05 tuyến quốc lộ kết nối với Lào: 279, 217, 12C, 12A và 15D.

Dự kiến đầu tư 245 km góp nâng cao năng lực thông hành

Theo Bộ GTVT, việc triển khai Dự án nâng cấp, cải tạo 05 tuyến quốc lộ kết nối với Lào sẽ góp phần nâng cao năng lực thông hành, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao, rút ngắn khoảng cách giữa các cửa khẩu với các cảng biển, giảm thời gian chạy xe qua đó giảm được chi phí vận tải, giảm ô nhiễm môi trường, giảm thiểu tai nạn giao thông, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng dự án; tăng cường kết nối hành lang Đông - Tây, góp phần thúc đẩy giao thương với Lào và vùng Đông Bắc Thái Lan.

Bộ GTVT dự kiến tổng chiều dài ĐTXD của Dự án gồm 05 tuyến quốc lộ 279, 217, 12C, 12A và 15D khoảng 245 km. Trong đó, tuyến Quốc lộ 279 đoạn Điện Biên - cửa khẩu Tây Trang, tỉnh Điện Biên có điểm đầu tại Km75+200 thuộc TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên; điểm cuối tại Km115+500 (cột mốc 113) thuộc huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Tổng chiều dài tuyến đầu tư khoảng 38,67 km.

Tuyến Quốc lộ 217 đoạn Quốc lộ 1 - đường Hồ Chí Minh, tỉnh Thanh Hóa, có điểm đầu tại nút giao với Quốc lộ 1 thuộc thị trấn Hà Trung, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa; điểm cuối tại nút giao với đường Hồ Chí Minh thuộc thị trấn Phong Sơn, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa; tổng chiều dài tuyến đầu tư khoảng 59,42 km.

Tuyến Quốc lộ 12C đoạn cảng Vũng Áng - đường Hồ Chí Minh, tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình, có điểm đầu tại Km0+000 khu vực Cảng Vũng Áng thuộc thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh; điểm cuối: tại Km98+000 (giao với đường Hồ Chí Minh tại Km879+800) thuộc huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình; tổng chiều dài tuyến đầu tư khoảng 89,35 km.

Tuyến Quốc lộ 12A đoạn Khe Ve - cửa khẩu Cha Lo, tỉnh Quảng Bình, có điểm đầu tại Km104+000 (giao với đường Hồ Chí Minh tại Km873+400) thuộc huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình; điểm cuối: tại Km142+000 khu vực cửa khẩu Cha Lo thuộc huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình; tổng chiều dài tuyến đầu tư khoảng 38,00 km.

Tuyến Quốc lộ 15D đoạn Quốc lộ 1 - Cao tốc Cam Lộ - La Sơn và đoạn đường Hồ Chí Minh - cửa khẩu La Lay, tỉnh Quảng Trị, tổng chiều dài tuyến khoảng 20,50 km gồm 2 đoạn. Đoạn từ Quốc lộ 1 đến cao tốc Cam Lộ - La Sơn dài 8,40 km, có điểm đầu tại nút giao với Quốc lộ 1 (Km781+587) thuộc xã Hải Lâm, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị; điểm cuối: tại Km22+000 (giao với cao tốc Cam Lộ - La Sơn tại Km30+497), thuộc địa phận xã Hải Trường, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.

Đoạn từ đường Hồ Chí Minh đến cửa khẩu La Lay dài 12,09 km, có điểm đầu tại Km80+000 (giao với đường Hồ Chí Minh nhánh Tây tại Km305+347), thuộc địa phận xã A Ngo, huyện Đắk Rông, tỉnh Quảng Trị; điểm cuối: tại Km91+694 khu vực cửa khẩu La Lay, thuộc địa phận xã A Ngo, huyện Đắk Rông, tỉnh Quảng Trị.

Thời gian thực hiện dự án là 05 năm sau khi Hiệp định tài trợ có hiệu lực, dự kiến từ năm 2024 đến năm 2028, với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 8.532 tỷ đồng, tương đương khoảng 369,68 triệu USD. Trong đó, xây dựng thiết bị hơn 5.700 tỷ đồng; quản lý dự án, tư vấn ĐTXD hơn 684,4 tỷ đồng; GPMB hơn 1.000 tỷ đồng; dự phòng hơn 1.100 tỷ đồng.

Dự kiến vốn vay IBRD của WB khoảng 6.739 tỷ đồng cho các hạng mục: Chi phí xây dựng, thiết bị trước thuế; chi phí tư vấn thiết kế kỹ thuật, tư vấn thiết kế bản vẽ thi công trước thuế; chi phí tư vấn giám sát thi công trước thuế; chi phí dự phòng cho các hạng mục. Vốn đối ứng khoảng 1.792 tỷ đồng cho các hạng mục: Chi phí quản lý dự án, tư vấn đầu tư xây dựng còn lại, chi phí khác; chi phí giải phóng mặt bằng; các loại thuế, phí; chi phí dự phòng cho các hạng mục.