Chính phủ quy định chi tiết danh mục

Tại dự thảo Luật Giá (sửa đổi) đã củng cố nguyên tắc xác định Danh mục hàng hóa, dịch vụ Nhà nước định giá đảm bảo chặt chẽ, phù hợp với thực tiễn yêu cầu quản lý và các nguyên tắc thị trường. Ngoài ra, dự luật giao thẩm quyền cho Chính phủ quy định chi tiết danh mục; đẩy mạnh phân công, phân cấp nhiệm vụ định giá cho các bộ, ngành, địa phương, qua đó phân định rõ về nhiệm vụ, trách nhiệm trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ gắn với chuyên môn, chuyên ngành.

Về tiêu chí xác định hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, bên cạnh 3 tiêu chí tại Luật Giá 2012 tiếp tục được kế thừa thì tại dự luật sửa đổi đã bổ sung thêm tiêu chí "Hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có tính chất độc quyền trong mua bán hoặc có thị trường cạnh tranh hạn chế và ảnh hưởng lớn đến kinh tế xã hội, đời sống người dân, sản xuất kinh doanh”, nhằm đảm bảo phù hợp với thực tiễn hiện nay, một số mặt hàng đã được bổ sung tại các luật chuyên ngành và sẽ được cập nhập tại Luật Giá.

Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Văn Chung
Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Văn Chung

Theo Bộ Tài chính, qua rà soát cho thấy, những mặt hàng đã được bổ sung tại các luật chuyên ngành thời gian qua có tính chất độc quyền hoặc thị trường cạnh tranh nên việc bổ sung vào danh mục để có sự điều tiết nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hoặc các mục tiêu an sinh, phát triển kinh tế xã hội là phù hợp. Việc bổ sung tiêu chí trên về cơ bản đảm bảo không quá rộng để tránh các trường hợp không thật sự cần thiết.

Về Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, tại nội dung chính sách đã đề xuất giao thẩm quyền cho Chính phủ quy định chi tiết danh mục trên cơ sở các nguyên tắc được quy định tại luật nhằm tăng cường sự linh hoạt trong thực tiễn triển khai.

Bộ Tài chính cho biết, vấn đề này cũng còn có nhiều ý kiến khác nhau ngay trong khâu xây dựng chính sách. Khi tiến hành soạn thảo luật, trên cơ sở đánh giá kỹ hơn cho thấy để có thể khắc phục được những tồn tại, hạn chế trong thời gian vừa qua thì giải pháp tối ưu là vẫn tiếp tục kế thừa để quy định chi tiết danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá tại luật, gắn với đó là quy định rõ hình thức, thẩm quyền trách nhiệm định giá của các cấp cơ quan quản lý (tương tự như danh mục tại Luật Phí, lệ phí). Quy định này mặc dù thay đổi so với phương án chính sách đề xuất áp dụng nhưng cũng đã được đánh giá tác động chi tiết.

Có thể điều chỉnh danh mục linh hoạt điều hành

Trên cơ sở đó, Chính phủ đề xuất, luật quy định chi tiết Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá kèm theo thẩm quyền, hình thức định giá cụ thể. Trường hợp phát sinh phải điều chỉnh Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh lập đề nghị điều chỉnh gửi Bộ Tài chính tổng hợp, trình Chính phủ xem xét, quyết định.

Việc giao Chính phủ xem xét, quyết định việc điều chỉnh danh mục tạo sự linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành. Ngoài ra, để hạn chế việc phát sinh bổ sung hàng hóa, dịch vụ không cần thiết, đã bổ sung nguyên tắc việc điều chỉnh danh mục phải trên cơ sở đánh giá sự cần thiết, tính phù hợp với 4 tiêu chí xác định và quy trình trình Chính phủ cụ thể, chặt chẽ.

Chính phủ đã rà soát, cập nhập Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá hiện đang được quy định tại Luật Giá và các luật chuyên ngành gồm 52 nhóm hàng hóa, dịch vụ: có 17 nhóm hàng hóa, dịch vụ hiện được quy định tại Luật Giá hiện hành; có 35 nhóm hàng hóa, dịch vụ hiện được quy định tại luật chuyên ngành (trong đó có 17 hàng hóa, dịch vụ được chuyển từ phí sang định giá theo quy định tại Luật Phí, lệ phí 2017 và tại Nghị định 149/2016/NĐ-CP).

Qua rà soát, Bộ Tài chính đề xuất đưa ra khỏi danh mục 14 nhóm hàng hóa, dịch vụ không phù hợp với 4 tiêu chí xác định hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá đã đề ra tại luật và thực hiện theo cơ chế giá thị trường.

Theo chuyên gia kinh tế, PGS,TS. Ngô Trí Long, dự thảo luật đã bao quát được các nhóm hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá. Việc quy định các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá là rất cần thiết, nhằm bình ổn giá đối với một số loại hàng hóa thiết yếu, có ảnh hưởng tới đời sống người dân.

Nhà nước định giá sách giáo khoa và hàng hóa phục vụ quốc phòng, an ninh

Theo dự thảo Luật Giá (sửa đổi), sách giáo khoa là mặt hàng có thị trường cạnh tranh hạn chế, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân. Mặt hàng này được Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị bổ sung vào Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá. Tại nghị quyết kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV đã thống nhất, yêu cầu bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá khi sửa đổi Luật Giá. Việc định giá mặt hàng này sẽ giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo định giá cụ thể.

Ngoài ra, Nhà nước định giá đối với hàng hóa, dịch vụ phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh thực hiện đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các đơn vị, doanh nghiệp quốc phòng, an ninh sản xuất. Theo Bộ Tài chính, mặt hàng này do Bộ Quốc phòng đề nghị bổ sung vào danh mục, vì thuộc trường hợp Nhà nước độc quyền sản xuất, kinh doanh theo quy định tại Luật Thương mại và Nghị định 94/2017/NĐ-CP, phù hợp với các tiêu chí tại luật.

Như vậy, theo Bộ Tài chính, qua rà soát đối với 52 nhóm hàng hóa, dịch vụ, đã đưa ra khỏi danh mục 14 nhóm hàng hóa, dịch vụ và bổ sung thêm 2 nhóm hàng hóa, dịch vụ vào danh mục; danh mục cụ thể tại phụ lục ban hành kèm theo luật sẽ gồm 40 nhóm hàng hóa, dịch vụ.

Về thẩm quyền và trách nhiệm định giá đã bám sát định hướng chính sách về việc tăng cường phân công, phân cấp trong quản lý nhà nước về giá nói chung cũng như định giá nhà nước nói riêng. Theo đó, tại dự thảo luật đã bỏ cấp định giá Chính phủ và quy định rõ về nguyên tắc xác định thẩm quyền định giá của Thủ tướng Chính phủ, cấp bộ và UBND cấp tỉnh.

Chính phủ sẽ chỉ định hướng các mục tiêu quản lý, điều hành giá chung, ban hành hoặc chỉ đạo các bộ ban hành các văn bản dưới luật nhằm tạo hành lang pháp lý đầy đủ, thuận lợi cho công tác tổ chức thực hiện. Việc quy định như trên cũng phù hợp với nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ chỉ định giá đối với một số mặt hàng chiến lược, đặc biệt quan trọng mà khi điều chỉnh giá cần xem xét toàn diện đến nhiều yếu tố kinh tế vĩ mô, đời sống người dân (tại danh mục kèm theo luật quy định thẩm quyền Thủ tướng Chính phủ quyết định cơ cấu, biểu giá bán lẻ điện bình quân, khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân).

Trên cơ sở đó, thẩm quyền, trách nhiệm định giá các hàng hóa, dịch vụ cụ thể sẽ cơ bản được giao cho cấp bộ theo lĩnh vực quản lý hàng hóa, dịch vụ và UBND cấp tỉnh theo phạm vi địa bàn quản lý. Việc phân công, phân cấp như vậy là phù hợp với công tác tổ chức thực hiện trong thực tiễn, phân định rõ ràng giữa nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương để thuận lợi triển khai, tránh sự đùn đẩy trách nhiệm.