vụ pháp chế (bộ tài chính) tổng kết

Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn phát biểu chỉ đạo tại hội nghị tổng kết năm 2018 của Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính) sáng ngày 9/1/2019. Ảnh: Đức Minh

Báo cáo tại hội nghị, bà Hồ Thị Hằng - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính) cho biết, trong năm 2018, Vụ đã tiếp nhận 7.197 công văn phải xử lý gồm: 474 công văn phải trình Bộ để trả lời các bộ, ngành, địa phương; 161 công văn đề nghị thẩm định và cung cấp ý kiến pháp lý đối với văn bản quy phạm pháp luật (QPPL); 6.562 công văn tham gia ý kiến với các đơn vị thuộc Bộ để giải đáp, xử lý vướng mắc trong thực hiện văn bản quy phạm pháp luật.

Các nhiệm vụ công tác pháp chế khác được triển khai toàn diện theo chương trình, kế hoạch được phê duyệt. Trong đó, một số nhiệm vụ được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của ngành và được lãnh đạo Bộ chỉ đạo sát sao, quyết liệt như: công tác thực hiện các chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; kiểm tra văn bản và theo dõi thi hành pháp luật…

Nhiều nhiệm vụ công tác pháp chế được đổi mới cách thức, phương thức thực hiện nên đã bảo đảm yêu cầu về tiến độ và chất lượng công việc, qua đó góp phần vào kết quả chung của Bộ như công tác lập, theo dõi, thực hiện chương trình xây dựng văn bản QPPL; công tác thẩm định văn bản QPPL...;

Công tác phối hợp giữa Vụ Pháp chế với các đơn vị thuộc Bộ được chủ động hơn nên đã kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh gấp.

Theo ông Ngô Hữu Lợi - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính), để đạt được các kết quả nêu trên có thể thấy ngoài sự đoàn kết, nhất trí và sự nỗ lực, cố gắng của tập thể cán bộ, công chức, Vụ Pháp chế luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ Tài chính, sự phối hợp, hỗ trợ, giúp đỡ nhiệt tình, trách nhiệm của các đơn vị trong và ngoài Bộ để hoàn thành nhiệm vụ và nâng cao chất lượng công tác.

Tại hội nghị, đại diện các đơn vị vụ, cục thuộc Bộ Tài chính cũng đã thẳng thắn nêu lên những khó khăn, hạn chế trong công tác pháp chế. Trong đó, có những khó khăn đáng chú ý như việc phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ để đề xuất lập chương trình và đôn đốc thực hiện chương trình pháp luật có lúc còn chưa được sát sao nên vẫn còn tình trạng phải điều chỉnh chương trình.

Ngoài ra, trong tổ chức triển khai nhiệm vụ công tác pháp chế, một số nhiệm vụ mới đòi hỏi có kỹ năng cao như công tác phân tích chính sách trong lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; đánh giá tác động về giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật,...

vụ pháp chế (bộ tài chính) tổng kết
Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính) Ngô Hữu Lợi phát biểu tiếp thu các ý kiến tại hội nghị. Ảnh: Đức Minh

Phát biểu chỉ đạo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn đã ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những kết quả mà tập thể cán bộ, công chức, viên chức Vụ Pháp chế đã đạt được trong năm 2018.

Về nhiệm vụ năm 2019, Thứ trưởng đề nghị Vụ Pháp chế cần tiếp tục phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ hoàn thiện hồ sơ để làm thủ tục trình Chính phủ thông qua đề nghị xây dựng hoàn thiện các dự án Luật; chủ trì soạn thảo, trình Bộ các văn bản, đề án theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Thứ trưởng cũng yêu cầu Vụ đẩy mạnh thực hiện, bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ rà soát, hệ thống hóa các cam kết quốc tế, điều ước quốc tế làm cơ sở kiến nghị hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về tài chính cho phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, ký kết.

Thứ trưởng yêu cầu, Vụ Pháp chế nâng cao chất lượng công tác giám định các văn bản QPPL. “Việc thẩm định phải lưu ý ngoài nội dung văn bản còn phải đánh giá được tác động, trách nhiệm của các cơ quan liên quan, phản ứng thế nào,…? Các câu hỏi phải được trả lời nhanh trong quá trình giám định”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Đức Minh