BQV

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời phỏng vấn chiều 25/6.

Chiều 25/6, ngay sau cuộc họp của tổ công tác liên ngành về kinh tế vĩ mô, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã có cuộc trao đổi với các phóng viên về kết quả cuộc họp cũng như đánh giá chung về tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm.

P.V: Thưa Bộ trưởng, kết quả thống kê mới nhất cho thấy mức tăng CPI 6 tháng đầu năm hiện rất thấp và con số CPI dự báo nhiều tổ chức quốc tế đưa ra còn thấp hơn. Vậy điều này có phải là dấu hiệu đáng lo ngại hay không?

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Đúng là chỉ số CPI nước ta trong 6 tháng đầu năm rất thấp, có thể nói là thấp nhất 10 năm qua, theo tính toán của Tổng cục Thống kê. Nếu như CPI giảm thấp, kèm theo sự giảm sút của tăng trưởng GDP là điều đáng lo ngại, vì đó là dấu hiệu giảm phát. Tuy nhiên, CPI không chỉ giảm mạnh 6 tháng đầu năm nay mà ngay từ năm ngoái cũng đã giảm mạnh. Nguyên nhân lớn là do giá dầu thế giới giảm mạnh từ cuối năm 2014. Giá dầu giảm thì đầu vào hàng hoá, dịch vụ khác cũng giảm theo và khiến CPI giảm.

Nguyên nhân thứ hai là nguồn cung lương thực thực phẩm, chiếm tỷ trọng lớn trong rổ hàng hoá tính CPI, trong quý 1 liên tục ổn định. Bên cạnh CPI tăng thấp như vậy, sản xuất vẫn tăng. Trong quý 1, GDP ước tăng 6,03%, đến nay, Tổng cục Thống kê tính lại là 6,08%.

6 tháng đầu năm, tăng trưởng GDP của Việt Nam ở mức 6,28%, là mức cao nhất trong nhiệm kỳ này (từ năm 2011 trở lại đây), cũng có thể nói là tăng cao nhất trong 10 năm gần đây. Như vậy, CPI thấp không phải là vấn đề quá lo ngại, vì chúng ta vẫn đang tăng trưởng ổn định.

P.V: GDP tăng trưởng mạnh trong thời gian qua tập trung vào những khu vực nào, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Về chi tiết, có 2 khu vực tăng trưởng mạnh và đóng góp chủ yếu vào GDP 6 tháng đầu năm. Một là công nghiệp chế tạo, đây là khu vực liên tục tăng trưởng cao 3 năm qua, năm nay tăng trưởng 9% so với 6 tháng cùng kỳ. Hai là công nghiệp khai thác khoáng sản, trực tiếp là dầu khí và than, mà chủ yếu là dầu khí. Trong 6 tháng đầu năm, sản lượng khai thác dầu khí đạt 8,3 triệu tấn, là mức tăng rất cao so với 7,4 triệu tấn của 6 tháng đầu năm trước, đóng góp rất nhiều vào tăng trưởng GDP.

P.V: Vậy sau cuộc họp chiều 25/6, tổ công tác đánh giá thách thức lớn nhất của nền kinh tế thời gian tới là gì?

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Mục tiêu cuộc họp là đánh giá tình hình kinh tế nước ta trong 6 tháng đầu năm, và bàn giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng cho 6 tháng cuối năm. Đây là năm vô cùng quan trọng, năm kết thúc kế hoạch 5 năm, kết thúc nhiệm kỳ của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, bước sang giai đoạn mới. Chúng tôi đã phân tích đánh giá việc tăng trưởng của thời gian qua, tìm ra nguyên nhân, tăng trưởng ở đâu, khu vực nào?

Đánh giá chung, tình hình rất tốt khi tăng trưởng cao mà CPI giảm. Nhưng chúng ta cũng đang đối mặt với 3 thách thức lớn. Thứ nhất là lĩnh vực nông nghiệp vẫn đang giảm mạnh. Lý do là vì hạn hán, sản lượng kém, đặc biệt là giảm mạnh trong thủy sản, ảnh hưởng đến cả sản xuất và xuất khẩu. Tình hình xuất khẩu của chúng ta 6 tháng đầu năm cũng bị giảm mạnh. Trong khi đó, nông nghiệp là trụ đỡ, nền tảng cho nền kinh tế Việt Nam, thu hút nhiều lao động, liên quan đến an sinh xã hội… Đây là thách thức lớn mà chúng ta cần bàn bạc, chung lưng để giải quyết.

Thách thức thứ hai là xuất nhập khẩu. 3 năm qua chúng ta xuất siêu nên cán cân thanh toán luôn thặng dư, dự trữ ngoại tệ tăng. Tuy nhiên, vào 6 tháng đầu năm, chúng ta bắt đầu nhập siêu, đến nay đã là 4,7% so với kim ngạch xuất khẩu, mà chỉ tiêu Quốc hội duyệt chỉ là 5%. Nếu nhập siêu vượt lên quá giới hạn này sẽ tác động đến nhiều vấn đề. Một là mất cân bằng cán cân thanh toán ngoại tệ, giảm dự trữ ngoại tệ, lớn hơn nữa là áp lực lớn lên tỷ giá. Để giải quyết vấn đề này, chúng ta phải thúc đẩy xuất khẩu, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp, vì nông nghiệp nhập ít xuất nhiều, nên mamg lại giá trị xuất siêu cao. Đồng thời, kiểm soát các mặt hàng nhập khẩu không thiết yếu, xa xỉ… chúng ta có hàng rào kỹ thuật để làm việc này.

Vấn đề thứ ba là đấu tranh với buôn lậu, hàng giả, hàng nhái để thúc đẩy sản xuất trong nước. Chúng ta thấy là công nghiệp chế biến chế tạo đóng góp lớn vào GDP, nhưng thật ra tỷ trọng đóng góp của khu vực FDI rất cao, kể cả trong giá trị gia tăng, trong GDP, trong xuất khẩu… Điều đó cũng tốt, nhưng chúng ta cần có khu vực kinh tế của Việt Nam, trực tiếp là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp tư nhân phát triển mạnh. Từ đó, chúng ta có thương hiệu Việt Nam, tự chủ nền kinh tế tốt hơn, đóng góp vào tăng trưởng nhiều hơn. Đây là điều chúng tôi rất trăn trở, làm sao sớm vực dậy khu vực doanh nghiệp này, để tăng trưởng bền vững hơn trong tương lai.

PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng!

H.Y