KBNN Dan Phuong

Hoạt động giao dịch tại Kho bạc Nhà nước Đan Phượng.

Tuy vậy, Bộ trưởng nhận định, chúng ta có thể thực hiện tốt hơn nữa nhưng trong quá trình triển khai một số nhiệm vụ còn chậm, như: cơ cấu lại các đơn vị sự nghiệp công lập; sắp xếp tổ chức bộ máy…

* PV: Thưa Bộ trưởng, năm nay là năm thứ 4 liên tiếp thu ngân sách nhà nước (NSNN) dự kiến vượt dự toán, bội chi được kiểm soát ở mức độ thấp. Xin Bộ trưởng đánh giá về kết quả này của Bộ Tài chính?

- Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Thực hiện thu NSNN 9 tháng đầu năm đạt 77,5% dự toán. Đây là tiến độ thu đạt cao nhất so với cùng kỳ một số năm gần đây (năm 2016 là 72,1%; năm 2017 là 69,8%; năm 2018 là 75,3%) và tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2018. Chính phủ đã báo cáo Quốc hội ước thu cả năm vượt 3,3% so với dự toán. Nhưng trong điều hành, chúng tôi đang phấn đấu mức tăng khoảng 5% so với dự toán.

Về cân đối NSNN, Chính phủ dự kiến bội chi NSNN cả năm là 3,4% (giảm 0,2% so với dự toán).

Bo truong
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng


Đạt được những kết quả đó là do triển khai các nghị quyết của Quốc hội, ngay từ đầu năm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, điều hành các chính sách vĩ mô, trong đó có chính sách tài chính – NSNN chặt chẽ, bám sát tình hình thực tiễn, tận dụng các cơ hội, kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc phát sinh.

Trên cơ sở đó đã đạt được kết quả tích cực và toàn diện. Các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo, tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao, lạm phát được kiểm soát… dẫn đến số thu ngân sách đạt cao. Đây là nền tảng quan trọng nhất để đảm bảo thu ngân sách tăng trưởng bền vững.

Triển khai nghị quyết của Chính phủ từ ngày đầu, tháng đầu của năm, ngành Tài chính đã quyết liệt thực hiện công tác quản lý thu thuế. Công tác quản lý thu NSNN đã được chú trọng, nhất là đối với các lĩnh vực, địa bàn trọng điểm, đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản phát sinh; phối hợp chặt chẽ các lực lượng chức năng tăng cường thanh, kiểm tra, chống thất thu, chống chuyển giá, buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế. 9 tháng năm 2019, cơ quan thuế, hải quan đã thực hiện gần 67,4 nghìn cuộc kiểm tra thuế tại doanh nghiệp và kiểm tra sau thông quan, trên cơ sở đó đã thu nộp vào NSNN gần 12,1 nghìn tỷ đồng, giảm khấu trừ gần 1,7 nghìn tỷ đồng, giảm lỗ 26,65 nghìn tỷ đồng. Qua đó, góp phần tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp và tăng thu cho NSNN.

Cùng với đổi mới phương thức quản lý, ngành Tài chính đã tăng cường cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là về thuế, hải quan, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người nộp thuế.

* PV: Có ý kiến cho rằng, tỷ trọng chi thường xuyên có giảm nhưng còn chậm. Bộ trưởng nhận định về điều này ra sao và thời gian tới cần có giải pháp nào để tiếp tục giảm chi thường xuyên, thưa Bộ trưởng?

- Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Qua đánh giá dự toán NSNN năm 2019 và 2020, tôi cho rằng, cơ cấu chi ngân sách đã có chuyển dịch tích cực, cơ bản vượt các chỉ tiêu của Kế hoạch 5 năm giai đoạn 2016 - 2020. Thực hiện theo các nghị quyết của Trung ương và của Quốc hội, điều đáng phấn khởi là thu NSNN 5 năm đạt dự toán, tỷ lệ huy động vào NSNN đạt mục tiêu đề ra. Về chi NSNN, tỷ trọng dự toán chi đầu tư phát triển tăng dần qua các năm (dự toán năm 2017 là 25,7%, dự toán năm 2018 là 26,2%, năm 2019 là 26,3% và năm 2020 dự kiến là 26,9%), trong tổ chức thực hiện ước đạt 27 - 28% (mục tiêu là 25 - 26%). Tổng chi đầu tư phát triển giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 2,15 triệu tỷ đồng, vượt kế hoạch đề ra (2 triệu tỷ đồng).

Cùng với đó, tỷ trọng chi thường xuyên giảm dần. Nếu dự toán năm 2017 ở mức 64,4% thì đến năm 2020 đã giảm xuống còn 60,5% trong tổng chi NSNN (trong khi mục tiêu là dưới 64%), trong điều kiện hàng năm phải đảm bảo nguồn tăng lương 7% theo nghị quyết của Quốc hội và các nhiệm vụ cấp thiết khác. Như vậy, chúng ta đã đạt và vượt mục tiêu đề ra. Có thể thấy rằng, chi thường xuyên đã giảm rất nhanh và sâu. Tuy vậy tôi cho rằng, chúng ta có thể làm tốt hơn nữa nhưng hiện nay triển khai một số nhiệm vụ còn chậm. Cụ thể như cơ cấu lại, đẩy nhanh tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập và sắp xếp lại tổ chức, bộ máy, tinh giản biên chế.

Trên thực tế, nhiều bộ, ngành, địa phương đã đạt kết quả tích cực, nhưng vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra. Chúng ta phải đạt được mục tiêu đề ra thì mới cơ cấu lại NSNN tốt hơn, tiết giảm chi thường xuyên trong tổng chi NSNN tốt hơn.

* PV: Trong cơ cấu chi ngân sách, số chi từ nguồn ngân sách trung ương (NSTW) còn khá khiêm tốn. Thưa Bộ trưởng, cần phải làm gì để cơ cấu lại, đảm bảo vai trò chủ đạo của NSTW?

- Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Trong yêu cầu của Hiến pháp năm 2013 và Luật NSNN thì NSTW phải giữ vững vai trò chủ đạo, bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ chi quốc gia, hỗ trợ địa phương chưa cân đối được ngân sách và bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương.

Theo dự toán năm 2020 đang được trình Quốc hội, thì dự toán chi đầu tư phát triển là 470,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 26,9% tổng chi NSNN. Tỷ lệ này đã tăng dần qua các năm, dự toán năm 2017 là 25,7%; năm 2018 là 26,2%; năm 2019 là 26,3%, vượt mục tiêu giai đoạn 2016 - 2020 là bình quân 25 - 26%.

Trong đó, chi đầu tư phát triển của NSTW là 220 nghìn tỷ đồng, tăng 23,1 nghìn tỷ đồng so với dự toán năm 2019, chiếm 46,7% tổng chi đầu tư phát triển. Điều này đã thể hiện vai trò chủ đạo của NSTW, đã được cải thiện hơn theo đúng tinh thần của Hiến pháp và Luật NSNN.

Tuy nhiên, thời gian qua thu NSTW giảm sâu, là do giảm của thu thuế xuất nhập khẩu, thu từ dầu thô (phần NSTW hưởng 100%). Thu từ dầu thô năm 2020 chỉ còn khoảng 3% tổng thu; thu từ thuế xuất nhập khẩu cũng giảm còn 13% tổng thu ngân sách. Do giảm sâu của 2 khoản thu thuộc 100% NSTW nên tỷ trọng thu NSTW trong tổng thu cân đối NSNN của giai đoạn 2016 - 2020 đang bị giảm so với yêu cầu đề ra (mục tiêu là 60 - 65%, ước đạt 56%).

Về chi đầu tư, tổng chi cho đầu tư phát triển của ngân sách nói chung hàng năm đều năm sau cao hơn năm trước và vượt mục tiêu, đạt 26 - 27%, trong khi mục tiêu đề ra là từ 25 - 26%.

Phần chi đầu tư của NSTW đều năm sau cao hơn năm trước và tốc độ bố trí cho chi đầu tư phát triển của NSTW đều cao hơn tốc độ tăng chi của cả nước và tốc độ tăng chi chung. Nhưng khi đánh giá, chúng tôi thấy rằng, theo Điểm d Khoản 3 Điều 40 của Luật NSNN quy định hàng năm NSTW hỗ trợ có mục tiêu chi đầu tư phát triển cho các địa phương để thực hiện một số chương trình, dự án lớn, đặc biệt quan trọng có tác động lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nên khi đánh giá chi đầu tư của NSTW phải bao gồm cả khoản chi này, chứ không phải chỉ đánh giá phần còn lại sau khi đã bố trí hỗ trợ cho ngân sách địa phương.

Tuy vậy, tỷ lệ chung chưa đảm bảo do nguyên tắc bố trí và do yêu cầu, định mức phân bổ vốn đầu tư hiện nay cũng phải điều chỉnh trong thời gian tới để đảm bảo chi cho NSTW bố trí cho chi đầu tư cao hơn, đảm bảo nhiệm vụ của trung ương cho các dự án trọng điểm, liên vùng, liên tỉnh và đặc biệt đảm bảo cho quốc phòng an ninh.

* PV: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Minh Anh (ghi)