Ngày 2/3/1946, tại Nhà hát Lớn Hà Nội diễn ra kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa I – Quốc hội đầu tiên của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Được Quốc hội ủy nhiệm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc báo cáo trước toàn thể đại biểu của quốc dân việc thành lập Chính phủ kháng chiến và nội các Chính phủ với 15 thành viên gồm Chủ tịch, Phó chủ tịch, 10 Bộ trưởng, Cố vấn đoàn và 2 Kháng chiến ủy viên Hội.

Khi giới thiệu đến Bộ trưởng Bộ Tài chính Lê Văn Hiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh trân trọng khẳng định, đó là “một nhà cách mạng lẫm liệt nhiều năm, mà cũng nhiều năm ở trong tù tội của đế quốc”.

Bộ trưởng Lê Văn Hiến (ở giữa) cùng các đồng chí lãnh đạo Bộ Tài chính tại ATK.
Bộ trưởng Lê Văn Hiến (ở giữa) cùng các đồng chí lãnh đạo Bộ Tài chính tại ATK.

Vào thời điểm đồng chí Lê Văn Hiến tiếp nhận công việc điều hành Bộ Tài chính, một Bộ được coi là “bản lề” của một quốc gia, nền tài chính của Nhà nước cách mạng non trẻ cùng một lúc phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thử thách, đặc biệt là 3 thứ giặc: giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Ngân sách quốc gia lúc ấy hầu như không có gì, trong khi các thế lực phản động ra sức tăng cường các hoạt động phá hoại tận gốc nền kinh tế dân chủ nhân dân mới hình thành...

Với ý thức trách nhiệm cao, tuân thủ sự phân công của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bằng sự kiên trì tự học, nhất là sự ứng xử từng trải, nghĩa tình, tư cách mẫu mực và khả năng tổ chức, Bộ trưởng Lê Văn Hiến đã quy tụ, hoạch định, phát huy sức mạnh, sự quyết tâm của tập thể cán bộ nhân viên của ngành Tài chính nỗ lực xây dựng và phát triển ngành vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân giao phó.

Bộ trưởng Lê Văn Hiến lãnh đạo Bộ Tài chính thực hiện hiệu quả đường lối kháng chiến kiến quốc trong công cuộc kháng chiến (1946 – 1954) và khôi phục phát triển kinh tế trong thời kỳ đầu hòa bình ở miền Bắc (1955 – 1958).

Nhà làm việc của Bộ trưởng Bộ Tài chính tại ATK (xã Tú Thịnh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang).
Nhà làm việc của Bộ trưởng Bộ Tài chính tại ATK (xã Tú Thịnh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang).

Những nét lớn và tổng quát của công tác tài chính trong suốt thời kỳ 9 năm kháng chiến đã được thực hiện là: Chuẩn bị lương thực, kho tàng thóc gạo, muối, xăng dầu, cho kháng chiến lâu dài; tổ chức cơ sở vững chắc lâu dài in giấy bạc Cụ Hồ, nguồn lực cấp phát chủ yếu để nuôi bộ đội, bộ máy Nhà nước và đầu tư cho nông nghiệp, giao thông, y tế, giáo dục, văn hóa...; xây dựng và nuôi dưỡng các công xưởng (kể cả quân giới và dân sự); khôi phục quản lý các đồn điền, nông trại...

Đặc biệt là phát động hiệu quả, sôi nổi phong trào toàn dân tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm. Đây là chủ trương chính sách quan trọng và cơ bản nhất của nền tài chính toàn dân, vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, tạo của cải nguồn lực, cơ sở vật chất, hàng hóa có thặng dư, đóng góp cung cấp phục vụ cho công cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện. Tiêu biểu như: Về sức người là dân công, dân quân, du kích, cung cấp bộ đội chủ lực; ở nhà dân, làm trụ sở cơ quan; thực hiện giảm tô, giảm tức, bộ đội giúp dân gặt hái, khoan sức để dân phát triển nông nghiệp; thu thuế công thương nghiệp hợp lý với hoàn cảnh kháng chiến; các sắc thuế chuyển đổi hàng hóa ở hai vùng tự do tạm chiếm...

Thời kỳ từ những năm 1950 trở đi thực hiện thuế nông nghiệp là một sáng tạo, thu thuế chủ yếu, chủ lực của ngành Tài chính, huy động sức dân lúc bấy giờ, là một khoản thu tính cả diện tích, sản lượng, thu nhập, doanh số - thu hiện vật là chính sau có điều kiện mới chuyển bằng thu tiền.

Đồng chí Lê Văn Hiến (15/09/1904-15/11/1997) là một chiến sĩ cách mạng tiêu biểu thuộc thế hệ đầu tiên của cách mạng Việt Nam, một cán bộ lãnh đạo tài đức của Đảng và nhân dân ta. Quãng thời gian hơn 12 năm giữ trọng trách Bộ trưởng Bộ Tài chính, đồng chí Lê Văn Hiến là người đi đầu trong việc xây dựng nền móng phát triển ngành Tài chính. Với ý thức trách nhiệm cao, bằng sự kiên trì tự học, nhất là sự ứng xử từng trải, nghĩa tình, tư cách mẫu mực và khả năng tổ chức, Bộ trưởng Lê Văn Hiến đã quy tụ, hoạch định, phát huy sức mạnh, sự quyết tâm của tập thể cán bộ nhân viên ngành Tài chính nỗ lực xây dựng và phát triển ngành vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân giao phó.

Thứ thuế này coi như linh hồn, nguồn lực của nhân dân đóng góp cho kháng chiến giành thắng lợi, đã hóa thành tâm hồn, có những bài hát đi vào lịch sử thành truyền thống đến ngày nay, đó là bài “Đóng thuế nông” của nhạc sĩ Lê Lôi, cũng như có nhiều bài thơ, nhiều vở kịch và hoạt cảnh khác nói về thuế nông nghiệp, đóng góp cho kháng chiến, động viên nhân dân “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”.

Suốt 9 năm trường kỳ kháng chiến, công tác và sự nghiệp tài chính gắn bó keo sơn với dân tộc khắp mọi miền đất nước, từ khắp Bắc, Trung, Nam; khắp mọi vùng miền các cán bộ Tài chính là những chiến sỹ thực thụ; vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh, phấn đấu góp phần xương máu với Tổ quốc và nhân dân.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, giải phóng miền Bắc, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa bước vào thời kỳ mới, ngành Tài chính bước vào thời kỳ phục vụ cho công cuộc khôi phục kinh tế miền Bắc, vừa đồng thời triển khai hàng loạt những công việc quan trọng, ngành Tài chính vừa chủ động chuẩn bị xây dựng tổ chức cắt cử cán bộ cho lực lượng và hoạt động tài chính tại chiến trường B và C, chuẩn bị cho công cuộc giải phóng miền Nam. Củng cố phát triển hệ thống tài chính, ngân hàng, tiền tệ cải tiến và xây dựng hệ thống và chính sách thuế, có thuế xuất nhập khẩu, bước đầu tiếp nhận quản lý hàng viện trợ, củng cố hệ thống ngân sách trung ương và ngân sách xã… Chuẩn bị đi vào Đại hội Đảng lần thứ III và chuẩn bị kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, đến đây, thì đồng chí Lê Văn Hiến được chuyển sang công tác ở Ủy ban Kế hoạch Nhà nước và sau đó sang ngành Ngoại giao.

Quãng thời gian hơn 12 năm giữ trọng trách Bộ trưởng Bộ Tài chính, đồng chí Lê Văn Hiến thực sự là người cán bộ lãnh đạo mẫu mực, xuất sắc theo chuẩn mực đạo đức của người cán bộ mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”; là người đi đầu trong việc xây dựng nền móng phát triển ngành Tài chính.

Với tư cách đạo đức và lối sống của mình, Bộ trưởng Lê Văn Hiến luôn là niềm tự hào của các thế hệ cán bộ công chức, viên chức ngành Tài chính Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, không ngừng phát huy tính chủ động, sáng tạo và những thành tích to lớn của các thế hệ cán bộ ngành Tài chính trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa theo mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.