Tăng mức phạt, giảm thời gian hạ tin xấu độc từ 48 giờ xuống còn 24 giờ
Một số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đặt câu hỏi về vấn đề tin giả, tin xấu độc, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trên không gian số, tin giả lan truyền rất nhanh, rất rộng. Hiện nay, cơ quan có thẩm quyền đã ban hành các nghị định quy định rõ các hành vi, trách nhiệm của các bên liên quan. Thời gian mà các nhà mạng phải hạ thông tin sai sự thật, xấu độc từ 48 giờ xuống còn 24 giờ.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Ngăn chặn thông tin xấu độc thực sự khó khăn |
“Về mức phạt đưa thông tin sai phạm, hiện nay chúng ta tăng lên 3 lần, tuy nhiên so với các nước trên thế giới mức phạt của chúng ta chỉ bằng 1/10. Bộ TT&TT sẽ tham mưu cho Chính phủ xem xét cân nhắc đưa mức xử phạt lên mức răn đe” - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Nhấn mạnh việc ngăn chặn thông tin xấu độc thực sự là công việc khó khăn, Bộ trưởng cho rằng, giải pháp căn bản là cần có sự vào cuộc tích cực, chủ động của các bộ, ngành, các tổ chức, các gia đình. Khi toàn bộ xã hội vào cuộc thì mới giải quyết được căn cơ vấn đề này trên không gian mạng.
Lương lập trình viên 35 triệu đồng/tháng, Nhà nước không thể trả “Giữ chân lực lượng này thì phải có cơ chế ưu đãi, nhưng không thể có đặc thù khác biệt. Công nghệ số trở thành lực lượng sản xuất, nên xây dựng các nền tảng số, các trợ lý ảo để đỡ phần việc của cán bộ CNTT, giảm gánh nặng cho cán bộ. Nghĩa là phải đầu tư vào nền tảng. Lương 1 lập trình viên là 35 triệu đồng, nhà nước không thể trả được nên phải tăng cường nền tảng trợ lý ảo”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói. |
ĐB Lý Văn Huấn (Thái Nguyên) chất vấn về "chảy máu" chất xám, nhân tài lập trình, Bộ trưởng cho biết, nhiều quốc gia coi nhân tài là nguồn lực cơ bản, là yếu tố quyết định. Tại Việt Nam, có doanh nghiệp đã trả lương lập trình viên cao tương đương doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, chúng ta phải làm nhiều hơn nữa vì nếu không có nhân tài, không đủ nhân tài thì đất nước rất khó phát triển.
Chất vấn Bộ trưởng Bộ TT&TT, ĐB Trịnh Xuân An (Đồng Nai) nêu vấn đề: trên các nền tảng và trang mạng xã hội như Facebook, Zalo hay Tiktok thì vấn nạn hàng giả, hàng nhái được chào bán một cách rất công khai. Đây là một vấn nạn cần phải siết lại và cần phải xử lý. Bộ trưởng cho biết giải pháp trong thời gian tới để xử lý tình trạng này như thế nào?
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, quảng cáo sai sự thật trên không gian mạng là vấn đề khá nhức nhối. Cơ bản quy định pháp luật Việt Nam là phải đảm bảo thực hiện quảng cáo đúng pháp luật, tuy nhiên 2 năm gần đây có hình thức quảng cáo mới. Vừa qua Bộ TT&TT đã sửa các văn bản, nghị định và thanh tra kiểm tra để các cơ quan truyền thông ý thức việc này.
“Đối với các nền tảng xuyên biên giới, Bộ TT&TT sẽ chính thức thanh tra về vấn đề quảng cáo. Chúng tôi mong muốn các bộ, ngành, địa phương trong thẩm quyền cùng rà soát các lĩnh vực có liên quan đến ngành mình để kiểm tra, xử lý vấn đề này” - người đứng đầu ngành TT&TT đề nghị.
Trả lời câu hỏi của đại biểu về đội ngũ cán bộ công nghệ thông tin (CNTT) ở Việt Nam còn thiếu, yếu, cơ chế giữ chân họ như thế nào, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, qua thống kê, đội ngũ nhân lực CNTT trong cơ quan nhà nước hiện là 1%, các nước là 10%, Văn phòng Tổng thống Mỹ là 20%. Có nghĩa các nước rất coi trọng, chúng ta phải thực sự coi trọng để đẩy nhanh chuyển đổi số quốc gia.
Đại biểu tranh luận, hiến kế
Sau phần trả lời của Bộ trưởng Bộ TT&TT, một số ĐBQH bấm nút tranh luận. ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) bấm nút tranh luận, đề nghị Bộ trưởng làm rõ một số vấn đề, như: Tại sao vấn nạn sim rác vẫn tồn tại cho đến hôm nay? Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chưa được kết nối, đến 1/1/2023 người dân đến làm việc ở các cơ quan công quyền làm việc ra sao?
Trước đó, ĐB Đỗ Chí Nghĩa (Phú Yên) cũng bấm nút tranh luận. Theo ĐB, quản lý trên mạng sẽ khác ở ngoài đời về quản lý theo lãnh thổ, địa giới hành chính. Vì vậy, nếu chúng ta chỉ dùng biện pháp ngăn chặn thông tin và xử lý những tài khoản có vi phạm thì chẳng khác gì khi thực hiện phòng Covid-19 mới đeo khẩu trang, cách ly, phong tỏa… Theo ĐB, giải pháp căn cơ nhất là cần nâng cao sức đề kháng với các thông tin xấu độc.
ĐBQH tại phiên chất vấn sáng 4/11. |
ĐB Đỗ Chí Nghĩa cho rằng, chúng ta cũng cần cho công chúng có thể đọc được nhiều thông tin đa chiều, thông tin phản biện, nhiều thông tin tích cực nhưng phải mang tính thuyết phục cao, phải khuyến khích các tờ báo đi thẳng vào vấn đề nóng với một thái độ trách nhiệm, không né tránh và không phải chỉ khen một chiều mới hay.
“Bởi vì thực tế nếu thuốc bổ uống nhiều cũng có thể gây ngộ độc. Quan trọng nhất là phải không uống thuốc độc ngay từ đầu. Nếu để độc hại ngấm vào rồi uống giải độc thì chúng ta chắc chắn mãi mãi sẽ phải chạy theo, rất vất vả” - ĐB cho hay.
ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) nói về văn hóa mạng, do thời gian ít nên Bộ trưởng trả lời còn thiếu, nếu không có biện pháp thì không thể xây dựng văn hóa mạng tốt, văn minh được. Bộ trưởng cần quan tâm hơn, vì chỉ bộ quy tắc ứng xử của các bộ, ngành thì không đủ. Theo ĐB, vì người gây rối, người chọc ngoáy, thường không ở các bộ, ngành, mà là người tự do bên ngoài, thậm chí người ở nước ngoài.
ĐB Lê Hoàng Anh (Gia Lai) bấm nút tranh luận về trách nhiệm quản lý nhà nước đối với mạng xã hội. ĐB đặt câu hỏi: Vi phạm pháp luật của bà Nguyễn Phương Hằng, trách nhiệm của Bộ trưởng như thế nào(?) ĐB mong Bộ trưởng chia sẻ thêm, liệu có phải người vi phạm nhiều tiền thì chậm, nghe ngóng trước xử lý sau, vì có những vụ việc Bộ TT&TT xử lý vi phạm rất nhanh, hiệu quả.
Trả lời tranh luận của ĐB về sim rác, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng: “Đúng là tôi đã trả lời và nhận trách nhiệm cách đây 3 năm. Tôi cho rằng, trước khi cơ sở dữ liệu quốc gia ban hành, Bộ TT&TT đã loại 22 triệu sim, là việc rất vất vả, làm trong 3 năm. Điều đó phải ghi nhận nỗ lực của các doanh nghiệp và Bộ TT&TT”.
Trả lời câu hỏi của ĐB Nguyễn Anh Trí, Bộ quy tắc ứng xử là cho các cơ quan công quyền, các cơ quan khác có thể tham khảo bộ quy tắc này. Bộ trưởng nhất trí với đề xuất của ĐB về việc cần phải có sự vào cuộc của các cấp, các ngành, toàn xã hội./.
Không có chuyện không có tiền thì không làm Về vụ việc của bà Nguyễn Phương Hằng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, không có chuyện Nhà nước XHCN không có tiền thì không làm. Theo Bộ trưởng, sau vụ bà Nguyễn Phương Hằng, Bộ TT&TT đã sửa đổi nghị định liên quan đến vấn đề này trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành, trong đó, bổ sung quy định xử lý livestream trên mạng./. |