Nắm bắt tình hình để hỗ trợ địa phương kịp thời
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, mục đích cuộc làm việc hôm nay là để các bộ, ngành tiếp tục nắm bắt tình hình triển khai các nhiệm vụ được giao ở từng địa phương, xây dựng kịch bản tăng trưởng bám sát thực tiễn địa phương. Qua đó, làm rõ các chỉ tiêu chi tiết, phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể. Đồng thời, qua cuộc làm việc, các bộ, ngành và địa phương cùng trao đổi, nắm bắt các vướng mắc của địa phương để có hướng tháo gỡ triệt để, từ đó hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.
![]() |
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng chủ trì cuộc làm việc sáng 24/3. Ảnh: Đức Minh |
Ngày 24/2/2025, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 387/QĐ-TTg phân công Thành viên Chính phủ chủ trì làm việc với các địa phương về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng và xuất nhập khẩu trên địa bàn. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng được phân công làm việc với tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận. |
Báo cáo từ điểm cầu Ninh Thuận, đại diện tỉnh cho biết, tỉnh xây dựng kịch bản tăng trưởng năm 2025 đạt 13,5%, bảo đảm mục tiêu Chính phủ giao tại Nghị quyết 25/NQ-CP là 13%. Trong đó, xây dựng kịch bản tăng trưởng theo từng quý, giao nhiệm vụ, chỉ tiêu tăng trưởng cho từng ngành, lĩnh vực, địa phương triển khai thực hiện.
Từ đầu năm đến nay, tình hình sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục tăng trưởng tích cực. Hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại dịch vụ ổn định và tăng trưởng khá. Thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 1.880 tỷ đồng, đạt 34% dự toán. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 29,68 triệu USD, tăng 42,35% so với cùng kỳ. Ước thu hải quan đến 31/3/2025 đạt 32,5 tỷ đồng; tăng 2,2 lần so cùng kỳ, bằng 53% kế hoạch được giao.
![]() |
Đại diện địa phương phát biểu tại điểm cầu Ninh Thuận. Ảnh: Đức Minh. |
Tuy nhiên, tình hình quý 1 vẫn nổi lên một số khó khăn như giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp, bằng 9,5% kế hoạch; xuất khẩu thủy sản có chuyển biến nhưng giảm 6% so cùng kỳ; một số sản phẩm công nghiệp giảm. Hoạt động doanh nghiệp còn khó khăn, số doanh nghiệp thành lập mới giảm, số doanh nghiệp ngừng hoạt động và giải thể tăng so cùng kỳ. Dự báo kết quả tăng trưởng quý I ước khoảng 9,1% so với kế hoạch mục tiêu đề ra là 10,5%. Việc huy động nguồn lực xã hội hóa thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát còn nhiều khó khăn.
Tỉnh Ninh Thuận đã kiến nghị Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ một số nội dung. Trong đó có việc bố trí vốn để giải phóng mặt bằng cho dự án nhà máy điện hạt nhân; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án năng lượng tái tạo theo Nghị quyết 233, cũng như sớm điều chỉnh quy hoạch điện VIII, trong đó bổ sung các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, ban hành cơ chế giá điện; hỗ trợ bằng ngân sách trung ương để thực hiện 4 dự án hạ tầng giao thông…
![]() |
Đại diện địa phương phát biểu tại điểm cầu Bình Thuận. Ảnh: Đức Minh. |
Đối với Bình Thuận, lãnh đạo tỉnh cho biết UBND tỉnh Bình Thuận xây dựng kịch bản tăng trưởng GRDP 8 - 8,5%, phấn đấu tăng trưởng 10%. Kết quả tốc độ tăng trưởng quý I ước đạt 8,1%, nông - lâm - thủy sản tăng 3,5%, công nghiệp xây dựng tăng 10,06%, dịch vụ tăng 9,48%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 9.917,3 tỷ đồng. Ước giải ngân hết quý I đạt 772 tỷ đồng, đạt 15,63% kế hoạch Thủ tướng giao.
Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 275 triệu USD, đạt 24,54% kế hoạch, tăng 30,25% so cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 425,4 triệu USD, đạt 27,45% kế hoạch, tăng 36,32% so cùng kỳ.
Để tiếp tục tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất mục tiêu tăng trưởng trong năm 2025, lãnh đạo tỉnh đề nghị Chính phủ, các bộ ngành hỗ trợ giải quyết một số vướng mắc bao gồm: vướng mắc đối với Dự án Cảng hàng không Phan Thiết, hạng mục hàng không dân dụng theo hình thức hợp đồng BOT; tháo gỡ khó khăn liên quan đến một số dự án tồn đọng trên địa bàn, các dự án năng lượng tái tạo, đặc biệt là các dự án điện gió ngoài khơi; hướng dẫn sắp xếp, xử lý tài sản công…
Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam nhấn mạnh, việc tháo gỡ kịp thời các vướng mắc có ý nghĩa rất lớn để thúc đẩy tăng trưởng địa phương và trên cả nước. Đặc biệt đối với Ninh Thuận các dự án về năng lượng tái tạo, vốn là động lực số 1 của tỉnh nhưng 4 năm qua “nằm yên” do nhiều vướng mắc, không đóng góp được cho sự phát triển của địa phương. |
Tại cuộc họp, dưới sự điều hành của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, đại diện các bộ Công thương, Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng, Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã cùng trao đổi, cung cấp thông tin, làm rõ những vấn đề được hai địa phương nêu. Đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền địa phương, đại diện các bộ, ngành cũng đề nghị địa phương tích cực chủ động triển khai theo quy định.
Theo lãnh đạo địa phương, các kiến nghị đã được trả lời đầy đủ, rõ ràng, chi tiết, cùng với sự chỉ đạo cụ thể Bộ trưởng. Đây là cách làm này thiết thực, giải quyết vướng mắc của địa phương kịp thời và dứt điểm, tạo tiền đề quan trọng để địa phương thực hiện các nhiệm vụ tiếp theo.
Xử lý dứt điểm các kiến nghị, vướng mắc của địa phương
Phát biểu kết luận, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đánh giá cao và chúc mừng hai tỉnh về kết quả phát triển kinh tế xã hội như đã báo cáo, với điểm nhấn về tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách, đặc biệt trong bối cảnh quý 1 nhiều khó khăn. Điều này thể hiện sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo ở các địa phương.
![]() |
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng phát biểu kết luận cuộc làm việc. Ảnh: Đức Minh |
Đối với kiến nghị của các địa phương, Bộ trưởng đề nghị các bộ ngành có trả lời cụ thể, kịp thời. Một số nội dung các cơ quan có thể liên hệ trực tiếp để hướng dẫn, trao đổi, thay vì qua hình thức công văn để tiết kiệm thời gian.
Để đạt mục tiêu tăng trưởng cao trong cả năm, hoàn thành các nhiệm vụ về an sinh xã hội, Bộ trưởng đề nghị các bộ, ngành, 2 địa phương tiếp tục quan tâm chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm.
Một là, tập trung thực hiện các nhiệm vụ kinh tế xã hội trọng tâm của địa phương để đạt mục tiêu phấn đấu Chính phủ giao tại Nghị quyết số 25/NQ-CP để cả nước tăng trưởng ở mức 8% trở lên.
Hai là, triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết 193/2025/QH15 của Quốc hội, đẩy mạnh chuyển đổi xanh, thúc đẩy các ngành, lĩnh vực mới nổi.., khuyến khích hình thành các quỹ đầu tư mạo hiểm; xây dựng cơ chế, chính sách áp dụng mô hình "đầu tư công - quản trị tư", "đầu tư tư - quản trị công"...
Ba là, đối với tỉnh Ninh Thuận, đề nghị khẩn trương triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 189/2025/QH15 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt đầu tư xây dựng Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Bốn là, sớm ổn định tổ chức bộ máy sau khi sáp nhập, hợp nhất một số sở, ban ngành để đi vào hoạt động ổn định, liên tục, không làm gián đoạn công việc. Khẩn trương nghiêm túc triển khai các chủ trương của Đảng, Nhà nước về sáp nhập, sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, bỏ cấp huyện đảm bảo yêu cầu và lộ trình đề ra.
Năm là, đối với công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát, Bộ trưởng đề nghị 2 tỉnh khẩn trương triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo kết luận số 523/TB-VPCP ngày 16/11/2024 của Văn phòng Chính phủ và Công điện số 117/CĐ-TTg ngày 18/11/2024; ưu tiên bố trí nguồn lực để thực hiện, sớm hoàn thành trước ngày 31/10/2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Sáu là, xử lý dứt điểm các kiến nghị còn tồn tại theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được giao hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét xử lý. Các tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận chủ động, tích cực rà soát, xử lý những vấn đề nội tại của địa phương nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng phát triển kinh tế xã hội của địa phương, bảo đảm quốc phòng, an ninh tại địa bàn.