Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021: Để không “lỡ nhịp” xu thế phát triển của thế giới Quốc hội tổ chức Diễn đàn kinh tế xã hội thường niên Các chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp rất kịp thời và hiệu quả

Gói hỗ trợ nằm ngoài các kế hoạch 5 năm

Trả lời tại cuộc họp chiều 2/12 của Văn phòng Quốc hội và các cơ quan về chương trình “Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021: Phục hồi và phát triển bền vững”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, gói hỗ trợ phục hồi kinh tế là 1 trong 5 nội dung dự kiến trình Quốc hội trong kỳ họp bất thường tới đây.

Theo ông Vũ Hồng Thanh, trước tác động nặng nề của dịch Covid-19 thời gian qua, việc đặt ra gói hỗ trợ tiếp theo để phục hồi kinh tế là cần thiết. Mặc dù hiện Chính phủ chưa chính thức trình về gói này, song với tinh thần chủ động từ sớm từ xa, Chủ tịch Quốc hội đã cùng các cơ quan của Chính phủ, các chuyên gia, nhà khoa học đã bàn nhiều về nội dung này.

Về câu hỏi liệu gói này có ảnh hưởng đến nợ công, bội chi hay không, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng: “bối cảnh đặc biệt phải có chính sách đặc biệt”. Gói hỗ trợ này nằm ngoài các kế hoạch 5 năm về kinh tế xã hội, tài chính ngân sách, đầu tư công mà Quốc hội đã thông qua.

Theo nhiều chuyên gia, việc tăng nợ công, bội chi là cần thiết. Nếu chỉ tập trung trong 2 năm, mỗi năm dự kiến tăng bội chi thêm 1% GDP, thì các mức an toàn về nợ công, bội chi, nợ nước ngoài là nằm trong tầm kiểm soát.

Ủy ban Kinh tế
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, Diễn đàn sắp tới sẽ bàn bạc về việc gói này nên có quy mô, độ dài ra sao. Ở nhiều nước, gói hỗ trợ có tỷ lệ chính sách tài khóa – tiền tệ là khoảng 65% – 35%. Còn ở Việt Nam, các chương trình hỗ trợ triển khai 2 năm qua ước khoảng 4% GDP, cơ cấu tài khóa – tiền tệ là khoảng 72% – 28%, cũng tương tự các nước. Chính sách tài khóa chiếm phần nhiều hơn tiền tệ vì dư địa đang còn nhiều hơn.

Về vấn đề nguồn lực, ý kiến của Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh cho rằng cân nhắc theo tinh thần vay nhưng bảo đảm khả năng trả nợ, bảo đảm khả thi, đáp ứng được với mức độ hấp thụ của nền kinh tế. “Ta không sợ tăng trần nợ và bội chi mà vấn đề quan trọng là sử dụng hiệu quả”- Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh và nêu rõ yêu cầu của Quốc hội là có chương trình quản lý rủi ro trong quá trình huy động, quản lý, sử dụng nguồn chính sách tài khóa, tiền tệ phục hồi tăng trưởng. Theo đó phải đảm bảo công khai minh bạch, tránh trục lợi, tránh phân tán, cần tập trung trọng điểm và chống tham nhũng, lãng phí…

Rà soát lại các động lực tăng trưởng

Từ góc độ chuyên gia, nêu quan điểm về gói hỗ trợ phục hồi kinh tế, PGS.TS Bùi Quang Tuấn - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, gói hỗ trợ phải quy mô đủ lớn mới có đủ tác dụng, nếu không đảm bảo về lượng sẽ không đạt mục tiêu về chất. Mức nào là đủ thì phải tính toán, tất nhiên không quá lạm dụng để gây ra lạm phát như những năm 2008 - 2009. Theo tính toán của ông Bùi Quang Tuấn, quy mô gói hỗ trợ có thể khoảng 6 - 8% GDP.

Về nội dung triển khai, PGS.TS Bùi Quang Tuấn nhấn mạnh phải xác định lĩnh vực ưu tiên. Khủng hoảng từ nguyên nhân y tế vì vậy phải đi từ nâng cao năng lực y tế cơ sở, y tế dự phòng, chăm lo đời sống người dân. Gói phục hồi vì thế phải gồm cả kinh tế và xã hội chứ không chỉ phục hồi kinh tế.

Trong gói hỗ trợ, cần chia hai loại mục tiêu ngắn hạn và dài hạn. Ngắn hạn là phục hồi, hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời bằng nhiều công cụ tài khóa, tiền tệ, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi. Dài hạn là rà soát lại các động lực tăng trưởng để giúp Việt Nam tăng trưởng nhanh. “Chúng ta đang đi chậm, lệch nhịp với khu vực. Năm nay Việt Nam dự báo tăng trưởng 2% - 2,5%, còn thế giới là trên 5%. Vậy để thu hẹp khoảng cách phải rà soát lại các động lực giúp ta tăng trưởng nhanh, đó là khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế số…”- PGS.TS Bùi Quang Tuấn nhận định.

Đối với đầu tư công, Viện trưởng Viện Kinh tế đánh giá mặc dù có tác động nhưng có độ trễ và còn phụ thuộc năng lực hấp thụ ở nhiều địa phương. “Gói hỗ trợ thì cần nhưng cần hiệu quả và mang lại tác dụng ngay, chứ nếu rót mà 5 - 7 năm mới có hiệu quả thì gói hỗ trợ ít tác dụng”- ông Bùi Quang Tuấn nói.

Cũng tại cuộc họp báo, trả lời câu hỏi của PV Thời báo Tài chính Việt Nam về nội dung cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh trong chương trình phục hồi lần này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết đây là nhóm giải pháp thứ 5 trong chương trình. Trong phiên họp ngày 3/12, Ủy ban Kinh tế sẽ thẩm tra dự án một luật sửa nhiều luật để chuẩn bị trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội tại kỳ họp bất thường sắp tới.

Dự kiến trong dự án luật này, sẽ có rất nhiều cơ chế chính sách tháo gỡ ngay những khó khăn cho doanh nghiệp trong đầu tư, sản xuất kinh doanh như sửa Luật Đầu tư, Luật PPP… Trong đó, có nội dung về thẩm quyền phân cấp của Thủ tướng cho chính quyền địa phương trong chấp thuận chủ trương đầu tư với dự án vốn ODA, vốn vay ưu đãi. Nếu được Quốc hội chấp thuận, việc tăng phân cấp, phân quyền phải gắn với kiểm tra giám sát để tránh bị lạm dụng và có quy định chuyển tiếp để chính sách đi vào cuộc sống.

Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh cho hay, nhiều nội dung quan trọng đang được chờ đợi khác cũng được nêu trong dự án luật như là chính sách tháo gỡ vướng mắc để huy động vốn cho truyền tải điện, thuế tiêu thụ đặc biệt với xe ô tô chạy pin, một số nội dung về quản trị doanh nghiệp trong Luật Doanh nghiệp…