Tự tin mở cửa

Trước Quốc hội (QH), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: “Mặc dù chưa tổng kết quá trình chống dịch, nhưng qua thực tiễn và nhìn sang các nước thấy quá trình của chúng ta cũng có bài bản. Trên cơ sở đó, chúng ta mới mạnh dạn mở cửa và chúng ta tự tin mở cửa”. Người đứng đầu Chính phủ cũng thông tin, tuy còn có nhiều ổ dịch xuất hiện, nhưng trạng thái bình thường mới dần được thiết lập ở tất cả các địa phương trên cả nước, tạo thuận lợi cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện kiểm soát rủi ro.

“Hiện nay, nhiều quốc gia, đối tác lớn về thương mại, đầu tư của ta đang trên đà phục hồi mạnh mẽ. Đây vừa là cơ hội thuận lợi để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nhưng cũng vừa là thách thức lớn về nguy cơ tụt hậu, lỡ nhịp với xu hướng phục hồi của kinh tế thế giới nếu chúng ta không có những quyết sách, giải pháp linh hoạt, phù hợp, kịp thời, hiệu quả” - Thủ tướng nhìn nhận.

Bội phần khó vẫn phải giữ lời hứa
Ngày 13/11/2021, Quốc hội thông qua Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn, nhấn mạnh yêu cầu Thủ tướng, các bộ trưởng, trưởng ngành phải thực hiện quyết liệt những cam kết trước Quốc hội và cử tri cả nước.

Bắt đầu từ tháng trước, Chính phủ đã quyết định chuyển đổi tư duy, phương pháp, biện pháp, tổ chức thực hiện từ quản lý không Covid-19 (Zero Covid) sang quản lý rủi ro, giảm thiểu tử vong. Theo đó, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP quy định tạm thời về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”; kịp thời nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung những nội dung chưa phù hợp; bảo đảm sự chỉ đạo nhất quán, tập trung, xuyên suốt từ trung ương đến địa phương.

Sau gần một tháng “sống chung”, dịch bệnh râm ran ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Nhưng khi trung ương tự tin thì các địa phương cũng vậy. Như tại Hà Nội, ngày 15/11/2021, trên địa bàn thành phố ghi nhận thêm 289 ca dương tính với SARS-CoV-2. Đây là số ca dương tính cao nhất trong một ngày mà Hà Nội ghi nhận kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện. Tuy nhiên, không có hoạt động nào của Thủ đô trong tình trạng vừa mở ra đã vội vàng phải đóng lại. Hà Nội tỏ ra khá điềm tĩnh khi tỷ lệ tiêm vắc-xin mũi hai cho người dân tiếp tục được triển khai rầm rộ đến từng thôn cùng ngõ hẻm.

Còn theo thông báo mới nhất, đến ngày 15/11, TP. Hồ Chí Minh (TP. HCM) vẫn ở cấp độ 2 (vùng vàng) trong phòng, chống dịch Covid-19, nhưng nơi này tiếp tục mở thêm nhiều hoạt động xã hội theo hướng an toàn tới đâu, mở ra tới đó, đã mở là an toàn. Đến nay đã có 86/126 tuyến xe buýt của TP. HCM hoạt động trở lại. TP. HCM cũng vừa phát động phong trào thi đua 90 ngày phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả; phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2021.

Phải rất khiêm tốn

Tự tin mở cửa, nhưng mở cửa rồi thì sao? Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, thực hiện kết luận của Trung ương, Chính phủ đang tập trung chỉ đạo hoàn thiện, báo cáo cấp có thẩm quyền dự thảo chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; trong đó phân tích, đánh giá kỹ, lựa chọn phù hợp các công cụ, chính sách hỗ trợ, huy động nguồn lực và đánh giá tác động, ảnh hưởng trên các lĩnh vực để trình QH xem xét, quyết định.

Tính toán trên cơ sở nhu cầu tự thân của nền kinh tế

“Chương trình tổng thể phục hồi phát triển kinh tế phải được thiết kế trên cơ sở đánh giá sâu sắc toàn diện những tác động của dịch Covid-19 đến tình hình kinh tế - xã hội của nước ta; các xu hướng đầu tư kinh doanh sau đại dịch, tình hình kinh tế của khu vực và thế giới; dựa vào những kinh nghiệm mà chúng ta đã có được trong gói kích thích kinh tế khi khủng hoảng kinh tế xảy ra vào năm 2008 – 2009. Tính toán gì thì tất cả cũng phải trên cơ sở nhu cầu tự thân của nền kinh tế và rất khiêm tốn để học hỏi kinh nghiệm quốc tế.” - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

“Yêu cầu đặt ra là phải có những chủ trương, quyết sách đúng đắn, phù hợp và các cơ chế, chính sách hỗ trợ, kích thích với quy mô đủ lớn, phạm vi và thời điểm phù hợp. Phương châm đặt ra là hỗ trợ đúng, kịp thời, khả thi, hiệu quả; gắn kết hài hòa giữa cắt giảm thủ tục hành chính, hỗ trợ về cơ chế, chính sách và hỗ trợ về nguồn lực tài chính; bảo đảm nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn. Đối tượng hỗ trợ tập trung vào người dân, người lao động, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, nhất là trong những ngành, lĩnh vực quan trọng bị ảnh hưởng lớn bởi dịch Covid-19 với thứ tự ưu tiên, mức độ hỗ trợ, lộ trình phù hợp, khả thi, hiệu quả” - Thủ tướng cho biết.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh yêu cầu ngay trong năm 2021, các bộ, ngành có liên quan, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của QH để giúp cho Chính phủ xây dựng, ban hành và triển khai Chương trình tổng thể phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch Covid-19. Chương trình này cũng cần phải có lộ trình phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm, có tính khả thi cao và dẫn vốn được vào những khu vực thực sự cấp bách và cần thiết, có khả năng hấp thụ được vốn. Các giải pháp của chương trình thực hiện chỉ trong khoảng vài năm 2022 - 2023, sau đó đưa mọi việc trở lại bình thường.

“Chương trình tổng thể phục hồi phát triển kinh tế phải được thiết kế trên cơ sở đánh giá sâu sắc toàn diện những tác động của dịch Covid-19 đến tình hình kinh tế - xã hội của nước ta; các xu hướng đầu tư kinh doanh sau đại dịch, tình hình kinh tế của khu vực và thế giới; dựa vào những kinh nghiệm mà chúng ta đã có được trong gói kích thích kinh tế khi khủng hoảng kinh tế xảy ra vào năm 2008 – 2009. Tính toán gì thì tất cả cũng phải trên cơ sở nhu cầu tự thân của nền kinh tế và rất khiêm tốn để học hỏi kinh nghiệm quốc tế” - Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Về một lời chưa thể hứa

Khi mà dịch bệnh quá phức tạp và kinh tế quá khó khăn thì một lời hứa mặc dù được rất nhiều đại biểu Quốc hội giục giã nhưng Chính phủ chưa thể đưa ra. Đó là lời hứa Chính phủ có được bao nhiêu tiền để phục hồi kinh tế? Để có thể đưa ra được lời hứa này, hai vị “tư lệnh” được coi là đứng ở “đầu sóng ngọn gió” trong công cuộc phục hồi là Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng đều đã thể hiện được trách nhiệm rất cao trước Quốc hội.

Cả hai “tư lệnh” đều dứt khoát với quan điểm Chính phủ không “so đo” nhưng tuyệt đối không được “ném” tiền đi khi mà chưa đo đếm được một cách chính xác nhất về mức độ hấp thụ của nền kinh tế. Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nêu rõ: “Chúng tôi ủng hộ các gói kích cầu để phát triển kinh tế, tăng bội chi ngân sách trong năm 2022, 2023. Tuy nhiên, các gói kích cầu này phải có hiệu quả để tăng thu ngân sách và đồng thời làm giảm bội chi ngân sách các năm sau đó”.

Chia sẻ về một trong những giải pháp huy động nguồn lực để phục hồi là sẽ phát hành trái phiếu chính phủ hoặc phát hành công trái hoặc trái phiếu bằng ngoại tệ để huy động tiền trong dân, theo Bộ trưởng Tài chính, gói này huy động trong hai năm khoảng 180.000 tỷ đồng, mỗi năm làm tăng bội chi ngân sách 1%. “Tuy nhiên, một điều chúng tôi hết sức băn khoăn là khi chúng ta có tiền rồi thì tiền này nền kinh tế có hấp thụ được không và nền kinh tế hấp thụ ở trong những lĩnh vực nào? Tất cả phải được tính toán rất kỹ lưỡng” - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.

“Nếu chúng ta không nới trần nợ công và nới trần bội chi thì chắc chắn chúng ta không có nguồn lực để phục hồi và phát triển. Nhưng nếu chúng ta nới cao quá và chúng ta kiểm soát không được hiệu quả sẽ dẫn đến hệ lụy lâu dài cho nền kinh tế, gây mất ổn định kinh tế vĩ mô, mất các cân đối lớn và như vậy thì còn nguy hiểm hơn. Bây giờ nới bao nhiêu, 1% hay 2% hay bao nhiêu, nới ra rồi thì huy động bằng cách nào, huy động được rồi thì sử dụng vào đâu để cho hiệu quả? Hiện nay tất cả những việc này các bộ, ngành chúng tôi vẫn đang phải vô cùng cân nhắc” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.