bầu kiên

Các bị cáo đều xin hưởng khoan hồng để được giảm án, riêng bầu Kiên vẫn kiên quyết phủ nhận cáo buộc.

Ra nghị quyết trái luật

Liên quan tới cáo buộc cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, khi được hỏi cuộc họp HĐQT ngày 2/11/2009 để “quyết” việc mua cổ phiếu của ACB có những ai tham gia, bị cáo Lê Vũ Kỳ (nguyên Chủ tịch HĐTV Công ty ACBS) cho biết, có đầy đủ thành viên thường trực HĐQT, gồm: Ông Trần Xuân Giá, Phạm Trung Cang, Lý Xuân Hải, Trịnh Kim Quang và bị cáo.

Với câu hỏi của HĐXX: “Ý kiến của các thành viên HĐQT thế nào về đầu tư cổ phiếu?”, bị cáo Kỳ trả lời: “Cuối cuộc họp anh Kiên có nói về việc đầu tư cổ phiếu. Bàn về một số cổ phiếu như Ngân hàng Eximbank, Vietbank... và cho rằng đây là những cổ phiếu tốt, có giá trị thanh khoản cao, trong đó có cả cổ phiếu của ACB...”.

Với câu hỏi ai là người đưa ra chủ trương đầu tư vào cổ phiếu, bị cáo Kỳ khai nhận: “Ông Kiên là người nói đây là thời điểm tốt để đầu tư cổ phiếu và HĐQT quyết định đầu tư 700 tỷ đồng và giao cho ACBS thực hiện nghị quyết này. Nhưng lúc đó tôi mới nhậm chức, chưa có chứng chỉ về chứng khoán nên tạm thời nhận nhiệm vụ để sau đó có người khác phụ trách. Do vậy HĐQT ủy quyền cho ông Nguyễn Đức Kiên vì ông Kiên là người có kinh nghiệm, đầu tư cổ phiếu đòi hỏi người nhanh nhạy, không thể chờ họp được...”.

Về vấn đề này, bị cáo Trịnh Kim Quang (nguyên Phó Chủ tịch HĐQT ACB) lại khai nhận khác hẳn: “Khi có ý kiến đề nghị đây là thời điểm tốt để đầu tư, có vài ý kiến cho rằng, nên đầu tư chứng khoán. Trong số những cổ phiếu dự kiến tốt có cổ phiếu của Eximbank, ACB... Chúng tôi đủ hiểu biết để không ra lệnh mua cổ phiếu của ACB. Do vậy, nghị quyết giao 700 tỷ đồng cho HĐ đầu tư ACB chứ không phải giao cho ACBS. Không có yêu cầu nào mua cổ phiếu của ACB. Nếu ACBS thực hiện nghị quyết này thì giới hạn chỉ 700 tỷ đồng, nhưng sao riêng đầu tư mua cổ phiếu ACB đã là hơn 1.000 tỷ đồng. Tôi thấy hai việc này không liên quan gì đến nhau...”.

Kế toán trưởng không biết việc đầu tư cổ phiếu?

Được hỏi về việc có tham dự cuộc họp HĐQT ngày 2/11/2009 để ra nghị quyết đầu tư mua cổ phiếu của ACB, bị cáo Phạm Trung Cang (nguyên Phó Chủ tịch HĐQT ACB) lại “không nhớ” là mình có tham dự cuộc họp đó hay không. Tuy nhiên, bị cáo lại kể vanh vách rằng, gần cuối cuộc họp, anh Kiên nói thị trường chứng khoán giá xuống quá, có nhiều loại tốt để đầu tư. Công ty chứng khoán dư vốn 700 tỷ đồng sao mình không đầu tư. Sau đó, thường trực HĐQT giao cho anh Kiên toàn quyền quyết định mua loại nào, giá nào. Do giá cổ phiếu lên xuống từng phút, từng giờ nên không thể chờ họp.

Còn bị cáo Lý Xuân Hải (nguyên Tổng Giám đốc ACB) khi được hỏi thấy nội dung các bị cáo khác khai có đúng không, thì cho rằng: “Về sườn thì đúng nhưng có tình tiết không đúng. Các anh nói về bàn cổ phiếu, nếu nói về bàn thì chỉ chưa đầy 1 phút. Anh Kiên có nói sẽ giúp anh Kỳ điều hành ACBS. Để triển khai loại cổ phiếu nào phải có phân tích, đánh giá nên chúng tôi không bàn. Tôi không nghe thấy lời nói nào là ACBS mua cổ phiếu của ACB. Tôi nhớ, cuộc họp đó cũng không bàn về mua cổ phiếu quỹ nữa...”. Đồng thời bị cáo Hải cũng thấy rằng mình có trách nhiệm trong việc để xảy ra việc Công ty ACBS mua chính cổ phiếu của ACB.

Khai tại Tòa, Kế toán trưởng ACB Nguyễn Văn Hòa khẳng định không biết gì về việc đầu tư cổ phiếu này của ACBS. “Khi có kiểm toán vào tôi mới biết, đồng thời cũng là lúc bắt đầu đi giải quyết sự cố...”. Lý giải cho câu hỏi của HĐXX về việc vì sao không biết khi ông Hòa là người nắm rõ dòng tiền chuyển đi, chuyển về, Kế toán trưởng ACB nói: “Tôi chỉ biết tiền đi – tiền về. Việc họp của HĐ đầu tư và HĐQT tôi không được tham gia. Tôi được giao việc gửi tiền qua Ngân hàng Kiên Long và Vietbank. Vào thời điểm 2009, tôi chỉ biết ACB gửi tiền sang hai ngân hàng này. Đến năm 2012 thì tôi mới xâu chuỗi toàn bộ sự việc, mới biết được tiền đó để mua chính cổ phiếu của ACB...”.

Tuy nhiên, lời khai của Kế toán trưởng ACB đã bị phản bác bằng lời khai của nguyên thường trực HĐQT ACB: “Tôi có tham gia cuộc họp HĐQT ngày 2/11/2009. Trong cuộc họp có đủ thành viên gồm các ông Trần Xuân Giá, Lý Xuân Hải, Nguyễn Đức Kiên... và các thành viên khác ở ban điều hành, Trưởng ban Kiểm soát ngân hàng, Kế toán trưởng...".

Đồng loạt xin giảm án

Đầu phiên xét xử sáng nay, HĐXX hỏi bị cáo Lê Vũ Kỳ về lý do kháng án, bị cáo Kỳ tỏ ra thành khẩn nhận trách nhiệm về hành vi phạm tội như bản án sơ thẩm đã tuyên và mong được HĐXX phúc thẩm xem xét giảm nhẹ khung hình phạt xuống mức thấp hơn. “Tôi học chuyên về Toán, lý. Từ năm 1997 - 2008 về công tác tại ACB được phân công về mảng CNTT, chủ yếu phụ trách chiến lược thông tin cho ACB. Sau đó được đề cử vào HĐQT. Trước đây, các cuộc họp hàng tuần là ủy thác gửi tiền cho tổ chức, và sau này là ủy thác cho cá nhân, do nhận thức về pháp luật còn hạn chế nên không biết đó là sai phạm. Dựa trên nhận xét của các đơn vị nghiệp vụ trong ngân hàng, thấy không ai có ý kiến gì phản đối về việc ủy thác gửi tiền, kể cả Trưởng ban Kiểm soát cũng cho là bình thường nên tôi không biết đó là vi phạm pháp luật. Với vai trò thành viên thường trực HĐQT ACB, tôi xác nhận trách nhiệm liên quan đến sai phạm xảy ra tại ABC. Mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo...”.

Cũng liên quan đến hành vi bị cáo buộc là cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. khi bị thẩm vấn, bị cáo Phạm Trung Cang lý giải hành vi ủy thác cho nhân viên gửi tiền là vì giải quyết tiền tồn đọng của ACB. Bị cáo cũng nêu lý do là trong thời gian làm việc tại ACB, có nhiều việc bản thân cũng không được rõ. Do nhận thức về pháp luật hạn chế, nên đã đồng ý ký vào chủ trưởng gửi tiền.

Trước câu hỏi của HĐXX phúc thẩm về việc bị Tòa cấp sơ thẩm tuyên phạt 3 năm tù có oan không, bị cáo Phạm Trung Cang thành khẩn: “Bị cáo nhận mình là người có tội, nhưng hình phạt này là quá nặng với bị cáo. Tôi xuất thân là gia đình nghèo ở nông thôn, vừa đi làm thuê vừa đi học, ý thức rất rõ cuộc sống của người lao động. Ngoài ra gia đình tôi có bác ruột và cô ruột là gia đình liệt sỹ, mong HĐXX giảm nhẹ hình phạt...”.

Trong buổi thẩm vấn sáng nay, đa số các bị cáo đều nhận thức rõ trách nhiệm về hành vi bị cáo buộc là cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Bị cáo Trịnh Kim Quang mặc dù thừa nhận trách nhiệm liên đới tại ACB, song bị cáo Quang lại “phân vân” giữa việc kêu oan và xin giảm án.

Cụ thể: Bị cáo Quang cho rằng, thời điểm nhân viên gửi tiền tiết kiệm gây thiệt hại số tiền hơn 718 tỷ là thời điểm bị cáo không còn làm thành viên HĐQT của ACB. Tuy nhiên, bị cáo liên tục xin HĐXX xin giảm nhẹ hình phạt với lý do sức khỏe. Riêng bị cáo Nguyễn Đức Kiên vẫn khăng khăng phủ nhận hành vi bị bản án sơ thẩm cáo buộc với mức án 18 năm tù.

Buổi chiều, Tòa tiếp tục thẩm vấn các bị cáo, nghe đại diện VKS luận tội và tranh luận tại Tòa./.

Luận Danh